Các công ty đưa ra những hoạch định về đào tạo nhân sự, xây dựng sản phẩm phù hợp để quay lại thị trường khi dịch được khống chế.
Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch không thực hiện tour đến những điểm đến bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19. Phần lớn đang tập trung xây dựng sản phẩm mới và chuẩn bị đội ngũ nhân sự để sẵn sàng "tái xuất" ngay khi Chính phủ công bố dịch bệnh được kiểm soát.
Các doanh nghiệp du lịch đều khẳng định, không thể để thị trường rơi vào trạng thái ngủ đông tập thể. "Cả doanh nghiệp lẫn khách hàng vì vậy phải phá từng mảng băng nhỏ ngay từ lúc này. Cơ thể không hoạt động sẽ không đủ nhiệt để hoạt động. Hãy làm nóng tập thể", ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện công ty TST Tourist, nhận định.
Giữa giai đoạn du lịch vắng lặng, BenThanh Tourist cho biết mở các lớp đào tạo nhân sự nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên. Doanh nghiệp cũng sẽ chuyển sang làm việc trực tuyến nhiều hơn, đầu tư phát triển sâu hơn vào thị trường nội địa. Đơn vị này chú trọng vào các sản phẩm du lịch với tiêu chí an toàn cho sức khỏe, phù hợp cho các nhóm khách nhỏ, khách gia đình.
"Tranh thủ thời gian thị trường đang tạm nghỉ, công ty đánh giá lại sản phẩm để nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện hơn nữa để phục vụ khách hàng sau khi dịch kết thúc", ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên, Tổng giám đốc công ty này, nói.
Các sản phẩm tour du lịch thiên nhiên, cắm trại picnic, tour nghỉ dưỡng resort cao cấp gắn liền với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám phá cảm xúc nội tại như detox thanh lọc cơ thể, khóa học thiền, spa cũng được công ty quan tâm nhiều hơn. Nếu tình hình khống chế dịch tiến triển như hiện tại thì có thể khai thác một phần thị trường du lịch mùa thu và trọn vẹn mùa du lịch Tết.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours cũng cho rằng, thời điểm hiện nay các doanh nghiệp du lịch chỉ chủ yếu giới thiệu các sản phẩm nghỉ dưỡng nội vùng với thời gian di chuyển ngắn, sử dụng phương tiện cá nhân. "Các sản phẩm sẽ chủ yếu thiên về xu hướng nghỉ ngơi, trải nghiệm dịch vụ tại các khu, cơ sở du lịch mà không đến những nơi thăm quan đông người", ông Hoan nói.
Ông Hoan nhận định, Việt Nam hiện kiểm soát chặt vùng dịch và duy trì hoạt động ở các vùng khác nên kinh tế không bị tê liệt. Với đà này, du lịch nội địa sẽ phục hồi từ nửa cuối tháng 9, dần ổn định trở lại từ tháng 10. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ tung ra chùm sản phẩm thu và du lịch tại chỗ thiên về nghỉ dưỡng tập trung tại các cơ sở lưu trú, resort thuộc tập đoàn quản lý như Flamingo Đại Lải, Cát Bà... Dòng sản phẩm Đông - Tây Bắc mùa lúa chín, miền Tây mùa nước nổi hay Tây Nguyên mùa hoa Dã Quỳ... cũng sẽ được giới thiệu đến khách hàng với giá tours kích cầu sẽ rất tốt so với mọi năm.
Xu hướng khách đi du lịch sau dịch cũng sẽ thay đổi. Khách sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống dịch; chọn những đường tour gần, theo nhóm nhỏ và chi phí tiết kiệm. Tuy nhiên, theo ông Hoan, giá tour sẽ không thể về mức thấp nhất như lần kích cầu trước mà có thể các doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án giảm một phần giá tour và bổ sung thêm nhiều giá trị gia tăng để có sản phẩm mới thu hút khách.
Đại diện công ty TST cũng cho biết, doanh nghiệp vẫn tiến hành đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động của công ty khi dịch bệnh được kiểm soát. Cùng với đó là các buổi tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho nhân viên và hướng dẫn kỹ năng để hỗ trợ du khách. Bộ phận xây dựng sản phẩm sẽ chú trọng hơn những tour gần để khuyến khích khách đi du lịch. Bên cạnh đó, sau dịch cũng sẽ có nhiều người sẵn sàng chi trả để sử dụng dịch vụ cao cấp. Đây là những người có thu nhập tốt, mong muốn tận hưởng không gian sống đúng nghĩa.
Trong khi đó, ông Hồ Đức Phú, Giám đốc chi nhánh Hanoitourist tại TP HCM cho biết, đơn vị này đang lên kế hoạch bán một số sản phẩm kích cầu sử dụng dịch vụ nội bộ trong hệ thống của doanh nghiệp để tối đa hóa doanh thu. Đồng thời, công ty thực hiện lại các đoàn đang bảo lưu để giải ngân toàn bộ tiền cọc vé máy bay, dịch vụ với đối tác thời điểm trước dịch bùng phát.
Nguyễn Nam
Xem thêm