Quy mô thị trường tỷ USD, tăng trưởng 2 con số, có được vị trí đắc địa với chi phí hấp dẫn khiến các "đại gia" bán lẻ Việt đua mở chuỗi chuyên bán hàng Apple.
Gần đây, thị trường chứng kiến một "làn gió mới" khi Thế Giới Di Động cho ra mắt chuỗi bán lẻ TopZone - chuỗi chỉ chuyên bán sản phẩm Apple (Apple Mono Store).
Thế Giới Di Động cho biết, công ty chuẩn bị khai trương 4 cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM. Dự kiến đến cuối quý I năm sau, số lượng cửa hàng này sẽ được công ty nâng lên con số 50.
Ra mắt sớm hơn so với Thế Giới Di Động, Shop Dunk cũng cho hay đang tăng tốc trong kế hoạch mở rộng nhiều chuỗi cửa hàng Apple Mono Store. Hiện chuỗi này có 6 cửa hàng chuyên bán sản phẩm Apple trên tổng số 20 cửa hàng. Dự kiến đến cuối năm, công ty sẽ khai trương thêm 9 cửa hàng, nâng tổng số chuỗi này lên 15, trong đó, có 1 trung tâm bảo hành uỷ quyền của Apple.
Trong khi đó, FPT Shop được coi là đối tác "đời đầu" chuyên kinh doanh sản phẩm Apple tại Việt Nam, hiện có 15 chuỗi cửa hàng F.Studio chỉ bán sản phẩm nhà "táo khuyết".
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông di động của FPT Shop cho hay, thời gian tới, dù không gia tăng số lượng cửa hàng với độ phủ lớn, nhưng công ty sẽ cân nhắc mở rộng ở những thành phố lớn.
Để mở cửa hàng, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Shop Dunk thừa nhận, việc lựa chọn địa điểm là yêu cầu quan trọng Apple buộc các đối tác địa phương tuân thủ. "Mono Store đầu tiên, công ty tôi phải mất 3 tháng để lựa chọn vị trí phù hợp", ông Tuấn Anh nói.
Ông cũng cho biết, tiêu chí lựa chọn địa điểm là các vị trí sầm uất, thuận lợi cho di chuyển. Nằm cạnh Apple Mono Store phải là mô hình kinh doanh sang trọng, không được là quán ăn, tiệm cà phê... Diện tích của một cửa hàng tối thiểu đạt 40-50 m2. Sau khi lựa chọn xong vị trí phải được Apple chấp nhận, công ty mới tiến hành thi công. Thời gian thi công cũng mất 2-3 tháng cho mỗi cửa hàng.
Về khâu trưng bày, toàn bộ phần thiết kế cửa hàng đều do Apple thực hiện. Thậm chí, đối tác liên quan như xây dựng, lắp đặt... cũng cần được hãng chỉ định hoặc thẩm định...
Về mặt nhân sự, nhân viên tại cửa hàng này được đào tạo bằng công cụ của Apple, kiểm tra hàng tháng và phải đạt mục tiêu công ty đặt ra. Bên cạnh đó, hãng có những quy định chặt chẽ về chương trình quảng cáo, truyền thông của cửa hàng, ngay cả trên các nền tảng trực tuyến.
Không phải ngẫu nhiên các "đại gia" bán lẻ Việt ồ ạt mở chuỗi cửa hàng Apple Mono Store mà đây được coi là mảnh đất khá màu mỡ. Thống kê của các hãng nghiên cứu cho thấy, thị trường thiết bị Apple tại Việt Nam có quy mô một tỷ USD. Quy mô này sẽ còn tăng mạnh khi chất lượng tiêu dùng của người Việt ngày một chú trọng. Hãng nghiên cứu thị trường GFK cho biết, người Việt đã bỏ ra 2.500 tỷ đồng trong tháng 5 chỉ để mua iPhone.
Giám đốc khối Viễn thông Di Động của FPT Shop cũng dẫn chứng, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Apple tại Việt Nam liên tục tăng ở mức 2 con số. Theo ông, đây là lý do mà nhiều nhà bản lẻ đua nhau "đánh chiếm" miếng bánh thị trường này.
Theo ông Kha, trong khi nhiều nước trên thế giới có số lượng cửa hàng Apple lên đến con số hàng trăm thì tại Việt Nam số lượng cửa hàng rất hạn chế. Do đó, đây là thời điểm để họ tăng tốc tại thị trường tiềm năng này.
Đại diện nhà bán lẻ ShopDunk cũng cho rằng rất bất ngờ khi doanh số chuỗi cửa hàng bán sản phẩm Apple tăng nhanh. "Bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên, chúng tôi lo lắng về nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng sau thời gian ra mắt, nhóm cửa hàng Apple Mono Store nằm trong top 5 về doanh thu, tăng nhanh hơn so với nhiều nhóm cửa hàng bán đa dạng sản phẩm", ông Anh dẫn lý do và cho rằng đây là động lực giúp công ty đẩy mạnh số lượng cửa hàng mở mới.
Theo ông Anh, một lý do khác khiến công ty mở rộng hệ thống là các bên đều có lợi. Các nhà bán lẻ chủ động được nguồn hàng. Ngoài ra, hãng này có hỗ trợ nhiệt tình cho đối tác của họ.
Với Thế Giới Di Động, việc "sinh" thêm Top Zone được hãng kỳ vọng tăng doanh thu trong thời gian tới. "Mặc dù chi phí đầu tư tương đối cao, nhưng được hãng hỗ trợ nên chi phí mà nhà bán lẻ phải chi chưa bằng một cửa hàng Thế Giới Di Động thông thường. Do đó, khả năng hoàn vốn của mô hình này cũng nhanh hơn", đại diện công ty nói.
Đánh giá về xu hướng mới này, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Digiworld- đối tác chiến lược của Apple, chuyên cung cấp hàng cho các đơn vị bán lẻ cho rằng, đây là một trong nhiều cách thức mà hãng "táo khuyết" tăng nhận diện thương hiệu tại thị trường Việt Nam.
Với xu thế mở cửa hàng chuyên doanh Apple được phủ rộng rãi trong thời gian tới, người tiêu dùng có nhiều không gian trải nghiệm sản phẩm hơn. Với các nhà bán lẻ địa phương, họ cũng sẽ được nhiều lợi thế và ưu đãi khi phân phối chuyên các sản phẩm này. Tuy nhiên, khi thị trường quá nhiều thương hiệu bán lẻ tham gia, cuộc canh tranh về dịch vụ và giá sẽ khốc liệt hơn.
Thi Hà