WB: Kinh tế Việt Nam có thể tăng cao thứ năm thế giới

WB đánh giá Việt Nam có nền tảng tốt để chống chịu cú sốc do Covid-19 gây ra và có thể đạt mức tăng GDP 2,8% năm nay.

Ngân hàng Thế giới (WB) chiều nay (30/7) công bố báo cáo Điểm lại với tiêu đề "Trạng thái Bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?". Trong đó, tổ chức này đánh giá Covid-19 là cú sốc cả về y tế và kinh tế với các nước trên thế giới. Trừ Đông Á, tất cả các khu vực khác đều được dự báo tăng trưởng âm trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, WB cho rằng thiệt hại y tế đến nay vẫn nhỏ, nhưng thiệt hại về kinh tế lại lớn. Tăng trưởng giảm từ gần 7% năm ngoái xuống còn 0,36% quý II. Đây là cú sốc kinh tế lớn nhất với Việt Nam trong 35 năm qua.

Tuy nhiên, WB đánh giá Việt Nam có vị thế tốt để hấp thụ cú sốc này, nhờ kiểm soát tốt đại dịch. GDP Việt Nam được dự báo tăng 2,8% năm nay - cao thứ 5 trên thế giới. Tốc độ phục hồi được kỳ vọng tăng tốc nửa cuối năm. Sang năm 2021 và 2022, tăng trưởng có thể lên 6,8% và 6,5%.

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Hưng Yên tháng 12/2019. Ảnh: Viễn Thông.

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Hưng Yên tháng 12/2019. Ảnh: Viễn Thông.

Lạm phát năm nay dự kiến khoảng 3,9%, gần gấp đôi năm ngoái. Cán cân vãng lai năm 2020 vẫn dương. Bội chi ngân sách tạm thời xấu đi và nợ công trên GDP tăng lên 56,1%.

Dù vậy, WB cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát, các thiệt hại này có thể dần khôi phục lại được. Rủi ro lớn nhất hiện tại của Việt Nam là rơi vào bẫy kinh tế của Covid-19.

"Đến đầu năm 2020, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn là tiêu dùng trong nước và sức cầu nước ngoài. Hai động lực này khó phục hồi sớm do nhiều nước trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch và hầu hết người Việt Nam vẫn ngại rủi ro, muốn tiết kiệm", kinh tế trưởng WB Việt Nam Jacques Morisset giải thích.

Bà Stefanie Stallmeister, Quyền giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng".

Báo cáo chỉ ra có 4 xu hướng mới sẽ phát sinh tại Việt Nam sau Covid-19. Một là Chính phủ sẽ có vai trò mới - chi tiêu công nhiều hơn, tốt hơn, tập trung vào các ngành chịu nhiều thiệt hại vì đại dịch. Hai là nền kinh tế không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp sẽ trỗi dậy. Ba là Việt Nam sẽ có cơ hội nâng vị thế trong kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, tình trạng bất bình đẳng mới có thể xuất hiện, do tác động của đại dịch lên các ngành nghề, cá nhân khác nhau.

Dù vậy, báo cáo của WB chỉ tính đến đầu tháng 7, khi Việt Nam chưa xuất hiện thêm các ca nhiễm mới như vài ngày gần đây. Nhiều người lo ngại Việt Nam có thể trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai. Đề cập đến khả năng tiếp tục giãn cách và GDP nửa cuối năm có thể chịu tác động, thậm chí tăng trưởng âm, ông Jacques Morisset cho rằng vấn đề này "rất khó dự báo".

"Dựa trên những gì chúng tôi chứng kiến trong tháng 4 và trên thế giới, khi đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế, tổn thất kinh tế dĩ nhiên cũng sẽ lớn. Việc này có thể diễn ra với Việt Nam", ông nói, "Tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chống chịu tốt. Mọi người ở Việt Nam cũng có tính tiết kiệm tốt. Nhiều hộ kinh doanh cá thể hồi phục nhanh sau cách ly. Tuy nhiên, tôi không chắc nếu có vài đợt cách ly, người dân có khả năng chống chịu hay không. Các cấp thẩm quyền có lẽ hình dung được việc này và Chính phủ sẽ phải cân nhắc nhiều trước khi ra quyết định".

Hồi tháng 5, WB từng nhận định "Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời Covid-19 tăm tối". Hôm nay, các đại diện của cơ quan này cho rằng "đến hiện tại, nhận định đó vẫn đúng". WB tin tưởng Việt Nam có chính sách phù hợp và có nền tảng tốt để để ứng phó khủng hoảng.

Hà Thu

Let's block ads! (Why?)