Làm gì khi cảm thấy thua kém đồng nghiệp

Cảm xúc tiêu cực về thua kém đồng nghiệp ngày càng dễ phát triển bởi mạng xã hội nhưng vẫn có cách chuyển hóa thành động lực tích cực.

Không bao giờ dễ chịu khi tụt hậu so với những người khác mà chúng ta cho là tương đồng với mình. Làm thế nào có thể khai thác những lợi ích tích cực của sự cạnh tranh mà không phải chịu đựng sự khó chịu về thua kém? Harvad Business Review đưa ra 5 gợi ý sau.

Tìm nguyên nhân kích hoạt cảm xúc ganh tỵ

Sự căng thẳng của cảm giác bị tụt hậu so với đồng nghiệp có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức. Đó có thể là chút thoáng qua, chẳng hạn như nghe sếp khen đồng nghiệp khác, hoặc điều gì đó liên tục, như chứng kiến đồng nghiệp rời công ty để xây dựng doanh nghiệp riêng.

Hãy suy ngẫm về những gì kích hoạt cảm giác tự so sánh cho bạn. Sự ủng hộ của sếp đối với đồng nghiệp có khiến bạn cảm thấy kém cỏi không? Thành tích của họ có khiến bạn thất vọng không? Bạn có thấy mình thường xuyên lướt LinkedIn, Facebook hoặc Instagram, mà cảm thấy bất an và lạc lõng hơn không?

Nếu có, bạn cũng không đơn độc. Nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng mạng xã hội làm trầm trọng thêm thành kiến tiêu cực vốn có của chúng ta, nơi chúng ta đặt nặng những trải nghiệm tiêu cực hơn những trải nghiệm tích cực.

Lời khuyên không ganh đua với người khác, chỉ vượt lên chính mình nói dễ hơn làm. Ảnh: Pixabay

Lời khuyên không ganh đua với người khác, chỉ vượt lên chính mình nói dễ hơn làm. Ảnh: Pixabay

Điều quan trọng là chú ý đến những điều kích thích bạn tự so sánh. Bởi vì một khi nhận thức được rằng đó là những yếu tố kích hoạt, bạn có thể biến chúng thành cơ hội để có phản ứng tích cực hơn.

Ví dụ, bạn có thể không tránh khỏi việc nghe sếp nói gì về bạn hoặc đồng nghiệp của bạn. Nếu bạn phản ứng bằng cách cắt đứt quan hệ hoặc ngừng sử dụng mạng xã hội, cảm giác hụt hẫng có thể tăng lên. Một cách tiếp cận tốt hơn là có chủ đích: cố tình thu hút những cảm xúc đó vì lợi ích của bạn.

Lấy ví dụ, vào lần tiếp theo khi bạn lướt mạng xã hội, hãy tự hỏi sao bạn lại làm điều đó vào lúc này. Bạn có thấy chán không? Sau đó, bạn xác định chủ ý quyết định tham gia để giải trí, không phải để đánh giá bản thân.

Hoặc lần tới, khi bắt gặp tin tức về sự thành công của một đồng nghiệp và thấy mình kém hơn, hãy lùi lại và quan sát cảm xúc của mình mà không phán xét. Sau đó, hãy chủ động cam kết nhìn nhận tiến trình của đồng nghiệp một cách khách quan, như thể bạn là một nhà báo đang nghiên cứu câu chuyện của họ chứ không phải là người cạnh tranh trực tiếp với họ.

Hãy nhớ rằng, bạn luôn có thể tiếp cận với ý định học hỏi. Thay vì tự nói "Tôi ước đã [hoặc đã] làm điều đó", hãy tự hỏi "Tại sao tôi không thể làm [hoặc có] điều đó". Sau đó, dành chút thời gian để lắng nghe những ý tưởng xuất hiện trong đầu bạn.

Tận dụng điểm mạnh bản thân để tăng lạc quan

Trong cơn bất an, bạn có thể bắt đầu suy ngẫm về cách có thể bắt kịp những người khác. Lúc này, hãy khơi dậy bản thân bằng cách thực hiện những hành động nhỏ để đạt được những chiến thắng nhỏ. Nhân đôi những điểm mạnh cốt lõi của bạn, bằng cách thể hiện chúng với thế giới và sử dụng xác nhận để có được sức bật.

Nihar Chhaya, một huấn luyện viên lãnh đạo cho các công ty lớn tại Mỹ kể rằng, một khách hàng của ông đã rất đau lòng khi kế hoạch thăng tiến bị hoãn do đại dịch. Anh ấy lo rằng cơ hội này sẽ dần biến mất. Và anh ghen tỵ với bạn bè trong các công ty khác, những người đã sớm thăng tiến trước khủng hoảng.

Để phá vỡ trạng thái tiêu cực, anh ta quyết định tận dụng thế mạnh viết lách của mình. Anh đã viết một bài chia sẻ trên blog của công ty về cách vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. Bài viết trở thành bài đăng được xem nhiều nhất mà công ty từng xuất bản. Vô số đồng nghiệp cấp dưới và cấp cao đã bày tỏ lòng biết ơn về hướng dẫn trung thực và lạc quan của anh ấy. Phản hồi này khiến anh ta tự tin về giá trị của mình và cũng làm tăng thêm sự tín nhiệm cho lãnh đạo của anh ta để thăng chức khi đến thời điểm thích hợp.

Mở rộng nhóm so sánh của bản thân

Khi bạn so sánh mình với một nhóm cố định là bạn đã tham gia vào một trò chơi có tổng bằng 0, nơi bạn đang dẫn trước hoặc đi sau. Nhưng bằng cách mở rộng và đa dạng nhóm, bạn sẽ ít đối mặt với đánh giá kiểu nhị phân về thành công của mình.

Jackie, giám đốc của một công ty nằm trong danh sách Fortune 100, nhận vị trí phó chủ tịch được ba năm. Ban đầu, cô cảm thấy lép vế so với các phó chủ tịch khác và sau nhiều nỗ lực vượt qua cảm giác khó chịu, cô nhận ra rằng bản thân đã tự giới hạn góc nhìn trong nhóm nhỏ ngang hàng là các phó chủ tịch của công ty.

Vì vậy, cô bắt đầu kết nối với những người bên ngoài công ty và chia sẻ những giá trị bản thân về tinh thần kinh doanh. Sau khi tham gia các cộng đồng và cố vấn cho các startup, cô đã tìm thấy tinh thần mới. Và mặc dù cô chưa bằng các đồng nghiệp, những người đã thành công và có công ty riêng nhưng cô vẫn thích học hỏi từ họ. Bằng cách đó, cô ấy không chỉ hóa giải nỗi đau tự so sánh mà còn cảm thấy tràn đầy năng lượng và động lực để đánh giá lại nguyện vọng nghề nghiệp của mình.

Lắng nghe mình thật sự muốn gì

Có một suy nghĩ tai hại, dẫn đến bất an vĩnh viễn chính là bạn cho rằng không chỉ phải làm tốt hơn các đồng nghiệp mà còn phải có được tất cả những gì họ đang cố gắng để có. Điều này tạo ra một cuộc chạy đua không bao giờ kết thúc, và bạn không bao giờ tận hưởng được thành quả đã đạt được.

Có những người, trong sâu thẳm, không muốn áp lực công việc cao nhất, nhưng vẫn tin rằng nên làm vậy vì đồng nghiệp của họ khao khát thế. Tư duy này tạo ra một viễn cảnh không thể tránh khỏi. Nếu họ không theo đuổi hoặc không đạt được chức danh giám đốc như đồng nghiệp mong muốn chẳng hạn, họ sẽ cảm thấy bị thua kém. Nhưng nếu họ giành được, họ có thể cảm thấy bị mắc kẹt ở một vị trí mà họ không bao giờ thực sự mong muốn.

Bạn có thể tham khảo chánh niệm "Wherever you go, there you are" (tạm dịch: Dù bất cứ nơi nào bạn đến thì đó cũng là bây giờ và ở đây), tức hãy quý trọng thực tại hiện hữu của bạn. Đừng phức tạp hóa sự bất an bằng cách nhìn lại phía sau.

Sau đó, cam kết với bản thân rằng, các quyết định trong tương lai của bạn dựa trên các giá trị của bạn. Hãy tự vấn rằng chúng có mang lại cơ hội phát triển cho chính bạn không. Nếu bạn cứ thay đổi hướng đi của chính mình dựa trên những gì người khác muốn hoặc có, thì bạn sẽ vẫn ở phía sau họ.

Nhìn chung, bất kỳ nỗ lực nào trong sự nghiệp và cuộc sống chắc chắn sẽ mang lại sự tự so sánh và bất an. Nhưng bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình đang tụt hậu so với những người khác, cho dù đó là sự thật hay không, bạn có thể sử dụng các chiến lược này để lấy lại tự tin và phong độ xuất sắc trong những cuộc cạnh tranh thực sự là quan trọng với mình.

Phiên An (theo Harvard Business Review)

Let's block ads! (Why?)