Bộ Công Thương muốn quản mạng xã hội như sàn thương mại điện tử

Mạng xã hội có các hình thức hoạt động như sàn giao dịch có thể phải theo quy định về sàn thương mại điện tử của Bộ Công Thương.

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử của Bộ Công Thương, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: website cho người tham gia được mở bán, gian hàng; được mở tài khoản để thực hiện hợp đồng với khách; có chuyên mục mua bán, cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hoá, dịch vụ.

Nếu mạng xã hội có một trong các hoạt động này và có người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí sẽ bị điều chỉnh theo quy định của sàn giao dịch điện tử.

Bình luận về đề xuất của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, còn thiếu căn cứ để xem mạng xã hội là sàn thương mại điện tử. Các nền tảng này chỉ được xem là kênh thông tin bổ sung do không chuẩn hoá được sản phẩm, cửa hàng và không có nghĩa vụ hỗ trợ thông tin khi xảy ra khiếu nại, gian lận.

"Nếu coi một số hoạt động của mạng xã hội như là sàn thương mại điện tử thì không đúng. Nó chỉ là dưới dạng quảng cáo, dịch vụ thì đúng hơn. Cần làm rõ bản chất, không phải một nghị định là có thể điều chỉnh được tất cả", ông bình luận. Tại châu Âu, ông cho biết các hoạt động này được xem là dịch vụ số, khái niệm rộng hơn thương mại điện tử. Theo ông, sớm muộn các dịch vụ số trên nền tảng mạng xã hội cũng phải điều chỉnh, tuy nhiên dự thảo lần này chỉ nên tập trung vào đối tượng là sàn, chợ thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng lo lắng dự thảo của Bộ Công Thương sẽ khiến các sàn thuơng mại điện tử khó hút vốn ngoại.

Phát biểu tại hội thảo góp ý hôm 14/1, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SB Law cho biết, việc yêu cầu khi cấp, điều chỉnh, thay đổi đăng ký các giấy tờ kinh doanh phải xin ý kiến của Bộ Công Thương sẽ tăng thủ tục hành chính. Bởi khi làm thủ tục đầu tư, doanh nghiệp đã phải xin giấy phép từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Ông nhấn mạnh, việc hỏi lại ý kiến Bộ Công Thương khi điều chỉnh, sẽ chồng chéo và gây xung đột vì chức năng cấp phép đầu tư thuộc cơ quan đăng ký đầu tư. Điều này sẽ gây bất an cho nhà đầu tư.

Một quy định khác tại dự thảo này là các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ mới được phép tiếp cận thị trường. Quy định này bị đánh giá sẽ hạn chế số lượng vốn ngoại rót vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hà và Nguyễn Quang Đồng có chung nhận xét khi cho rằng, quy định về "công ty công nghệ uy tín toàn cầu" khó xác định tiêu chuẩn, dễ mang tính chủ quan, không rõ ràng, dẫn đến những khó khăn để định danh, xác định các tiêu chí. Các chuyên gia cho rằng quy định này không khả thi và cần loại bỏ.

Còn ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo, cho biết nếu quy định này được áp dụng, các sàn thương mại trong nước sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn trong việc gọi vốn so với các sàn đa quốc gia như Shoppee, Lazada do họ có nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ công ty mẹ.

"Nhu cầu gọi vốn của các sàn thương mại điện tử là rất lớn, phải kêu gọi từ nhiều nguồn. Trong đó, có cả những quỹ đầu tư nhỏ, có cả những doanh nghiệp nước ngoài nhưng không phải hàng đầu thế giới", ông nhấn mạnh.

Đức Minh

Let's block ads! (Why?)