Cách nào bơm vốn cho doanh nghiệp đang cạn tiền?

Để hỗ trợ trong thời kỳ "bất thường" này, chuyên gia cho rằng có thể phải dùng tư duy phi truyền thống: ngân hàng nới điều kiện cho vay còn ngân sách đừng ngại tăng nợ.

Khối kinh tế tư nhân với sự đóng góp của doanh nghiệp trong nước hiện nay tạo ra 40% GDP và thu hút 85% lực lượng lao động cả nước. Nhưng nhiều doanh nghiệp đang cho thấy họ đã kiệt sức, hết tiền. Hỗ trợ họ một cách thực chất và kịp thời được xem là cách vực dậy nền kinh tế hiệu quả nhất.

Nhưng hỗ trợ bằng cách nào khi nhu cầu quá lớn mà nguồn lực có hạn? Chính sách tiền tệ thực hiện qua hệ thống ngân hàng không còn nhiều dư địa. Ở góc độ chính sách tài khoá, thu ít nhưng chi nhiều vì dịch bệnh cũng khiến ngân sách nhà nước khó khăn.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: Phương Ánh

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: Phương Ánh

Chia sẻ với VnExpress, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia nói rằng, Ngân hàng Nhà nước ở góc độ nhà điều hành chính sách tiền tệ, trong một năm rưỡi qua đã ban hành nhiều Thông tư, chính sách để giãn, hoãn trả nợ, miễn giảm lãi cho người vay. Cùng với định hướng giảm lãi suất vay của Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế, trong một năm, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần dùng công cụ lãi suất điều hành để giảm lãi suất huy động và chi phí vốn cho các ngân hàng thương mại. Sau đó, thông qua Hiệp hội ngân hàng, họ đã khích lệ 16 nhà băng (chiếm 75% dư nợ tín dụng nền kinh tế) giảm thêm lãi suất cho vay và "tưởng thưởng" bằng quota tăng trưởng tín dụng.

Tới nay, theo đánh giá của ông Trương Văn Phước, chính sách tiền tệ đã hoàn thành phần nào trách nhiệm với nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tái mở cửa nền kinh tế cũng đặt ra những yêu cầu mới và gánh nặng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vẫn sẽ đổ lên vai hệ thống ngân hàng thương mại.

'Nới lỏng điều kiện cho vay' nhưng không tạo ra rủi ro hệ thống

Để quay lại thị trường, doanh nghiệp cần vốn nhưng thế khó ở đây là nhiều doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn kinh doanh đình đốn, kết quả sa sút, liệu ngân hàng có dám cho "một người yếu" vay tiền? Hay như một số doanh nghiệp đã được cơ cấu, miễn giảm lãi vay sẽ bị xếp vào diện "sức khoẻ kém" cũng khó lòng tiếp cận nguồn vốn mới.

Trước vấn đề này, một số hiệp hội và chuyên gia đề xuất Chính phủ lập quỹ bảo lãnh cho người đi vay. Tuy nhiên, theo ông Phước, đề xuất này ít khả thi và không hiệu quả, bởi ngân sách khó lòng bảo lãnh cho doanh nghiệp vay tiền với liều lượng lớn. Điều này, hoạ chăng chỉ áp dụng được cho doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp "cũng không có nhiều niềm tin" vào chính sách này vì họ đánh giá khó áp dụng cho số đông cũng như đảm bảo được sự công bằng bởi cơ chế xin cho.

Thay vào đó, mong mỏi của nhiều doanh nghiệp hiện nay là làm sao để dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tín dụng khi kết quả kinh doanh "mất điểm" trước ngân hàng.

Theo ông Phước, giải pháp ở đây là ngân hàng "nới lỏng điều kiện cho vay" trong một thời gian nhất định nhưng không tạo ra rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Trong điều kiện bình thường, ngân hàng gần như từ chối cho vay với doanh nghiệp kinh doanh làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, nếu Covid-19 chỉ là cú sốc tạm thời khiến kết quả kinh doanh sa sút, ngân hàng nên cân nhắc lại khi đánh giá doanh nghiệp có triển vọng phục hồi tốt khi kinh tế mở cửa.

Cái khó của ngân hàng thương mại là việc cho vay những doanh nghiệp thua lỗ sẽ khiến "họ rước hoạ vào thân" do chịu những quy định ràng buộc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Do đó, để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại và cho doanh nghiệp, theo ông Phước, cần đến bàn tay của Ngân hàng Nhà nước gỡ khó về tỷ lệ an toàn vốn.

Theo ông, Ngân hàng Nhà nước nên giữ nguyên hệ số rủi ro khi cho vay bất động sản và chứng khoán nhưng điều chỉnh giảm hệ số rủi ro với các khoản cho vay sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ tạo ra công ăn việc làm.

Cơ chế này giúp ngân hàng mạnh dạn hơn khi cho vay nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát vốn vào lĩnh vực rủi ro, bên cạnh đó việc cho vay vẫn cần tài sản đảm bảo nên không lo ngại mất an toàn hệ thống, ông Phước đánh giá.

Ngoài ra, cơ chế cho khoanh nợ theo đề xuất của Hiệp hội ngân hàng, cũng là một giải pháp để doanh nghiệp đang được cơ cấu nợ có thể tiếp cận được vốn vay mới phục vụ sản xuất và kinh doanh.

Thiết kế gói cấp bù lãi suất thấp 'kiểu mới'

Nút thắt thứ hai là làm sao giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện thị trường khó khăn, vốn liếng eo hẹp, tỷ lệ sinh lời ít.

Tới nay, lãi suất cho vay có giảm nhưng không đồng bộ, chủ yếu diễn ra ở 16 trên hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước. Ngoại trừ các ngân hàng có vốn nhà nước chịu áp lực về chính sách, việc giảm lãi vay tại các ngân hàng tư nhân lại mang tính chọn lọc. Việc giảm lãi suất vay ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu kinh doanh và quyền lợi của cổ đông ngân hàng, do đó chính sách này "rộng rãi" tới đâu còn tuỳ thuộc vào "thiện chí" của cổ đông và đội ngũ ban lãnh đạo. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp với nguồn lực có hạn, do đó, Hiệp hội ngân hàng cũng từng đề xuất việc hỗ trợ thêm cho người đi vay cần tới bàn tay của Chính phủ.

Theo đề xuất mới đây của Chủ tịch Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tính đến gói cấp bù từ ngân sách nhà nước 3.000 tỷ đồng để khoảng 100.000 tỷ dư nợ được hưởng lãi suất thấp 3-4% một năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phước, quy mô dư nợ 100.000 tỷ "gần như không thấm vào đâu" với nhu cầu của doanh nghiệp. Theo ông, gói hỗ trợ phải đáp ứng được 20% dư nợ nền kinh tế, tương đương 2 triệu tỷ dư nợ được hưởng mức giảm lãi suất 3% một năm. Theo đó, quy mô gói cấp bù phải 60.000 tỷ đồng, gấp 20 lần so với con số Ngân hàng Nhà nước đang tính toán.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước quan điểm khá dè dặt về việc bơm tiền với khối lượng lớn do e ngại lạm phát và quyết toán phức tạp sau "bài học" từ gói cấp bù lãi suất năm 2009. Ngân hàng Nhà nước từng tạm ứng từ quỹ dự trữ ngoại hối 1 tỷ USD tương đương 16.000 tỷ đồng để ban hành gói này, tuy nhiên, khoản tiền trích từ quỹ dự trữ ngoại hối đến nay vẫn chưa được quyết toán. Lạm phát lên tới hai con số những năm sau 2009 cũng là lý do khiến nhà điều hành phải cân nhắc kỹ khi tính toán gói hỗ trợ lần này.

Để giải toả vướng mắc này, ông Trương Văn Phước gợi ý, gói cấp bù lãi suất lần này cần được thiết kế theo cách khác để không đi vào "lối mòn" năm 2009. Theo đó, các ngân hàng có thể giảm lãi suất vay thêm 3% cho một số doanh nghiệp và khoản tiền "cấp bù lãi suất này" này sẽ được trừ vào nghĩa vụ thuế của ngân hàng trong hai năm.

Covid-19 kéo dài khiến nền kinh tế các nước hồi phục chậm hơn so với dự kiến, ít nhất cũng phải tới nửa đầu năm sau. Do đó, theo ông Phước, trong 9 tháng tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn có không gian để thực thi gói cấp bù do lạm phát không phải vấn đề quá lo ngại với Việt Nam, ít nhất tới nửa đầu năm sau. Với lượng tiền mặt có tốc độ luân chuyển nhanh thay vì lưu thông chủ yếu bằng tiền mặt như trước đây, theo ông Phước, lạm phát cũng cần nhìn lại trong quan điểm mới.

Đường TP HCM tấp nập ngày đầu bình thường mới. Ảnh: Quỳnh Trần

Đường TP HCM tấp nập ngày đầu 'bình thường mới'. Ảnh: Quỳnh Trần

Không chỉ trông chờ chính sách tiền tệ

Như đề xuất của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, chính sách tài khoá nên vào cuộc mạnh hơn và chấp nhận khó khăn về nguồn lực. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ngân sách có thể vay Ngân hàng Nhà nước hoặc phát hành trái phiếu.

Trên thực tế, từ giữa năm 2020, ngân sách cũng đã có gói 62.000 tỷ miễn, giảm hoãn thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Gói này ban hành trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Việt Nam được kiểm soát tốt, chính sách giãn cách có chừng mực.

Nhu cầu về gói tài khoá càng lớn hơn khi Việt Nam đối mặt với làn sóng Covid-19 kéo dài trong năm nay. Chính sách tài khoá đã phần nào bộc lộ rõ hiệu quả trong việc hỗ trợ an sinh cho người dân. Tuy nhiên với doanh nghiệp, khi mở cửa lại nền kinh tế, chính sách tài khoá mới thể hiện vai trò quan trọng. Cần có gói hỗ trợ "tiền tươi thóc thật" với quy mô lớn hơn để có lực đẩy mạnh cho doanh nghiệp, theo ông Phước.

Trong bối cảnh thu giảm tăng chi, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm triệt để chi thường xuyên để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Theo ông Phước, "công thức" này đúng như chưa đủ. Ông kỳ vọng các chính sách mạnh dạn hơn để vực dậy nền kinh tế.

Trong nhiều năm trở lại đây, một trong những thành tựu của Việt Nam được ghi nhận là giữ được trần nợ công ở mức thấp. Tuy nhiên, đứng trước cú sốc Covid-19, ông Phước cho rằng cần gạt bỏ tâm lý e ngại bội chi hoặc nâng trần nợ công. "Đừng quá quan tâm vay nhiều hay vay ít mà quan trọng là đồng tiền quay trở lại tái tạo như thế nào", ông nói.

Với các địa phương đang cạn kiệt ngân sách phòng, chống dịch như TP HCM, nếu ngân sách nhà nước không hỗ trợ, theo ông Phước, cần mở cơ chế để địa phương tự phát hành trái phiếu địa phương 10-20 năm - thế hệ con cháu thành phố sau này sẽ đóng thuế trả lại.

"Bảo vệ sức khoẻ doanh nghiệp và người dân đang khốn khổ từng ngày vì đại dịch Covid-19 là lý do xứng đáng để mượn nguồn lực thế hệ sau trang trải nhu cầu cấp bách bây giờ. Sẽ không ai trách móc vì chi tiền để cứu người, cứu doanh nghiệp", ông nói.

Theo quan điểm của ông Trương Văn Phước, không hỗ trợ thêm, nền kinh tế cũng không ‘chết’, nhưng có hỗ trợ, kinh tế mới khoẻ nhanh. Mạnh dạn trong việc hoạch định chính sách, theo ông, sẽ giúp Việt Nam không bỏ lỡ chuyến tàu mang tên hồi phục kinh tế.

Quỳnh Trang

Adblock test (Why?)