Tín hiệu dần phục hồi của dòng chảy thương mại từ quý III, nhưng vẫn chưa đạt được công suất và sự đồng đều như trước dịch.
Dòng chảy thương mại toàn cầu sụp đổ vào mùa xuân, đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất trong hai thập kỷ, khi việc phong tỏa làm gián đoạn vận tải hàng không và đường biển, đồng thời giáng một đòn mạnh vào nhu cầu đối với nhiều hàng hóa tiêu dùng và đầu tư.
Những tuần gần đây, đã có các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trong vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Tuy nhiên, các gián đoạn kinh tế và xã hội to lớn do đại dịch gây ra dự kiến định hình lại thương mại toàn cầu trong dài hạn.
Thương mại toàn cầu vốn đã suy yếu trước đại dịch bởi căng thẳng thương mại và các rào cản thuế quan mới. Cùng với đó, đại dịch đã đặt ra dấu hỏi về khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng đang phủ khắp thế giới và đóng vai trò thúc đẩy một phần ba thương mại toàn cầu.
Giờ đây, một số chính phủ - gặp khó bởi tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm y tế nội địa khi Covid-19 tấn công và lo lắng về sự phụ thuộc vào các sản phẩm Trung Quốc - đang ủng hộ việc dựng lên các rào cản thương mại và thúc đẩy sản xuất về nước, nhằm tái cân bằng thương mại thế giới sau khi đại dịch hạ nhiệt.
Cục Phân tích Chính sách Kinh tế của Hà Lan hôm 25/8 cho biết lưu lượng hàng hóa xuyên biên giới trên toàn cầu trong quý II năm nay thấp hơn 12,5% so với quý đầu năm. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 2000, vượt quá mức ảnh hưởng đến thương mại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên phong tỏa và cũng là nền kinh tế đầu tiên hoạt động lại. Vì vậy, xuất khẩu của nước này đã tăng 2,5% trong quý II, sau khi giảm 7,7% trong quý đầu năm. Vì Mỹ và khu vực đồng euro bị phong tỏa trong phần lớn quý trước nên, xuất khẩu của họ đã giảm lần lượt 24,8% và 19,2%.
Khi quý thứ hai kết thúc, một số dòng chảy thương mại đã phục hồi nhanh hơn những dòng khác. Theo cơ quan thống kê của Đức, doanh số bán hàng hóa sang Trung Quốc đã tăng 15,4% vào tháng 6 so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, doanh số bán hàng của Đức sang Mỹ đã giảm 20,7% so với cùng kỳ, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ mới trỗi dậy sau thời kỳ đóng cửa. Người tiêu dùng Mỹ vẫn cảnh giác chi tiêu và các doanh nghiệp không chắc chắn về kế hoạch đầu tư của họ.
Nhập khẩu của Đức cũng có xu hướng tương tự, với lượng mua từ Trung Quốc tăng 20% so với tháng 6/2019 và lượng mua từ Mỹ giảm 17,4%. Trên toàn cầu, dòng chảy thương mại tăng 7,6% trong tháng 6, sau khi giảm 1,1% trong tháng 5 và 12,3% trong tháng 4.
Sự phục hồi trong thương mại khi quý II kết thúc, cùng với những dấu hiệu gần đây từ khối lượng vận tải đường biển và đơn đặt hàng xuất khẩu do các nhà sản xuất báo cáo, cho thấy dòng thương mại có khả năng tăng trong quý III.
Do đó, Tổ chức Thương mại Thế giới cho biết khối lượng thương mại có thể sẽ giảm 13% trong năm nay so với năm 2019, phù hợp với hai kịch bản mà tổ chức này dự báo trong năm. Trước đó, họ đã cảnh báo dòng chảy thương mại có thể giảm 1/3, mức giảm lớn nhất kể từ những năm 1930.
Có một số dấu hiệu cho thấy dòng chảy thương mại đang hồi phục nhanh chóng. Hôm 25/8, công cụ đo đếm lưu lượng container do Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz của Đức và Viện Kinh tế Vận tải & Logistics đã ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 7, thấp hơn không nhiều so với mức một năm trước đó.
"Sản lượng container đang tiến gần đến mức trước cuộc khủng hoảng", Torsten Schmidt, Giám đốc kinh tế tại Viện Leibniz cho biết. "Sự phục hồi đang tác động đến ngày càng nhiều khu vực", ông nói thêm.
Nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trong xuất khẩu vẫn chưa đến được với mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu. Các nhà sản xuất Mỹ và Đức trả lời cuộc khảo sát PMI vào tuần trước rằng đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 8 đã tăng vọt, với mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2014. Ngược lại, các nhà sản xuất Pháp và Nhật Bản nói lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Và có những dấu hiệu khác cho thấy sẽ cần thời gian để các luồng thương mại quay trở lại mức trước đại dịch. Một thách thức là năng lực còn thừa. Các doanh nghiệp thích gửi các mặt hàng nhỏ hơn, có giá trị cao bằng đường hàng không khi họ bán cho khách hàng ở xa, và việc vận chuyển bằng đường hàng không cũng rất cần thiết để bù đắp sự chậm trễ trong việc vận chuyển bằng đường biển.
Tuy nhiên, nhiều máy bay vẫn tiếp tục xếp xó do các hạn chế di chuyển của người dân qua biên giới. Và ngay cả những người có thể di chuyển tự do cũng cảm thấy miễn cưỡng để đi lại. Trong khi đó, Xeneta, một công ty cung cấp dữ liệu và nền tảng để đặt hàng hóa, ước tính rằng năng lực vận tải biển vẫn giảm 10% so với trước đại dịch, phản ánh nhu cầu vẫn yếu.
"Vẫn còn rất nhiều tàu không hoạt động", Patrik Berglund, Giám đốc điều hành Xeneta cho biết. "Khi nhận được đơn đặt hàng, họ sẽ đưa những con tàu đó ra khơi trở lại", vị này nói.
Phiên An (theo WSJ)