Lũ lụt đang tàn phá kinh tế Trung Quốc ra sao?

Nếu không có trận lũ tháng trước, gia đình Bao Wentao đã thu hoạch được 28.000 USD và chuẩn bị gieo trồng vụ mới.

Vào thời điểm này trong năm, lúa trên ruộng nhà Bao Wentao lẽ ra đã sẵn sàng để thu hoạch. Nhưng năm nay, lũ lụt đã nhấn chìm nhiều vùng đất rộng lớn ở miền nam Trung Quốc, bao gồm hơn 14,5 ha ruộng mà Bao và cha mình đang canh tác ở một ngôi làng gần hồ Poyang.

"Mùa màng thất bát hoàn toàn", Bao nói. Gia đình anh đã mất khoảng 200.000 nhân dân tệ (28.000 USD) tiền lúa. "Lúa đã gần chín và chuẩn bị thu hoạch trước lũ. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã không còn", anh nói.

Nước lũ dâng cao đã làm vỡ đê bao quanh hồ Poyang ở tỉnh Giang Tây tháng trước, phá hủy hàng nghìn ha đất nông nghiệp ở nơi được gọi là "vùng đất của cá và lúa". Lưu vực sông Dương Tử (bao gồm hồ Poyang) trải dài gần 6.300km từ Thượng Hải đến gần Tây Tạng, đóng góp đến 70% sản lượng gạo của Trung Quốc.

Với những nông dân như cha con anh Bao, thiệt hại rất nặng nề. Mưa không chỉ làm hỏng mùa màng mà họ sắp thu hoạch, lũ lớn còn khiến chúng không thể cứu vãn. "Đất còn chìm trong nước. Điều đó có nghĩa chúng tôi sẽ không thu hoạch được gì đến hết năm", Bao nói.

Trận lụt gây ngập cánh đồng của Bao và hơn 5,2 triệu ha đất trồng trọt là trận lụt tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải trải qua trong nhiều năm. Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Trung Quốc ước tính tổn thất kinh tế trực tiếp của thảm họa là 21 tỷ USD do đất nông nghiệp, đường sá và các tài sản khác bị phá hủy. Khoảng 55 triệu người, bao gồm cả những nông dân như Bao, cũng bị ảnh hưởng.

Ngập lụt tại làng của Bao. Ảnh: Bao Wentao

Ngập lụt tại làng của Bao. Ảnh: Bao Wentao

Thảm họa là tin xấu đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang trong tình trạng mong manh vì đại dịch. Đến nay, Bắc Kinh phải đảm bảo nguồn cung cấp lương thực bằng cách nhập khẩu một lượng lớn sản phẩm từ các nước khác và giải phóng hàng chục triệu tấn từ các nguồn dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, Covid-19 và căng thẳng giữa Trung Quốc với phương Tây có thể khiến việc nhập khẩu trở nên phức tạp hơn trong tương lai.

Trong khi đó, lũ lụt ở Trung Quốc có thể sẽ còn tồi tệ hơn. Các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo rằng lũ lụt có thể lan rộng hơn về phía bắc, đe dọa đến thu hoạch lúa mì và ngô của nước này. "Đây là một trong những trận lũ tồi tệ nhất kể từ năm 1998 và có thể còn tệ hơn trong những tuần tới", các nhà phân tích tại Nomura cuối tháng trước cho biết.

Đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm

Hiện chưa rõ nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc có thể gặp rủi ro như thế nào, vì chính phủ nước này chưa công bố chi tiết về tình trạng sản xuất hiện tại. Theo Nomura, nếu lũ lụt được kiềm chế vào cuối tháng 8, tăng trưởng GDP nông nghiệp có thể giảm gần 1% trong quý /2020, tương đương với hơn 1,7 tỷ USD sản lượng nông nghiệp bị tổn thất. Con số này dựa trên những thiệt hại được ghi nhận vào giữa tháng trước tại 7 tỉnh miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại công ty môi giới Shenwan Hongyuan gần đây ước tính Trung Quốc có thể mất 11,2 triệu tấn lương thực so với năm ngoái, do diện tích đất trồng trọt bị thiệt hại vào giữa tháng 7. Con số này tương đương 5% lượng gạo mà Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên, thiệt hại có thể còn lớn hơn. Phân tích của Nomura dựa trên dữ liệu về các cánh đồng hoa màu bị ngập lụt mà chính phủ Trung Quốc công bố vào tháng trước. Kể từ đó, diện tích đất trồng trọt bị thiệt hại đã tăng gần gấp đôi, theo số liệu của Bộ Ứng phó Khẩn cấp Trung Quốc. Ước tính thiệt hại do các nhà phân tích đưa ra cũng chưa bao gồm khả năng tổn thất lúa mì, ngô hoặc các loại cây trồng khác nếu lũ lụt lan rộng.

Ngập lụt tại tỉnh An Huy, ngày 20/7. Ảnh: Reuters

Ngập lụt tại tỉnh An Huy ngày 20/7. Ảnh: Reuters

Theo nhà cung cấp dữ liệu SCI của Trung Quốc, giá ngô nước này tháng trước cao hơn 20% so với cách đây một năm. Đây là mức cao nhất trong 5 năm. Ngô được sử dụng làm thức ăn cho đàn lợn của Trung Quốc, vốn đang phục hồi trở lại khi nước này kiểm soát được đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi năm ngoái.

Ngay cả trước khi lũ lụt bắt đầu, nguồn cung ngô cũng đã ngày càng thu hẹp, chủ yếu do loại sâu bọ mùa thu đang lây lan qua Trung Quốc, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Trong khi đó, giá đậu tương cũng tăng vọt. Trong nửa đầu năm 2020, giá đậu tương nước này đã tăng khoảng 30% so với cuối năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc. Các nhà phân tích từ Baocheng Futures, một công ty môi giới hàng hóa tương lai của Trung Quốc, cho rằng sức tăng chủ yếu là do lo ngại về điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở các khu vực sản xuất đậu tương và sự bất ổn xung quanh quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Rõ ràng là các nhà chức trách đang lo lắng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã gây bất ngờ cho nông dân ở tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc nước này khi ghé thăm. "Tôi đến đây chủ yếu để xem mùa màng", ông Tập nói, "Có khá nhiều thảm họa trong năm nay. Tôi lo ngại về tình hình trồng trọt ở vùng đông bắc này".

Ông Tập có lý do chính đáng để đến thăm khu vực này. Đông bắc Trung Quốc sản xuất hơn 40% đậu tương và một phần ba ngô của đất nước. Cả hai nông sản này đều rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng thực phẩm, vì chúng được dùng cho gia súc và gia cầm. Trung Quốc sử dụng nhiều đậu tương hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và chỉ đứng sau Mỹ về tiêu thụ ngô. Khu vực này đến nay chưa có lũ lụt lớn, nhưng vẫn có khả năng diễn biến xấu trong vài tuần tới.

Trong chuyến thăm, ông Tập nhắc lại an ninh lương thực là vấn đề hàng đầu để đảm bảo an toàn kinh tế. Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, người phụ trách các vấn đề nông nghiệp của quốc gia, tuần trước đã kêu gọi các quan chức cấp cao địa phương gánh vác trách nhiệm bảo vệ an ninh lương thực và đảm bảo rằng sản xuất không bị sụt giảm.

Bình ổn giá lương thực

Bắc Kinh đối phó với cuộc khủng hoảng bằng nỗ lực ổn định giá lương thực và thúc đẩy nguồn cung, bao gồm cả việc khai thác nguồn dự trữ lương thực chiến lược. Hàng chục triệu tấn gạo, ngô và đậu tương đã được Trung tâm Dự trữ Ngũ cốc Trung Quốc và Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Quốc gia - hai cơ quan quản lý mua bán và dự trữ nhà nước - tung ra thị trường trong những tháng gần đây.

Cho đến nay, họ đã mở kho để tung ra hơn 60 triệu tấn gạo, khoảng 50 triệu tấn ngô và hơn 760.000 tấn đậu tương, vượt qua số lượng xuất kho trong cả năm 2019. Nhờ vậy, giá gạo vẫn ổn định. Tuần trước, giá trung bình của một tấn gạo trên toàn quốc là 4.036 nhân dân tệ (580 USD), gần bằng một tháng trước, theo dữ liệu từ SCI.

Trung Quốc cũng đang tăng cường nhập khẩu, đặc biệt là từ Mỹ. Bắc Kinh đã cam kết mua hàng tỷ USD hàng hóa của Mỹ, theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký hồi đầu năm.

Trong sáu tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 61 triệu tấn ngũ cốc, tăng 21% so với một năm trước đó, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. Nhập khẩu ngô tăng 18%, trong khi lượng mua đậu tương và lúa mì cũng tăng. Mỹ, Brazil, Ukraine và Pháp là những nhà cung cấp lớn nhất.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc không nên phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu từ nước ngoài.

Ví dụ, quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Washington có thể tạo ra bất ổn cho chuỗi cung ứng thực phẩm của Trung Quốc nếu chính quyền Mỹ cấm xuất khẩu hoặc đánh thuế nặng những mặt hàng đó, theo các nhà phân tích của Tianfeng Securities. Mỹ đã xuất khẩu hơn 9 triệu tấn đậu nành, khoảng 100.000 tấn lúa mì và gần 65.000 tấn ngô sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nước này, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Các nhà phân tích của Tianfeng Securities cho biết thêm trong một báo cáo gần đây, Covid-19 cũng đã khiến một số quốc gia phải tạm ngừng xuất khẩu lương thực, tạo ra nhiều rủi ro hơn cho an ninh lương thực ở Trung Quốc.

Các nhà phân tích đề xuất một số lựa chọn để Trung Quốc tăng sản lượng lương thực, bao gồm cả việc nới lỏng các hạn chế đối với việc sản xuất cây trồng biến đổi gen. Nhưng họ cũng thừa nhận rằng, ít nhất trong ngắn hạn, quốc gia này sẽ phải nhập khẩu nhiều nhất có thể trước khi các mối quan hệ thương mại của họ xấu đi. "Trung Quốc phải bỏ qua một số vấn đề trong lúc gặp khó", họ nói.

Đối với những nông dân như Bao, Trung Quốc đã dành một số tiền để cứu trợ lũ lụt. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, tính đến giữa tháng 7, khoảng 1,8 tỷ nhân dân tệ (258 triệu USD) đã được phân bổ để giúp tái định cư những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và xây dựng lại những ngôi nhà đổ nát, cùng các biện pháp khác. Chính quyền địa phương ở tỉnh Giang Tây, nơi Bao sinh sống, cũng đã phân bổ 280 triệu nhân dân tệ (40 triệu USD) để cứu trợ lũ lụt.

Nhưng so với thiệt hại đến 21 tỷ USD thì số tiền này không nhiều. "Chính phủ có trợ cấp, nhưng thực sự không giúp được gì nhiều", Bao nói. Cha anh đã bỏ nhà đi kiếm việc làm khác và không còn hy vọng gì cho một vụ mùa nữa năm nay.

Phiên An (theo CNN)

Let's block ads! (Why?)