Covid-19 đang gây ra sự không chắc chắn, dễ ảnh hưởng sức khỏe tinh thần nơi làm việc, vì vậy lãnh đạo cần hỗ trợ nhân viên cách đối mặt.
Cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, Mind Share Partners hợp tác cùng Qualtrics và SAP thực hiện một nghiên cứu về nhân viên toàn cầu. Họ nhận thấy sức khỏe tinh thần của gần 42% những người tham gia khảo sát suy giảm kể từ khi đại dịch bùng phát. Những nguy cơ mà người lao động có thể gặp như lo lắng, trầm cảm, kiệt sức, chấn thương và PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý).
Những trải nghiệm về sức khỏe tinh thần đó khác nhau tùy theo sắc tộc, cơ hội thu nhập, tình trạng công dân, loại hình công việc, trách nhiệm nuôi dạy và chăm sóc con cái và còn nhiều biến số khác. Vì vậy, các quản lý và lãnh đạo nên sớm hỗ trợ nhân viên đối mặt với những căng thẳng mới này. Dưới đây là những cách có thể động viên tinh thần nhân viên mùa dịch.
Cởi mở chia sẻ về sức khỏe tinh thần
Trong đại dịch, hầu như mọi người đều phải trải qua vài cấp độ khó chịu. Trung thực trong các vấn đề về sức khỏe tinh thần với tư cách là một nhà lãnh đạo sẽ giúp nhân viên thoải mái trò chuyện về vấn đề tinh thần của họ.
Công ty công nghệ sinh học Roche Genentech phát hành những video trong đó các lãnh đạo cấp cao trò chuyện về sức khỏe tinh thần của họ. Chúng được chia sẻ trên mạng nội bộ của công ty như một phần chiến dịch mang tên #Let’s Talk. Sau đó, công ty trao quyền cho "những chiến sĩ về sức khỏe tinh thần" – một mạng lưới nhân viên được đào tạo để trợ giúp xây dựng nhận thức về sức khỏe tinh thần, thực hiện video về những trải nghiệm. Đây được xem như một phần của chiến dịch nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần của công ty.
Khi các nhà quản lý miêu tả những thách thức của họ, cho dù có hay không có liên quan đến sức khỏe tinh thần, điều đó cũng khiến họ trông giống con người, dễ gần và can đảm. Nghiên cứu chỉ ra rằng lãnh đạo đích thực có thể nuôi dưỡng lòng tin và cải thiện được sự gắn bó cùng hiệu suất của nhân viên.
Làm gương về các hành vi lành mạnh
Đừng chỉ nói suôn về sức khỏe tinh thần của mình. Hãy thực hiện để nhân viên cảm nhận được bạn cũng thực sự ưu tiên điều đó. Một số nhà quản lý thường luôn quá tập trung vào sức khỏe của tập thể và hoàn thành công việc hơn là việc tự chăm sóc bản thân. Vì vậy, bạn có thể chia sẻ việc mình đang đi dạo vào giữa ngày, có cuộc hẹn trị liệu, hay ưu tiên kỳ nghỉ và thực sự không nhận email để tránh bị kiệt sức.
Xây dựng văn hóa kết nối qua tương tác
Hiện nay, có nhiều người làm việc ở nhà, việc nhận ra những dấu hiệu ai đó đang gặp khó khăn là khó hơn bình thường. Trong nghiên cứu, gần 40% nhân viên cho biết không ai trong công ty hỏi xem liệu họ làm việc có ổn không. Và những người tham gia khảo sát có nguy cơ suy giảm sức khỏe tinh thần cao hơn 38% so với những người khác, kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Bỏ qua câu hỏi thông thường "Bạn khỏe không?" và hỏi những câu hỏi mang tính hỗ trợ hơn. Chờ nghe câu trả lời đầy đủ. Thực sự lắng nghe và khuyến khích các câu hỏi cũng như mối bận tâm. Nhưng cũng không nên độc đoán vì nó khiến nhân viên cảm thấy bị thiếu tin tưởng hay quản lý vi mô.
Đề xuất tính linh hoạt và hòa đồng
Hãy đề xuất tính linh hoạt một cách chủ động. Hãy rộng lượng và thực tế nhất có thể. Gần đây, Jason Fried, CEO Basecamp, thông báo các nhân viên có bất kỳ loại trách nhiệm chăm sóc nào đều có thể tự đặt lịch làm việc riêng, ngay cả khi điều đó có nghĩa làm ít giờ hơn. Tính linh hoạt có thể giúp nhóm phát triển trong bối cảnh tình hình không chắc chắn vẫn tiếp tục diễn ra.
Bình thường hóa và làm gương tính linh hoạt mới này bằng cách làm nổi bật cách bạn tự thay đổi hành vi của bản thân. Stacey Sprenkel, làm việc tại Morrison & Foerster, chủ động nói với đội ngũ rằng cô sẽ làm việc vào lúc đêm khuya do phải chăm sóc con cái và nhờ họ hỗ trợ công việc trong suốt giai đoạn đại dịch này.
Nên động viên nhân viên kiên nhẫn và thông cảm cho nhau để thích nghi. Hãy tin tưởng họ và tin vào điều tốt nhất. Họ đang dựa vào bạn và sẽ nhớ cách bạn đối xử với họ trong suốt thời gian chưa từng có này.
Giao tiếp nhiều hơn mức cần thiết
Nghiên cứu của Mind Share Partners, Qualtrics và SAP cũng cho thấy những nhân viên cảm thấy quản lý của họ không giỏi trong giao tiếp có nguy cơ suy giảm sức khỏe tinh thần cao hơn 23% so với những người khác kể từ khi bùng phát dịch.
Hãy đảm bảo bạn luôn thông báo cho nhân viên về những thay đổi hay cập nhật của công ty. Giải thích rõ bất kỳ thay đổi nào về giờ làm việc và về định mức. Loại bỏ căng thẳng khi cần thiết bằng cách đặt dự kiến khối lượng công việc, ưu tiên những việc phải hoàn thành và xác định những việc cần bỏ qua nếu cần thiết.
Đầu tư vào đào tạo
Nên chủ động ưu tiên huấn luyện sức khỏe tinh thần nơi làm việc cho các nhà lãnh đạo, quản lý và cộng tác viên cá nhân. Trước đại dịch, các công ty gồm Morrison & Foerster và Verizon Media có cuộc họp cùng các lãnh đạo cấp cao thảo luận về vai trò của họ trong việc xây dựng nền văn hóa lành mạnh về tinh thần. Điều đó cho họ vị thế tốt để đối diện sự không chắc chắn đang diễn ra.
Khi ngày càng có nhiều nhân viên gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, điều quan trọng là phải xóa bỏ những lầm tưởng phổ biến, giảm kỳ thị và xây dựng các kỹ năng cần thiết để có những cuộc trò chuyện đạt hiệu quả về sức khỏe tinh thần ở nơi làm việc. Nếu không có ngân sách đầu tư vào đào tạo, nên tập hợp các nhân viên có chung vấn để sức khỏe tinh thần để xây dựng cộng đồng, hỗ trợ lẫn nhau.
Sửa đổi các chính sách và thông lệ
Nhằm giảm bớt căng thẳng cho mọi người, hãy khoan dung và linh hoạt nhất có thể trong việc cập nhật các chính sách và thông lệ trong ứng phó với đại dịch. Ví dụ, có thể xem xét kỹ hơn các quy tắc và định mức về giờ làm việc linh hoạt, thời gian nghỉ phép có lương, email và các phương tiện liên lạc khác, có thể nghỉ phép hưởng lương và không lương.
Cố gắng sắp xếp lại các đánh giá về hiệu suất. Vào giữa tháng 3, CEO Wikimedia Foundation gửi email cho nhân viên về những thay đổi làm giảm thiểu căng thẳng. "Nếu bạn cần giảm giờ làm việc, điều đó cũng không sao", thông báo viết. Vị CEO cũng cam kết trả lương dựa theo số giờ làm việc, bất kể khả năng làm việc. Khi thay đổi, hãy nói mục tiêu của quyết định là nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên.
Đo lường
Thường xuyên đo lường các tác động của những thay đổi chính sách giúp cải thiện tinh thần nhân viên. BlackRock, công ty quản lý đầu tư toàn cầu, là một trong nhiều công ty thực hiện các cuộc khảo sát nhanh trong suốt đại dịch để hiểu được các yếu tố gây căng thẳng và những nhu cầu của nhân viên.
Nguồn dữ liệu này giúp hình thành các chương trình mới, bao gồm xây dựng kỹ năng quản lý từ xa cho các nhà quản lý, nâng cao hỗ trợ về sức khỏe và hạnh phúc cho nhân viên cũng như gia tăng tính linh hoạt trong công việc và thời gian nghỉ phép.
Dù muốn mọi chuyện trở lại như trước, nhưng chúng ta sẽ không thể. Vì vậy, hãy tận dụng cơ hội này tạo nên nền văn hóa lành mạnh về mặt tinh thần mà lẽ ra nên tồn tại từ lâu ở nơi làm việc.
Phiên An (theo Harvard Business Review)