Bộ Xây dựng đề xuất tài khoản nhận phí bảo trì của chủ đầu tư phải ở dạng “đóng” cho tới khi bàn giao cho ban quản trị chung cư.
Quy định hiện hành liên quan phí bảo trì chung cư (mức 2% giá trị căn hộ) không có ràng buộc về tài khoản nhận kinh phí; hình thức nộp (người mua hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản khi trên hợp đồng mua bán hoặc nộp cho chủ đầu tư để chuyển vào tài khoản)...
Để tránh việc chủ đầu tư lạm dụng phí bảo trì, tại tờ trình lấy ý kiến sửa đổi Nghị định hướng dẫn về Luật nhà ở, Bộ Xây dựng đề xuất chủ đầu tư phải lập tài khoản vốn chuyên dùng để người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp phí bảo trì.
"Tài khoản vốn chuyên dùng" là loại tiền doanh nghiệp gửi ngân hàng, chỉ được dùng vào một số mục đích nhất định. Việc sửa đổi này nhằm đảm bảo tài khoản nhận phí bảo trì ở dạng "đóng", nhà đầu tư không được tự ý sử dụng vào mục đích khác. Thông tin tài khoản phải được ghi thống nhất trong hợp đồng mua bán.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị bỏ quy định người mua nộp trực tiếp phí bảo trì bằng tiền mặt cho chủ đầu tư.
Nếu chủ đầu tư thâm dụng vào khoản 2% phí bảo trì, Bộ Xây dựng kiến nghị bán đấu giá tài sản của chủ đầu tư để làm cơ sở cho địa phương thực hiện thu hồi kinh phí, bàn giao cho Ban quản trị chung cư. Biện pháp xử lý tài sản của chủ đầu tư trước đây do uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đưa ra trong quyết định cưỡng chế.
Hiện mỗi khách hàng mua nhà, ngoài chi phí căn hộ mua, phải nộp thêm 2% phí bảo trì chung cư và thông thường, khoản phí này được chủ đầu tư thu. Các khoản này không hề nhỏ, theo đại diện Sở Xây dựng TP HCM, ở một số chung cư, lên đến 60-70 tỷ đồng. Trong quá trình giữ quỹ, nhiều chủ đầu tư đã tự ý sử dụng khoản tiền này theo mục đích riêng. Một số trường hợp không bàn giao, bàn giao chậm, giao không đủ cho ban quản lý chung cư, gây tranh chấp phức tạp giữa hai bên, ảnh hưởng đến cư dân. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM tranh chấp này chiếm 36% trong các vấn đề tranh chấp tại chung cư.
Phương Ánh