Dominic Scriven: 'Nhà đầu tư F0 sẽ là xu hướng lâu dài'

Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven tin tưởng những nhà đầu tư mới tham gia có thể tồn tại và đóng góp lâu dài cho thị trường chứng khoán.

Dominic Scriven là một trong những nhà đầu tư ngoại đầu tiên, nhiều duyên nợ và am hiểu chứng khoán Việt Nam. Quỹ của ông - Dragon Capital đã đồng hành với thị trường Việt Nam 26 năm qua. Chia sẻ với VnExpress, Dominic Scriven đặt nhiều kỳ vọng vào lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường gần đây.

- Ông đánh giá như nào về làn sóng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường từ cuối tháng 3 vừa qua?

- Thị trường gọi họ là nhà đầu tư F0 hay "nhà đầu tư số 0" - không am hiểu thị trường, không có kinh nghiệm, không người dẫn dắt. Nhưng tôi thì muốn gọi họ là nhà đầu tư F20, vì họ xuất hiện khi thị trường chứng khoán Việt Nam tròn hai mươi tuổi. Có lẽ cái tên F20 chứa đựng trong nó nhiều ý nghĩa hơn bởi sự gợi mở về tuổi đôi mươi căng tràn nhựa sống, năng động, thông minh và không kém phần mạo hiểm, dấn thân.

Nhiều ý kiến lo ngại đấy là những người chưa có kinh nghiệm, sẽ gặp rủi ro còn tôi thì không nghĩ thế. Họ đại diện cho một sự phản ứng logic trước làn sóng thay đổi chính sách tài khoá, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam. Đây là sự phản ứng tự bảo vệ đồng vốn của mình.

Theo lý thuyết lạm phát là sự phản ứng đối với chính sách tiền tệ. Lãi suất thực tế trên toàn cầu hiện đang âm và có thể âm hơn nữa không có nghĩa là thế giới không bị hoặc tránh được một cơn lạm phát sau này. Lạm phát là phương thức đo lường hàng hoá, không phải là phương thức đo giá trị tài sản tài chính như chứng khoán. Diễn biến giá vàng là một thí dụ.

Nhìn từ đây, các nhà đầu tư F20 theo tôi là nhạy bén, đang tự bảo vệ chính mình trước khủng hoảng. Có cơ sở để tin tưởng họ sẽ tồn tại và trở thành xu hướng lâu dài trên thị trường.

Chủ tịch Dragon Captial Dominic Scriven. Ảnh: Lê Toàn.

Chủ tịch Dragon Captial Dominic Scriven. Ảnh: Lê Toàn.

- Ông nghĩ sao về khả năng lớp nhà đầu tư mới của thế giới sẽ tham gia ít nhiều vào thị trường Việt Nam?

- Lớp nhà đầu tư mới rất khó tham gia vào thị trường Việt Nam. Họ không dễ mở tài khoản giao dịch trực tiếp và cũng không có nhiều công cụ đầu tư gián tiếp (đầu tư qua các quỹ đầu tư vào Việt Nam).

- Trên thế giới, các nhà đầu tư mới giải ngân rất nhiều vào cổ phiếu công nghệ - nhóm vốn được hưởng lợi từ tác động của Covid-19. Nhưng chứng khoán Việt Nam lại không có nhiều cổ phiếu công nghệ. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Cổ phiếu công nghệ chúng ta có FPT đấy và cũng có một số công ty nhỏ khác trong lĩnh vực này trên sàn TP HCM (HoSE), tuy nhiên phải thừa nhận còn ít quá.

Dòng tiền mới trên thế giới đúng là đã đổ vào một danh sách hẹp các công ty công nghệ khổng lồ như Amazon, Apple, Google, Microsoft, Facebook.... Có ý kiến nhận định đây chẳng qua là cơn sốt ảo, một bong bóng dot.com kiểu mới. Ý kiến khác cho rằng đồng vốn, theo logic, chảy vào những địa chỉ có thu nhập, có tăng trưởng. Năm công ty công nghệ nói trên ít nhất không bị thiệt hại bằng nền kinh tế thật, mà còn được hưởng lợi, nên xứng đáng được gia tăng giá trị.

Cá nhân tôi chưa hề mua một cổ phiếu Apple hay Amazon nào và tôi thực sự hơi tiếc điều này. Song cũng nên lưu ý lịch sử dạy rằng khi thị trường càng ngày càng tập trung vào một danh sách chứng khoán thu hẹp, thông thường có tín hiệu rủi ro.

- Ông đánh giá mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài dành cho chứng khoán Việt Nam hiện thế nào so với trước?

- Dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp đã không vào thị trường nhiều như dự kiến. Chúng tôi thực sự không biết vì sao. Trong thời gian Covid-19, người ta ở nhà và nếu có giao lưu sinh hoạt, chỉ gói gọn trong phạm vi làng xóm. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, có thể nhà đầu tư ngoại sẽ nhìn lại, xem ở đâu trên "chiến trường" thế giới, nước nào còn khoẻ. Việt Nam đủ điều kiện để được đánh giá như một địa chỉ hợp lý, hấp dẫn cho đầu tư.

Xu hướng các doanh nghiệp FDI Nhật, Hàn, Singapore chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đã rõ ràng. Với vốn đầu tư gián tiếp có lẽ cần đợi thêm.

Tuy nhiên, tôi thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn tương đối tích cực dù vốn mới chưa vào nhiều. Đầu tuần này, Dragon Capital tổ chức một hội thảo online (webinar) về thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài và chỉ sau một ngày gửi giấy mời, có 90 người đăng ký tham gia, chứng tỏ nhu cầu tìm hiểu, quan tâm đến chứng khoán Việt không hề nhỏ. VEIL - quỹ đầu tư ngoại lớn nhất Việt Nam với giá trị danh mục hơn 1,3 tỷ USD chúng tôi quản lý - vừa được 99,43% nhà đầu tư gia hạn hoạt động thêm 5 năm và giá giao dịch chứng chỉ quỹ VEIL trên thị trường London cũng chỉ chênh lệch 10% so với giá trị tài sản ròng.

- Việt Nam đã từng có ý tưởng lập một sàn giao dịch cho các cổ phiếu start-ups, nơi mà các công ty hoạt động chưa có lãi vẫn có thể niêm yết. Ông thấy ý tưởng đó thế nào lúc này?

- Chúng ta có thể lập một sàn như vậy dù có thể hơi mạo hiểm. Đầu tư vào các start-ups đòi hỏi nhà đầu tư phải có sức chịu đựng lỗ lã lâu dài. Mà thường chỉ những nhà đầu tư tổ chức mới chịu đựng được. Thị trường Việt Nam nhìn chung vẫn đang thiếu nhà đầu tư tổ chức.

- Với tư cách một nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ra sao trong những tháng cuối năm nay?

- Bây giờ khi tiếp xúc với nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp không dự báo về tương lai vì không biết diễn biến Covid-19 sẽ thế nào. Các công ty nơi nhà đầu tư tính toán gửi gắm đồng vốn của mình, còn không dám có ý kiến về tương lai nên không dễ để dự báo chính xác.

Nhưng nhìn chung, chúng tôi tương đối lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhìn từ mặt bằng các thị trường tài chính toàn cầu, tôi thấy niềm hy vọng của nhà đầu tư chủ yếu dựa vào việc in tiền của ngân hàng trung ương các nước trong khi niềm hy vọng đáng ra phải bắt nguồn từ những cơ sở bền vững, đa dạng hơn. Ý tôi là cơ sở cho sự tăng trưởng của chứng khoán thế giới thực sự không bền vững. Còn Việt Nam có thể khác.

Thực tế sự hỗ trợ của chính sách tài khoá và tiền tệ ở Việt Nam không mạnh bằng ở các nước khác nếu xét theo giá trị tuyệt đối. Gói hỗ trợ tài khoá từ đầu năm đến nay, tôi ước tính đâu đó khoảng 1 tỷ USD, khá khiêm tốn để hỗ trợ người nghèo. Tuy vậy, xét tổng thể, chính sách tài khoá, tiền tệ tạo thanh khoản trong xã hội, có ảnh hưởng thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Thanh khoản dòng tiền này có thể không chảy hết trực tiếp vào kinh tế thật thì cũng chảy một phần vào kinh tế tài chính (financial assets markets như cổ phiếu, trái phiếu -NV). VN-Index đã tăng chừng 33% từ đáy 630 điểm.

Hải Lý

Let's block ads! (Why?)