Doanh nghiệp du lịch ‘cầm cự’ qua dịch

Dù lượng khách mua tour, dịch vụ mới trong những ngày qua không nhiều nhưng cũng giúp doanh nghiệp lữ hành có niềm tin để duy trì hoạt động.

Ngay sau khi Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, hàng loạt tour du lịch nội địa đã bị hủy, dời ngày khởi hành. Tới thời điểm này, các tour có lịch khởi hành trong tháng 8, 9 đều bị hủy hoặc hoãn. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn hoạt động mà không "ngủ đông" như đợt giãn cách xã hội hồi tháng 3.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel khẳng định, dù đang trong mùa cao điểm du lịch nội địa, Covid-19 đã "phá tan" mọi kế hoạch trước đó của các doanh nghiệp. Tính theo tour đến tháng 9, khoảng 50.000 khách hoãn huỷ; công ty này thiệt hại cả trăm tỷ đồng.

Đến giữa tháng 8, khách chỉ đi một số đường tour gần, cận ngày không thể hoãn, tới những điểm đến vẫn được xem là an toàn như Tà Đùng (Đắk Nông), Phan Thiết, miền Tây. Những tour gần kéo dài khoảng 2, 3 ngày.

"Lượng khách mua tour và dịch vụ không nhiều nên doanh thu cũng giảm sâu. Trong tháng 8, mỗi ngày doanh thu chỉ khoảng 350 triệu đồng. Trong khi tháng 7, doanh thu mỗi ngày đạt từ 18 - 29 tỷ đồng", bà Phương Hoàng nói. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn phải cố gắng hoạt động, giảm bớt tần suất và tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phục vụ nhu cầu đi du lịch an toàn của một bộ phận khách hàng.

Trong khi đó, Công ty Flamingo Redtours đi theo xu hướng du lịch tại chỗ) để tồn tại. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc cho biết, hiện nay doanh nghiệp này chỉ chủ yếu bán các sản phẩm nghỉ dưỡng nội vùng, với thời gian di chuyển ngắn, sử dụng phương tiện cá nhân.

"Chủ yếu khách nghỉ ngơi, trải nghiệm dịch vụ tại các khu, cơ sở du lịch mà không đến những nơi tham quan đông người. Hiện nay mỗi ngày có khoảng 15 - 20 yêu cầu đặt kỳ nghỉ tại khách sạn 5 sao ở Hà Nội như Metropole, Intercon, Hilton... với các gói nghỉ dưỡng 2, 3 ngày", ông Hoan nói. Thời điển này chỉ đạt khoảng 15 - 20% tổng lượng khách đăng ký trước dịch, nhưng so riêng số khách sử dụng tours kỳ nghỉ thì tăng.

Trong khi đó, ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc công ty du lịch Hi Travel cho biết sẽ dừng tour đối với những thị trường đã đóng như Đà Nẵng, Hội An, Hải Dương, Buôn Ma Thuột... Với thị trường khác, đơn vị này cân đối lại sản phẩm cho phù hợp và chủ yếu bán các đường tour theo mùa vụ (mùa nước nổi ở miền tây hay lúa chín ở miền núi phía bắc), tour theo yêu cầu của khách và sản phẩm free & easy.

"Từ đợt dịch trước, các doanh nghiệp đều nhận ra rằng, nếu ‘ngủ đông’ sẽ khó bắt nhịp khi thị trường hoạt động trở lại. Vì thế, đợt này đa phần công ty du lịch đều hoạt động để duy trì khung bộ máy. Doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động, sắp xếp lại hệ thống sản phẩm và chăm sóc khách hàng", ông Hiệp nói.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp du lịch, Việt Nam hiện khoanh vùng tốt các vùng dịch và duy trì hoạt động ở các vùng khác, nên kinh tế không bị tê liệt như giai đoạn cách ly toàn xã hội Các doanh nghiệp tin rằng, với đà này, Việt Nam sẽ cơ bản khống chế được dịch và du lịch nội địa sẽ phục hồi từ nửa cuối tháng 9. Thị trường sẽ ổn định trở lại từ tháng 10 đúng vào thu, mùa du lịch đẹp nhất tại nhiều nơi ở Việt Nam.

"Rút kinh nghiệm đợt bùng phát lần 2, chúng ta sẽ kiểm soát tốt hơn. Tâm lý lo sợ của người dân có nhưng ý thức chủ động phòng, chống dịch cũng vì thế tốt hơn nên sẽ khó có nguy cơ lần 3. Du lịch nội địa vẫn là cứu cánh chính của ngành du lịch cho đến hết Quý I/2021", ông Hoan cho biết.

Nguyễn Nam

Let's block ads! (Why?)