Theo nghiên cứu của IFC, các chính sách hỗ trợ nhân viên trông giữ trẻ như xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Báo cáo về "Lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp hỗ trợ người lao động chăm sóc trẻ em tại Việt Nam" do IFC vừa công bố cho biết, những thay đổi về nhân khẩu học và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam làm nảy sinh nhiều thách thức mới, đòi hỏi sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt trong mô hình chăm sóc trẻ hiện nay.
Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp có tư duy tiến bộ, nhằm tạo dựng lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động. Báo cáo đúc rút bài học kinh nghiệm từ 6 công ty lớn ngành dệt may, giày dép, với tổng số 94.200 lao động.
Tuy nhiên, IFC đánh giá, 7 lợi ích được nêu sau đây vẫn giữ nguyên giá trị và là gợi ý cho người sử dụng lao động trong nhiều ngành khác nhau tại Việt Nam.
Thu hút nhân viên có thực lực
Nữ giới Việt Nam chiếm 50% lượng sinh viên tốt nghiệp và 48% lực lượng lao động. Trong cuộc khảo sát tại những công ty lớn nhất của Việt Nam, nhiều nữ giới hơn nam giới (81% so với 76%) cho biết muốn thăng tiến trong công việc.
Vấn đề là nữ giới có xu hướng đảm nhận phần lớn công việc chăm sóc không lương trong gia đình, bao gồm cả chăm sóc trẻ em và bố mẹ lớn tuổi. Một rủi ro có thể phát sinh là trách nhiệm này tăng lên khi nữ giới đạt đến vị trí quản lý cấp trung và đáp ứng tiêu chuẩn để được đề bạt lên các vị trí cao hơn.
Vì vậy, người lao động có con nhỏ xem xét các hỗ trợ trông giữ trẻ của doanh nghiệp, đặc biệt là nhà trẻ ngay tại nơi làm việc là yếu tố quyết định để đồng ý làm việc cho nhà máy hay không. Ví dụ, với Evervan (Đồng Nai,) khi cần tuyển thêm 2.500 lao động vào năm 2019, trường mẫu giáo trở thành yếu tố tạo khác biệt thu hút trong tuyển dụng,.
Cải thiện kết quả tuyển dụng và giữ chân lao động
Nữ giới thường có xu hướng chọn công việc có giờ giấc linh hoạt và các đãi ngộ khác ngoài lương hơn nam giới. Do vậy, những chính sách thân thiện với gia đình, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động với trách nhiệm chăm sóc, có thể phần nào giúp doanh nghiệp trở thành nhà tuyển dụng được yêu thích.
Với Feng Tay, Pou Chen và Taekwang Vina, trường mẫu giáo tại nơi làm việc là một phần chính trong chiến lược tuyển dụng và giữ chân lao động. Tại Evervan, công ty sản xuất giày dép với gần 7.500 lao động, chiến lược này giúp giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc trung bình trong tháng từ 4,1% vào 2011 xuống còn 2% năm 2018, tiết kiệm đến 12,5 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 537.000 USD.
Giảm tình trạng vắng mặt đột xuất
Thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc đáng tin cậy, các bậc cha mẹ có thể phải nghỉ làm đột xuất, đi trễ về sớm vì những nhu cầu phát sinh của việc trông trẻ. Một khảo sát nhân viên của Maxport chỉ ra rằng, có bốn trên mười cha mẹ đi làm từng bị gián đoạn công việc vì nghĩa vụ chăm con ở nhà.
Chi phí của tình trạng vắng mặt đột xuất có thể rất lớn. Nalt Enterprise - nhà máy may với khoảng 600 nhân viên cho biết, tỷ lệ vắng mặt giảm hẳn 50% khi có trường mẫu giáo tại nơi làm việc và phòng khám để kiểm tra sức khỏe thường kỳ cho nhân viên và con em họ. Taekwang Vina tính toán rằng, với tỷ lệ vắng mặt đột xuất là 0,6% trong tổng lực lượng lao động 33.000 người trong các nhà máy ở tỉnh Đồng Nai, chi phí cho doanh nghiệp lên tới 945.000 USD mỗi năm.
Tăng năng suất
Báo cáo cũng kết luận, hỗ trợ trách nhiệm chăm sóc cho người lao động có thể giúp họ đạt năng suất tốt hàng ngày, giảm được tình trạng "làm cho có lệ".
"Chúng tôi thấy được rất rõ ràng lợi ích đối với nhà cung cấp khi hỗ trợ tăng phúc lợi cho nhân viên để cải thiện mức độ gắn bó và năng suất. Khi nhân viên yên tâm rằng con em họ đang được trông giữ tốt, họ sẽ làm việc năng suất hơn và gắn bó với nhà máy lâu dài." Vũ Tú, Quản lý cấp cao về Môi trường và Xã hội của Adidas, cho biết.
Tăng cường tuân thủ và quản lý rủi ro
Doanh nghiệp hỗ trợ chăm sóc trẻ em có minh chứng tốt hơn việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật nước sở tại. Họ cũng tránh được các rủi ro về uy tín, ví dụ khi người lao động không tiếp cận được với dịch vụ trông giữ trẻ chất lượng và đành phải chấp nhận gửi con đến những cơ sở nhà trẻ không có đăng ký mà họ biết.
Doanh nghiệp có hỗ trợ trách nhiệm chăm sóc cho người lao động cũng có thể cải thiện quan hệ lao động, giảm tỷ lệ đình công làm gián đoạn công việc. Ví dụ, Evervan, Feng Tay, và Taekwang Vina đều cho rằng, các hỗ trợ này có đóng góp quan trọng để người lao động thấy hãnh diện vì công ty, trung thành và thậm chí tự đứng ra tổ chức bảo vệ công ty khi có bất ổn.
Tạo quan hệ bền chặt với các nhãn hàng quốc tế
Trong ngành sản xuất, những nhãn hàng quốc tế như Nike và Adidas có kỳ vọng cao đối với nhà cung cấp và đưa ra ưu đãi để khuyến khích các nhà cung cấp chứng minh được các cam kết chủ động của mình đối với vấn đề môi trường và xã hội bền vững, bao gồm phúc lợi nhân viên, đặc biệt nữ giới.
"Nhiều nhà cung cấp của chúng tôi mong muốn cải thiện đời sống công nhân và hỗ trợ trông giữ trẻ là một phần trong đó", Cường Lương, Phụ trách Phát triển bền vững tại Việt Nam của Nike, cho biết.
Tăng cường uy tín doanh nghiệp
Chính quyền địa phương Việt Nam thường khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, như góp phần cải thiện dịch vụ giáo dục trong cộng đồng cả về chất và về lượng hay tăng phúc lợi cho nhân viên.
Taekwang Vina xây trường mẫu giáo tại nơi làm việc một phần cũng xuất phát từ khuyến nghị của chính quyền vào năm 2012. Từ đó đến nay, công ty cho biết luôn duy trì quan hệ tốt với chính quyền địa phương và xây dựng uy tín là doanh nghiệp có trách nhiệm đối với cộng đồng.
Pou Chen Việt Nam và Feng Tay cũng nhận được nhiều bằng khen cùng ghi nhận của chính quyền địa phương cho trường mẫu giáo đạt tiêu chuẩn cao của công ty. Ban giám đốc Now Vina thì nhận thấy quan hệ của công ty với các trường mẫu giáo công lập ở địa phương đã góp phần làm cải thiện hình ảnh của họ như là một doanh nghiệp được tín nhiệm.
Đầu tư xây dựng đội ngũ lao động kế cận
Đối với doanh nghiệp đã có tầm nhìn chiến lược dài hạn thì đầu tư hỗ trợ chăm sóc trẻ cũng chính là đầu tư vào thế hệ người lao động kế cận. Ban giám đốc Feng Tay cho rằng, trường mẫu giáo tại nơi làm việc của họ chính là cầu nối và là khoản đầu tư cho đội ngũ lao động trong tương lai.
Lứa con em công nhân đầu tiên được gửi đến trường mẫu giáo vào năm 2008 giờ đã học lớp 11 và các em cũng đã đủ hiểu biết cùng như trân trọng văn hóa của doanh nghiệp. "Chúng tôi rất quan tâm đầu tư vào thế hệ người lao động kế cận cho công ty và hy vọng rằng thế hệ sau và sau đó nữa cũng đến làm việc tại đây." Khuê Tú, Quản lý khối Mẫu giáo và Ký túc xá công nhân của Feng Tay, nói.
Viễn Thông