Giá vàng được dự báo dao động trong ngưỡng từ 1.750-1.785 USD một ounce cho đến khi thị trường việc làm Mỹ được công bố ngày 8/10.
Phiên giao dịch ngày 5/10, giá vàng giảm khi đồng USD tăng lên do hưởng lợi từ tâm lý chuộng rủi ro thấp đi. Đóng cửa phiên, giá vàng giao ngay trên thị trường New York hạ 0,53% và chốt phiên ở mốc 1.760,5 USD một ounce.
Theo ý kiến của chuyên gia, giá vàng sẽ có nhiều biến động cho đến ngày 8/10 khi báo cáo về thị trường việc làm Mỹ được công bố, thông tin về thị trường lao động của nước này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ của Fed.
Chỉ số Dollar Index tăng, chính vì vậy vàng trở nên có giá đắt hơn đối với các nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác; thị trường chứng khoán Mỹ gần đây biến động mạnh bởi lo ngại giá năng lượng cao sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia phân tích thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại OANDA, ông Jeffrey Halley, giá vàng sẽ giao dịch ngưỡng 1.750-1.785 USD một ounce trước khi báo cáo thị trường việc làm Mỹ được công bố.
Ngoài nỗi lo về lạm phát, mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc xáo trộn, cuộc khủng hoảng nợ Trung Quốc xung quanh vụ việc của Evergrande cũng như tình thế bế tắc liên quan đến trần nợ Mỹ đã giúp đẩy một lượng tiền vào vàn. Chính vì vậy, vàng cũng được hỗ trợ về giá.
Ông Hally nhận định, giá kim loại quý có thể được hỗ trợ ngay khi xuống mốc 1.750 USD mỗi ounce khi mà rủi ro lạm phát và tài khóa Mỹ tăng lên.
Dù rằng các yếu tố bất ổn hỗ trợ nhất định cho giá vàng, định hướng chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ là tác nhân gây ra ảnh hưởng lớn nhất, ông Halley dự báo.
Số liệu về việc làm trong các ngành phi nông nghiệp tại Mỹ dự kiến cho thấy thị trường lao động cải thiện. Chính vì vậy, Fed sẽ có điều kiện bắt đầu siết chặt chính sách hỗ trợ trước thời điểm cuối năm nay.
Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục trong ngày 5/10. Chốt phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,92% lên 34.314,6 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 1,05% lên 4.345,7 điểm, còn chỉ số Nasdaq tăng 1,25% lên 14.433,8 điểm. Tính từ đầu tuần đến nay, các chỉ số vẫn giảm điểm sau khi lập nhiều đỉnh cao mới.
Cổ phiếu nhiều doanh nghiệp công nghệ có giá trị vốn hóa lớn tăng điểm trong phiên hôm qua. Cổ phiếu Netflix tăng 5,2%; cổ phiếu Amazon tăng chưa đầy 1%; cổ phiếu Apple và Alphabet tăng lần lượt 1,4% và 1,8%. Cổ phiếu Facebook tăng 2% sau khi giảm đến 5% trong phiên 4/10.
Cổ phiếu năng lượng tăng điểm khi giá dầu tăng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng có lúc chạm mức 79 USD mỗi thùng sau khi đóng cửa ở mức 78,93 USD một thùng. Cổ phiếu Chevron tăng 1%, cổ phiếu Enphase Energy tăng 1,6%.
Các cổ phiếu liên quan đến quá trình phục hồi kinh tế như cổ phiếu các công ty du thuyền, hãng hàng không, hãng bán lẻ và ngân hàng tăng điểm cùng với thị trường. Cổ phiếu nhiều công ty kinh doanh dịch vụ du thuyền như Norwegian Cruise Line tăng; cổ phiếu ngân hàng như Goldman Sachs và Wells Fargo tăng 3,1% và 2%.
Thị trường trước đây phân hóa thành cổ phiếu của doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến quá trình phục hồi kinh tế và cổ phiếu các doanh nghiệp công nghệ lớn, tuy nhiên đến phiên hôm qua, cổ phiếu của cả hai nhóm này đều tăng.
Diệu Thanh (theo CNBC)