Nhà ở chiếm gần 80% giá trị bất động sản toàn cầu

Giá trị tất cả loại hình bất động sản toàn thế giới đạt 326,5 nghìn tỷ USD, trong đó nhà ở chiếm 79%, tăng 8% so với năm 2019.

Báo cáo giá trị bất động sản toàn cầu của Savills cho biết, giá trị của tất cả loại hình bất động sản trên toàn thế giới đã vọt lên mức cao kỷ lục, đạt 326,5 nghìn tỷ USD vào năm 2020, tăng 5% so với năm 2019, trong đó tài sản nhà ở đạt 258,5 nghìn tỷ USD, chiếm tỷ trong lớn nhất (79%), tăng 8%.

Giá trị bất động sản toàn cầu cũng cao hơn giá trị gộp của chứng khoán và trái phiếu, gấp gần 4 lần GDP toàn cầu. Giá trị của tất cả các mỏ vàng được khai thác hiện nay khoảng 12,1 nghìn tỷ USD, chỉ chiếm 4% giá trị bất động sản toàn cầu.

Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người là thị trường nhà ở có giá trị nhất thế giới và chiếm tới 30% tổng giá trị toàn cầu. Tổng giá trị nhà ở tại đây đã tăng 13% vào năm 2020 do giá cả tăng mạnh cùng với sự ra mắt các nguồn cung mới. Theo sau là thị trường Mỹ, chiếm 11% tổng giá trị bất động sản nhà ở của thế giới.

Theo số liệu ghi nhận, 10 quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Ý và Australia, chiếm 75% tổng giao dịch nhà ở toàn cầu. Những bất động sản có giá trị cao tập trung nhiều ở châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm 43% tổng giá trị toàn cầu, mặc dù số dân ở đây chỉ chiếm 17% dân số thế giới.

Theo Savills, bất động sản nhà ở Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Quý II là quý thứ 10 liên tiếp thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận giá nhà tăng, với giá sơ cấp tại quận Cầu Giấy tăng khoảng 14% một năm kể từ năm 2017. Tại TP HCM, với việc nguồn cung sơ cấp hạn chế, các hoạt động của thị trường bất động sản thấp tầng vẫn khá tốt, với mức tăng giá thứ cấp đạt 15-20% tại các quận 7, 9 và Nhà Bè.

Thị trường bất động sản nhà ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Thị trường bất động sản nhà ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam được dự báo tiếp tục là kênh thu hút vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ các yếu tố thuận lợi như: ổn định chính trị, dự báo khả quan của nền kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng, dân số đông cùng sức mua tăng và nhiều Hiệp định Thương mại tự do được ký kết, thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng còn nhiều dư địa phát triển.

Sự tăng trưởng giá trị bất động sản toàn cầu đạt mức 5% vào năm 2020, thấp hơn tổng giá trị của các khoản trái phiếu (tăng 17%), cổ phiếu (tăng 20%) hoặc vàng (tăng 29%). Nghiên cứu cũng cho thấy sự sụt giảm trong giá trị GDP, giá trị bất động sản thương mại cũng như đất nông nghiệp toàn cầu. Trong khi đó, những yếu tố này tại Việt Nam hiện vẫn ghi nhận mức tăng trưởng.

Tuy nhiên, báo cáo của Savills chỉ mới cập nhật thị trường nhà ở Việt Nam đến quý II năm nay, chưa đề cập đến diễn biến đầy ảm đạm của quý III, khoảng thời gian các đô thị lớn của Việt Nam đang gồng mình chống đợt dịch lần thứ tư (đợt dịch tác động nặng nề nhất kể từ cuối quý I/2020 đến nay).

Khảo sát của VnExpress, trong quý III, thanh khoản của thị trường bất động sản nhà ở tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và các thủ phủ công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều lao dốc theo các đợt phong tỏa, nhu cầu đầu tư cũng xuống thấp nhất hơn nửa thập kỷ qua.

Ngoại trừ chỉ số giá nhà ở trên thị trường sơ cấp (các chủ đầu tư chào bán lần đầu) vẫn tiếp tục xu hướng tăng, bất động sản trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) đều chịu sức ép giảm giá trên dưới 10% do dòng tiền của thị trường bị đứt gãy. Các chỉ số cơ bản của thị trường nhà ở như nguồn cung, nguồn cầu (thanh khoản) đều sụt giảm mạnh nhất kể từ giai đoạn hoàng kim năm 2016.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) cho biết, bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam trong quý III đã đổi màu từ kịch bản ổn định chuyển sang kịch bản màu xám do tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Các hoạt động mua bán của thị trường nhà ở đều bị chặn đứng do phong tỏa, giãn cách. Nhu cầu đầu tư cũng xuống thấp do thu nhập của nhiều thành phần trong xã hội bị sụt giảm, đồng thời giới đầu tư cũng ít nhiều bị mất thanh khoản dòng tiền. "Hiện giới đầu tư có xu hướng chuyển dòng vốn từ trạng thái lạc quan trước đó sang thận trọng ở mức cao suốt ba tháng nay", ông Nghĩa cho hay.

Theo chuyên gia này, khó có thể kỳ vọng sự chuyển biến nhanh của thị trường bất động sản chỉ trong 1-2 tháng tới vì dư chấn của đợt dịch lần thứ tư có thể đảo lộn các kế hoạch kinh doanh bất động sản trong ít nhất 6 tháng nữa. Điều này đồng nghĩa với các tháng cuối năm 2021 và quý đầu tiên của năm 2022 thị trường bất động sản vẫn đứng trước phép thử khó khăn và nhiều thách thức hơn.

Trung Tín

Adblock test (Why?)