Máy bay, tàu hỏa hay xe riêng đều có những ưu nhược điểm về mức độ an toàn trong Covid-19.
Điều đầu tiên bạn cần xác định ai nên ra đường, ngay cả khi chuyến đi là cần thiết. Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra lời khuyên chi tiết về "chuyến đi cần thiết", và liệt kê những người nên hoãn hay hủy hành trình như người già, người mắc bệnh mãn tính, người mắc Covid-19. Thêm vào đó, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo: "Những chuyến đi gia tăng khả năng lây nhiễm Covid-19. Người có nguy cơ cao hơn phải cẩn trọng tối đa".
Chris Hendel, nhà nghiên cứu y tế liên kết với Trung tâm Gia đình USC Gehr về Khoa học và Đổi mới Hệ thống Y tế, phân tích: "Tôi nghĩ chúng ta vẫn đang tìm hiểu về khả năng lây lan của virus, phát hiện những triệu chứng càng khó khăn". Điều tiếp theo là phân tích những phương thức đi lại như đường hàng không, đường sắt hay đường cao tốc.
Máy bay
Nguy cơ lây nhiễm virus khi đi máy bay bắt đầu từ sân bay. CDC lưu ý rằng "bạn mất nhiều thời gian tại cửa an ninh và những nhà ga trong sân bay, từ đó bạn phải tiếp xúc gần với những người khác và thường xuyên chạm vào các bề mặt".
Một khi lên máy bay, bạn khó có thể thực hành giãn cách xã hội, phụ thuộc vào chính sách của hãng hàng không. Trên những chuyến bay đông đúc, nơi bạn có thể phải ngồi gần người khác dưới 2 m trong hàng giờ, khả năng lây nhiễm càng gia tăng.
Nhưng tin tốt là phần lớn virus và những vi khuẩn khác không dễ dàng lây lan trên máy báy vì không khí lưu thông và được lọc. Bởi vì phần lớn máy bay của các hãng hàng không đều có hệ thống lọc HEPA tiêu chuẩn cao có thể loại bỏ tới 99,999% các hạt trong không khí. Điều này cung cấp một lớp bảo vệ vô cùng hiệu quả, nhưng không hoàn hảo. Tiếp xúc gần trên máy bay giữa các hàng ghế, hay khi xếp hàng - đặc biệt nếu có hành khách không đeo khẩu trang - nghĩa là bạn hoàn toàn có khả năng hít phải không khí chứa virus.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không thể ban hành bất kỳ điều luật nào với toàn bộ các hãng hàng không, phần lớn những biện pháp phòng chống Covid-19 chỉ là gợi ý chứ không bắt buộc. Thực tế, chính sách của các hãng hàng không rất khác nhau, một số hãng không cho khách ngồi hàng ghế giữa, một số khác bắt buộc hành khách đeo khẩu trang nhưng vẫn bán toàn bộ ghế.
Arnold Barnett, giáo sư thống kê tại Viện Công nghệ Massachusetts, chỉ ra rằng khả năng lây nhiễm Covid-19 từ một hành khách ngồi gần là khoảng 1/4.300. Trên những máy bay bỏ trống hàng ghế giữa, khả năng này giảm còn 1/7.700.
Theo nghiên cứu của Barnett, rủi ro tử vong do nCoV đối với khách đi máy bay hiện nay "cao hơn đáng kể" so với đe dọa từ tai nạn hàng không - một kết luận đáng kinh ngạc khi xem xét đến thống kê an toàn thông thường trên những chuyến bay thương mại.
Tàu hỏa
Một chuyến tàu dường như an toàn hơn máy bay. Các nhà ga có nhiều không gian ngoài trời hơn, có ít điểm tập trung tắc nghẽn vì khách xếp hàng check-in hơn, và không phải làm thủ tục an ninh. Dù vậy, CDC vẫn lưu ý hành khách giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác khi đứng hoặc ngồi trên tàu hay xe buýt.
Một đội nghiên cứu từ Trung Quốc và Anh đã công bố bản phân tích nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giữa các hành khách trên tàu. Shengjie Lai, nghiên cứu trưởng của Đại học Southampton, cho rằng: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, dù nguy cơ lây nhiễm Covid-19 gia tăng trên tàu, vị trí ghế ngồi của một người và thời gian di chuyển có thể tạo ra những khác biệt".
Tàu hỏa vốn có ưu thế hơn phần lớn chuyến bay thương mại, vì không có hàng ghế giữa. Jim Matthews, chủ tịch và CEO của Hiệp hội Hành khách Tàu hỏa, lưu ý rằng một toa tàu thay không khí khoảng 12 đến 15 lần một giờ, và cung cấp khoảng 6,8 kg không khí mới một phút, những quy định về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang cũng quan trọng. Do đó, Matthews có lý do để tự tin rằng những biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tàu hiệu quả.
Xe hơi
Rõ ràng những ưu điểm của phương tiện này là bạn có thể kiểm soát ai ngồi chung xe với mình. Tuy nhiên, CDC cảnh báo về những ẩn họa: "Dừng xe dọc đường để đổ xăng, mua thức ăn, đi toilet có thể khiến bạn và người đồng hành tiếp xúc gần với người ngoài và những bề mặt". Nếu thuê xe, bạn cần lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ uy tín, vệ sinh khử khuẩn đúng cách.
Phương tiện nào an toàn nhất?
Barnett, giáo sư MIT, phân tích: "Cứ cho rằng tài xế và hành khách không nhiễm Covid-19, thì ước tính rủi ro tử vong khi lái xe trên mỗi 1,6 tỷ km tại Mỹ vào năm 2018 là khoảng một trên ba triệu. Tỷ lệ này thấp hơn so với trên một chuyến bay 1.000 dặm, tôi ước tính một người chết vì nCoV trên 600.000 hành khách nếu máy bay kín 2/3 chỗ. Nhưng ưu điểm an toàn của máy bay so với ôtô như thời tiền Covid đã biến mất vào tháng 8/2020".
Chuyên gia Hendel thì cho rằng, nếu bạn phải ra đường và đủ tài chính, lái xe là lựa chọn an toàn nhất hiện nay, một phần vì bạn sẽ không phải đi cùng với người không rõ có nguy cơ lây nhiễm hay không. "Về cơ bản, bạn không phải hít thở chung một bầu không khí với người có thể bị bệnh. Nhưng tất nhiên, một người vẫn luôn phải cẩn trọng mỗi khi dừng xe. Tôi cho rằng đi tàu an toàn hơn máy bay chút đỉnh. Dù sao thì mọi người đều nên đeo khẩu trang trên tàu hay máy bay".
Những lưu ý khác
Nếu phải sử dụng bất kỳ phương tiện công cộng nào, hãy chọn chuyến khởi hành sớm nhất trong ngày vì máy bay hay tàu thường được khử trùng toàn bộ khi dừng đỗ qua đêm.
Mang thêm khẩu trang, khăn che mặt, găng tay, khăn giấy sát khuẩn và nước rửa tay chứa ít nhất 60% cồn.
Trên một chuyến tàu hay chuyến bay, hãy lau những bề mặt quanh mình như chỗ để tay, lưng ghế phía trước, bàn ăn, đai an toàn, lỗ điều hoà, cửa sổ, công tắc đèn...
Nếu lái xe thuê, hãy lau chùi những bề mặt như cần gạt, bánh lái, tay nắm cửa, bảng điều khiển, dây an toàn, gương, radio...
Bảo Ngọc (Theo Conde Nast Traveler)