Chủ tịch VCCI đề xuất nới trần nợ công để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó Covid-19 trong bối cảnh doanh nghiệp đang kiệt quệ.
Đề nghị này được ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu tại cuộc gặp gỡ chiều 7/10 của giới doanh nhân Việt Nam với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân 13/10.
Ông phân tích, hiện các gói hỗ trợ của Nhà nước mới đạt khoảng 2,2% GDP, là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan (15,6% GDP), Malaysia (8,8% GDP), Indonesia (5,4% GDP)... Các gói hỗ trợ duy trì phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi.
Mặt khác, tổng nợ công trên GDP của Việt Nam đang ở mức thấp, vì vậy việc xem xét nâng trần nợ công là giải pháp hợp lý, tạo nguồn ngân sách phục vụ mục tiêu tăng trưởng, khôi phục kinh tế, mở rộng quy mô các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. "Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng tới 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ", Chủ tịch VCCI nêu.
Theo mục tiêu Nghị quyết 23/2021 được Quốc hội thông qua hồi tháng 7 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP; trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP mỗi năm...
Cùng "nới" trần nợ công, ông Phạm Tấn Công cũng đề nghị, cần có thêm một số chính sách tài khoá, tiền tệ có tính đột phá. Hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dưới hình thức gián tiếp, thông qua chính sách giãn, hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế, khoản vay với doanh nghiệp.
"Với tình thế "sống còn", tình trạng kiệt quệ, hiện nay của các doanh nghiệp, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chính sách trực tiếp với mức độ hỗ trợ mạnh hơn", ông nhấn mạnh.
Theo đó, xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 3-5% một năm so với lãi suất thị trường. Gói hỗ trợ bù lãi suất này sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nè bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải giáo dục...
Các đề xuất tiếp theo là: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất ở mức 50%, thay vì 30% như hiện nay; giảm nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 50% trong năm 2021, 2022; giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong 2021-2022; giảm phí một nửa công đoàn doanh nghiệp...
Các giải pháp cần đẩy nhanh xây dựng, triển khai chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, có phân chia giai đoạn, đối tượng để tránh cào bằng và cần tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp; có phương án ổn định, phục hồi lại thị trường lao động.
"Cần mạnh dạn bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông nêu.
Nhắc tới hình ảnh dòng người ồ ạt rút khỏi TP HCM và các trung tâm kinh tế phía Nam, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức lớn về lao động trong 6 tháng tới. Vì vậy cần có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút, đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô, mức hỗ trợ phù hợp.
Theo dữ liệu của VCCI, 9 tháng đầu năm nay đã có hơn 90.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh. Bình quân mỗi tháng hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô, sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
"Trong tình hình đặc biệt này đòi hỏi những quyết sách đặc biệt từ Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành để "giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn".
Về chiến lược ứng phó với Covid-19, ông Phạm Tấn Công nhắc lại quan điểm cần coi doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19. Trên cơ sở "vừa sản xuất, vừa chống dịch", việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định là nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt.
Ông Công nhấn mạnh quan điểm cần hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh và hoàn thiện thể chế, nhất là chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách phù hợp với điều kiện "bình thường mới".
Trong bối cảnh mới, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung, dài hạn đảm bảo đáp ứng mục tiêu đảm bảo ổn định vĩ mô, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh, hỗ trợ các hoạt động kinh tế.
Việc này nhằm ngăn chặn, giảm tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp. Cùng đó cần cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch, kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Trước đề xuất của Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, bối cảnh hiện nay yêu cầu cần phải có một giải pháp kinh tế tổng thể cho phục hồi kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, ngay tuần tới trong chương trình làm việc với các Uỷ ban của Quốc hội, sẽ bàn về sử dụng chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian khó khăn hiện nay. "Mọi quyết sách của Quốc hội đều vì lợi ích và đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm", Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông thông tin thêm, hội nghị Trung ương 4 vừa kết thúc sáng nay (7/10) đã nhấn mạnh hai nhóm nhiệm vụ quan trọng, là kế hoạch tài chính 3 năm; đổi mới tư duy, nhận thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để có các kịch bản, phương án phù hợp.
Các vấn đề lớn được Hội nghị Trung ương 4 đặt ra dự kiến cũng được ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc ngày 20/10 tới.
Bên cạnh đó, kỳ họp này cũng xem xét nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có nhiều dự án luật liên quan doanh nghiệp. Vì thế, "rất cần tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp để các quyết sách lớn có sự đánh giá đầy đủ tác động của Covid-19 tới kinh tế xã hội, việc làm sinh kế người dân, hoạt động doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Anh Minh