ASEAN thúc đẩy phục hồi kinh tế, chuỗi cung ứng sản xuất sau Covid-19

2 trong số 13 sáng kiến Việt Nam đưa ra trong bối cảnh mới ứng phó với Covid-19 nhận được đánh giá cao từ các bộ trưởng kinh tế ASEAN.

Tại họp báo ngày 30/8 sau khi kết thúc một tuần Hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN lần 52, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, kết quả quan trọng nhất hội nghị lần này đạt được là các bộ trưởng thống nhất thúc đẩy các sáng kiến, ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra trong năm là Chủ tịch ASEAN.

Covid-19 đang khiến các nước trong nội khối ASEAN đứng trước nhiều thách thức, trước tiên là sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo ông Tuấn Anh, các nước ASEAN phần lớn đều bị tác động rất nặng nề bởi đều là những nước hướng về xuất khẩu. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh đã tác động đến sự luân chuyển của các dòng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có nhiều dòng sản phẩm thiết yếu cho đời sống người dân.

Chưa kể, những tác động đến nguồn nhân lực làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và vận hành của các doanh nghiệp, nền kinh tế trong ASEAN. Thách thức cuối cùng, các thị trường xuất khẩu lớn của ASEAN đều bị tác động rất mạnh mẽ bởi dịch bệnh.

"Các nước ASEAN nhất trí thúc đẩy phục hồi kinh tế, duy trì chuỗi cung ứng sản xuất trước tác động của Covid-19. Những giải pháp này sẽ tăng cường hơn nữa khả năng chống chịu của nền kinh tế, ứng phó với tình hình mới hiện nay", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, bộ trưởng các nước ASEAN cũng thống nhất hướng xử lý vấn đề liên quan tới biểu thuế nhập khẩu tại Hiệp định ATIGA, thống nhất thực thi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20/9/2020. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại nội khối.

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương trả lời câu hỏi của báo giới tại họp báo ngày 30/8. Ảnh: Anh Minh

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương trả lời câu hỏi của báo giới tại họp báo ngày 30/8. Ảnh: Anh Minh.

Ông Tuấn Anh cũng cho biết, hai sáng kiến mà Việt Nam đưa ra tại hội nghị lần này với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 là "Chỉ số hội nhập số ASEAN" và "Tài liệu tham chiếu về kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN" đã được các bộ trưởng kinh tế ASEAN đồng thuận, đánh giá cao. Đây là công cụ quan trọng giúp các nước ASEAN hỗ trợ cho doanh nghiệp nội khối trong quá trình chuyển đổi số, tăng cường năng lực cạnh tranh.

11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Ngoài những kết quả phát triển dịch vụ, thương mại nội khối, theo ông Trần Tuấn Anh, tại hội nghị AEM 52 lần này các bộ trưởng kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19 và sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với Covid-19.

Các bộ trưởng ASEAN cũng nhất trí duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trường, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết với thương mại và tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM 52) và các hội nghị liên quan là sự kiện quan trọng nhất trong năm của kênh kinh tế trong ASEAN, diễn ra trong một tuần (22-29/8) tại Hà Nội.

Hội nghị là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tổng soát lại tình hình hoạt động hội nhập kinh tế khu vực từ đầu năm đến nay, cũng như thảo luận để thống nhất định hướng hoạt động trong nội khối và với các đối tác đối thoại.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)