Sơn càng dày, máy bay càng nặng, tốn nhiều nhiên liệu. Do đó, để phủ sơn thật mỏng, các nhà sản xuất cần đầu tư không ít vào công nghệ.
Một thời, mọi thiết kế của các hãng hàng không đều liên quan đến quốc kỳ - hình ảnh vừa là biểu tượng cho niềm tự hào của một đất nước, vừa thể hiện đẳng cấp của hãng - đó là lý do khái niệm hãng hàng không quốc gia ra đời.
Mọi thứ đổi thay khi những hãng hàng không tư nhân ra đời và nhập cuộc chơi, mở cửa cho dòng chảy sáng tạo của lớp vỏ ngoài máy bay: từ màu sắc sáng sủa, bắt mắt của các hãng bay giá rẻ, cho đến những thiết kế phức tạp độc đáo, in hình động vật dễ thương, siêu anh hùng trong hoạt hình hay kiệt tác nghệ thuật.
Máy bay vừa "ra lò" có màu gì?
Mọi chiếc máy bay đều phủ lớp sơn có màu như nhau khi xuất xưởng: xanh lá cây với máy bay bằng kim loại, màu be với những phi cơ làm từ vật liệu tổng hợp (vì không cần phủ lớp chống ăn mòn). Máy bay màu xanh lá cây là do một lớp mạ kẽm cromat chống ăn mòn ban đầu. Sau khi hãng hàng không duyệt thiết kế lớp sơn trang trí - thường do một đơn vị sáng tạo bên ngoài lên ý tưởng, hãng sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất máy bay để thực hiện bản vẽ.
Những ông lớn như Airbus và Boeing có nhà máy sơn riêng và đội ngũ chuyên nghiệp cho khâu này. Quá trình sơn một chiếc máy bay cần bản kế hoạch chi tiết từ loại sơn, họa tiết, lượng sơn... cho đến dụng cụ. Sau đó, máy tính tạo ra một mô hình 3D của chiếc máy bay, với khuôn để phủ sơn. Đó là những mảnh vải lớn dính bên ngoài máy bay để thợ phun sơn tạo hình theo đúng thiết kế.
Vào xưởng sơn
Lớp phủ đầu tiên trên một chiếc máy bay mới là sơn lót không chứa chrome, thân thiện với môi trường, và có tác dụng tăng độ bám dính của các lớp sơn tiếp theo. Tiếp theo là một lớp sơn nền, thường có màu trắng, song không phải máy bay nào cũng cần lớp sơn này - tùy thuộc thiết kế. Trên lớp nền này, lớp sơn màu sẽ được phun lên, tạo hình nhờ khuôn giấy nến.
Cuối cùng là lớp sơn trong suốt - có tác dụng tăng độ bền của những lớp sơn màu trước đó, chống tác động ăn mòn từ không khí, tất cả các loại chất lỏng, và tia UV từ mặt trời.
Độ dày của từng lớp sơn rất quan trọng, bởi chúng đều tăng thêm trọng lượng cho máy bay. Càng nặng, máy bay càng tiêu tốn nhiên liệu hơn và giảm tuổi thọ hoạt động của máy bay, gây ra những hậu quả đáng kể về kinh tế và môi trường. Đây là lý do tại sao quy trình sơn phủ máy bay lại được chú trọng trong công cuộc đổi mới kỹ thuật.
Thời gian và tiền bạc
Để sơn một chiếc máy bay, các xưởng sơn cần khoảng một đến hai tuần. Chi phí còn phụ thuộc vào kích cỡ máy bay và độ phức tạp của thiết kế. Chiếc Boeing 737 in hình phỏng theo bộ phim hoạt hình "Toy Story" của Pixar lại cần tới 21 ngày để hoàn thành, và những họa sĩ phải vẽ tay lớp trang trí cuối cùng thay vì phun sơn như bình thường.
Để sơn một chiếc máy bay thương mại thông thường cần khoảng 150.000 - 300.000 USD, trong khi phi cơ nhỏ chỉ cần 50.000 USD cho lớp sơn. Tuy nhiên, riêng chi phí sơn sửa lại chiếc máy bay phản lực RAF Voyager của Thủ tướng Anh Boris Johnson vào tháng 6 năm nay được báo cáo là tốn hơn 1 triệu USD.
Một kỹ thuật rẻ hơn, nhanh hơn mà một số nơi sử dụng cho những máy bay có thiết kế đặc biệt phức tạp chính là dán đề-can cỡ lớn. Do đó, những miếng đề-can này có thể được in và dán vào đúng vị trí trên máy bay. Dù vậy, không phải hãng nào cũng chuộng đề-can.
Ngoài ra, từng loại sơn cũng có những khác biệt lớn. Một số không chỉ đắt đỏ mà còn khó bám dính hơn bình thường, đến mức đội ngũ chuyên gia sơn máy bay cần được tập huấn thêm để sử dụng. Trong trường hợp này chính là loại sơn màu như ngọc trai có thành phần gồm các hạt mica.
Jean-François Paul, giám đốc trung tâm sơn máy bay Airbus tại Toulouse, Pháp, lấy ví dụ về lớp sơn trang trí của máy bay Virgin Atlantic A350. Thiết kế mẫu phi cơ này có lớp sơn đặc biệt: chứa những hạt nhôm siêu nhỏ, và những màu sắc đặc biệt để tạo hiệu ứng lấp lánh. Thoạt nhìn, mẫu máy bay này trông khá đơn giản nhưng cách bố trí các sắc thái khác nhau của màu đỏ thể hiện mức độ phức tạp và tinh vi của nghệ thuật phủ sơn. "Đó là yêu cầu đầy thách thức, nhưng kết quả lại vô cùng đẹp mắt", Paul cho hay.
Bảo Ngọc (Theo CNN)
Xem thêm