TP HCMPhí giao hàng (phí ship) lên đến 60%, thậm chí cao hơn cả giá thành sản phẩm khiến nhiều người không dám đặt thức ăn mang về.
Sau khi hay tin TP HCM cho phép dịch vụ ăn uống bán mang về, sáng nay (10/9), Phan Nhi (phường 13, Bình Thạnh) mở các ứng dụng để đặt vài món ưa thích. Tuy nhiên, tìm được quán gà ta Tam Kỳ cách nhà 0,4 km, Nhi chọn mua tô bún gà. Đến khâu thanh toán, chị ngã ngửa vì thấy phí giao hàng đến 27.000 đồng trong khi giá sản phẩm chỉ 45.000 đồng, tức phí giao hàng bằng 60% tô bún. Như vậy, nếu muốn ăn tô bún gà này, chị phải trả tổng cộng 72.000 đồng.
"Tôi cũng lường trước dịch bệnh nên giao hàng khó khăn nhưng quán này gần nhà như vậy mà phí giao hàng cao ngất ngưởng là khó chấp nhận. Dó đó, dù rất muốn ăn nhưng tính ra giá thành tô bún quá cao, tôi không dám mua nữa", chị nói.
Tương tự, Thế Lương (Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) tìm đặt một ly bơ dầm sữa chua ở quán cách nhà 1,8 km. Ly bơ có giá 25.000 đồng nhưng phí giao hàng lại cao hơn giá sản phẩm 2.000 đồng. Tính luôn phí áp dụng cho đơn hàng dưới 50.000 đồng, anh phải trả 55.000 đồng để uống một ly bơ dầm sữa chua.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, các ứng dụng giao thức ăn đều có phí giao hàng tăng cao trong giai đoạn này. Trong phần diễn giải chi tiết, hầu hết ứng dụng đều thông báo rõ cho người dùng rằng phí cao hơn thường lệ do nhu cầu tăng cao ở thời điểm hiện tại.
Trên mạng xã hội, nhiều người dùng cũng chia sẻ dù rất vui khi thấy hàng quán mở bán trở lại nhưng họ lại ngại đặt thức ăn, đồ uống do phí giao hàng quá cao.
Đại diện Loship xác nhận có tình trạng phí giao hàng tăng cao dù chỉ giao nội quận. Nguyên nhân chính đến từ việc khan hiếm shipper. "Hiện nay, nhu cầu cần giao hàng của người dân quá lớn, số lượng shipper được cấp phép hoạt động còn hạn chế dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu và tỷ lệ hủy đơn hàng khá cao", đại diện này cho biết.
Trong ngày 9/9, ứng dụng này ghi nhận hơn 20.000 đơn đặt hàng, trong đó, dịch vụ giao thức ăn chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, lượng shipper hoạt động trên toàn TP HCM của Loship chỉ hơn 600 người. Vì thế, tỷ lệ hoàn thành đơn hàng chỉ đạt gần 30%.
Theo đại diện hãng, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp cũng như tâm lý lo ngại dịch bệnh, sợ bị phạt dù được trang bị đầy đủ giấy tờ cần thiết khiến nhiều shipper chưa sẵn sàng quay trở lại hoạt động.
Để động viên shipper và giúp họ an tâm hoạt động, Loship có chính sách tăng gấp đôi thu nhập tối thiểu của họ trên mỗi đơn hàng, điều này dẫn đến giá ship hàng trong giai đoạn hiện tại tăng. Đại diện Loship khẳng định: "Phần phí tăng, hãng hoàn toàn dùng cho các chính sách tăng thu nhập và điểm thưởng cho shipper, tạo động lực làm việc và thúc đẩy tỷ lệ hoàn thành đơn cao hơn".
AhaMove trước đó cũng cho biết, thị trường xuất hiện chênh lệch cung - cầu khi số lượng shipper thấp hơn nhu cầu vận chuyển của người dân. Do các tài xế chỉ là đối tác, không phải nhân viên của AhaMove nên doanh nghiệp này chỉ có thể tạo ra môi trường và các điều kiện khuyến khích họ hoạt động, chứ không thể "ép buộc" shipper phải ra đường.
Ngoài những lý do mà Loship có nêu ở trên, AhaMove bổ sung thêm thực trạng chỉ được phép hoạt động nội quận đã làm giới hạn phần lớn tới khả năng nhận đơn của tài xế và khó khăn cho khách hàng khi đặt đơn. Trước giãn cách, khoảng 70% đơn hàng chủ yếu là nhu cầu giao hàng liên quận.
"Chỉ chạy nội quận thì có khả năng doanh nghiệp rơi vào tình trạng tài xế 'ngồi chơi' nhưng yêu cầu của khách vẫn không được xử lý là rất lớn", đại diện hãng nói thêm.
Để khắc phục tình trạng trên, AhaMove đề xuất tăng thêm số lượng shipper được phép hoạt động và tăng hạn sử dụng của giấy xét nghiệm Covid-19 lên 3-5 ngày. Loship cho biết, công ty cũng đang làm việc với Sở Công Thương TP HCM và các cơ quan chức năng để gia tăng số lượng shipper đủ điều kiện hoạt động, từ đó giải quyết được tình trạng khan hiếm shipper và đáp ứng đủ nhu cầu người dân.
"Một khi cán cân cung cầu được cân bằng thì chắc chắn giá ship sẽ được điều chỉnh về mức bình thường", đại diện Loship khẳng định.
Tất Đạt