Chuyên gia World Bank cho rằng Covid-19 tạo cơ hội đặc biệt cho Việt Nam vì có thể cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch.
Số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO cho biết, ngay cả sự phục hồi có trở lại ở những tháng gần đây, thương mại toàn cầu vẫn sụt giảm 13-35% trong năm 2020. Dòng vốn FDI trên toàn thế giới cũng ước giảm 30-40%. Dù vậy, tại Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) sáng 29/9, ông Jacques Morriset, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam nhận định: "Covid-19 tạo ra một cơ hội đặc biệt cho Việt Nam".
Theo ông, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng này đã xuất hiện từ trước đại dịch do chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao cũng như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Việc khống chế Covid-19 thành công cũng trở thành công cụ quảng bá tốt cho Việt Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Nền kinh tế Việt Nam cũng sớm được vận hành trở lại.
Ông Jacques Morriset cũng cho rằng, việc ý thức để cải cách nhanh trong nước, đặc biệt lĩnh vực số hoá, cải thiện môi trường kinh doanh khiến nền kinh tế gần 100 triệu dân hấp dẫn hơn. Các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam cũng khiến nhà đầu tư nhìn nhận nhiều cơ hội mới tại thị trường này trong khi rào cản tại nhiều nước đang gia tăng.
Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, World Bank, cũng nhấn mạnh những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có cơ hội khi các tập đoàn đa quốc gia tái phân bổ cơ sở sản xuất kinh doanh, hình thành những liên minh kinh tế mới. Các nước cũng có thể tận dụng thời cơ để đẩy nhanh chương trình cải cách.
Bà cho rằng Việt Nam có tiềm năng khi đã phát triển thành công trong 30 năm. Ngay cả trong đại dịch, đất nước này vẫn tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu.
Mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, theo bà Victoria Kwakwa. Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi này, xếp 55 trên 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của Philippines.
Mặt khác, trong chuỗi, Việt Nam vẫn tham gia ở các công đoạn giản đơn. Hai cấp độ tinh vi, phức tạp trong chuỗi là chế biến chế tạo, dịch vụ tiên tiến và các hoạt động đổi mới sáng tạo. Một số nước trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Philippines đang ở trình độ chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến. Ước tính cứ mỗi 1% tăng khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 1%. Con số này gấp hai lần so với thương mại truyền thống.
Còn ông Jacques Morriset chỉ ra tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam thấp, có xu hướng giảm dần theo thời gian, hiện thấp hơn 2 lần so với Trung Quốc. Việt Nam cũng tập trung quá mức vào một số thị trường (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ), sản phẩm (dệt may, điện tử, hoá chất, kim loại), doanh nghiệp (Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic). Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ còn có rào cản gia nhập khiến lượng vốn FDI thấp và thương mại dịch vụ thấp, trừ du lịch.
Để phục hồi và tận dụng cơ hội mới, bà Victoria Kwakwa cho rằng trong ngắn hạn, Việt Nam cần chống lại sự cám dỗ trở nên bảo hộ hơn. "Chúng tôi tin rằng Việt Nam nên tiếp tục nới lỏng các hạn chế đối với dòng vốn FDI vào các lĩnh vực kinh doanh của khối này", bà nói.
Trong trung hạn, bà đưa ra 3 biện pháp, gồm: chủ động thu hút các nhà đầu tư từ Trung Quốc; tạo điều kiện cho sự liên kết chặt chẽ giữa FDI và doanh nghiệp trong nước; xem xét lại chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Jacques Morriset nhận xét, Việt Nam cần phải thay đổi chiến lược, trong đó, hướng đến tối ưu hoá tác động của chuỗi giá trị toàn cầu đối với nền kinh tế.
Theo đó, ông đưa ra 5 ưu tiên trong dài hạn. Đầu tiên là lao động có kỹ năng. Việt Nam cần có một lực lượng lao động với năng lực tốt hơn nếu muốn vượt ra ngoài lĩnh vực lắp ráp và xây dựng được mạng lưới các nhà cung cấp, phân phối nội địa. Đây là điểm nghẽn then chốt theo đánh giá của hầu hết nhà đầu tư tại Việt Nam.
Tiếp theo là công nghệ mới. Nhưng trước tiên, ông cho biết Việt Nam phải bắt kịp về công nghệ thông qua các đối tác. Bởi nhiều doanh nghiệp nội địa đang tụt lại trong đổi mới sáng tạo và cải thiện chất lượng.
Hạ tầng kết nối, bao gồm vật lý và trên mạng, cũng được đề cập. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần mở cửa dịch vụ, xoá bỏ các rào cản gia nhập và sự thiên vị dành cho các doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ nâng cao cạnh tranh, giúp dần cải thiện năng suất cũng như thương mại hàng hoá dịch vụ. Cuối cùng, ông cho biết cần quan tâm đến khả năng chống chịu của môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện điều kiện sống.
Phương Ánh