'Vùng đất chết' trong chuyến đi của khách Việt

Nhật BảnSau gần 10 năm trải qua thảm họa kép, những chuyến tàu mở lại, siêu thị và nhà hàng hồi sinh ở Fukushima.

Ngô Trần Hải An (biệt danh Quỷ Cốc Tử), blogger du lịch đã có chuyến đi tới 'vùng đất chết' Fukushima. Dưới đây là những chia sẻ và ấn tượng của anh về nơi này.

Mặc dù đã nhiều lần đến xứ sở hoa anh đào nhưng đây là lần đầu tiên tôi chọn một điểm đến vô cùng đặc biệt, đó là Fukushima. Khi nhắc đến tên của vùng đất này chắc hẳn ai cũng biết đến hai thảm họa khủng khiếp mà nó đã phải gánh chịu: trận sóng thần Tohoku 2011 và sự cố hạt nhân ngày 13/3/2011.

Tại trung tâm cộng đồng Nahara đặt bảng, để tất cả du khách ghé thăm gửi những lời động viên đến người dân sống tại đây. Khu vực này trước đây bị bỏ hoang do thảm họa.

Tại trung tâm cộng đồng Nahara đặt bảng, để tất cả du khách ghé thăm gửi những lời động viên đến người dân sống tại đây. Khu vực này trước kia bị bỏ hoang do thảm họa.

Tôi luôn muốn tìm hiểu vùng đất này như thế nào sau thảm họa kép đó. Nhưng đã 9 năm trôi qua và đến hôm nay tôi mới thực hiện được.

Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp cải tạo môi trường nên Fukushima hiện rất an toàn. Tuy nhiên, trên đường đi, hướng dẫn viên vẫn trao cho tôi bản đồ và thiết bị đo nồng độ chất phóng xạ hạt nhân trong không khí, để có thể tự mình kiểm chứng sự an toàn cũng như những số liệu mà Nhật Bản cung cấp.

Điểm đầu tiên tôi dừng chân là ga tàu ở thị trấn Namie, nằm ở trung tâm thảm họa nên ảnh hưởng nặng nề. Đang là nơi sầm uất nhất vùng bỗng chốc hóa hoang tàn, cô quạnh. Nhiều người di tản không kịp đem theo xe cộ tài sản. Theo thời gian tiếp tục tàn phá, Namie ngày một đổ nát và trở thành thị trấn ma.

Tôi lang thang qua những con đường ở thị trấn trong sự vắng lặng đến rùng mình. Lau lách vây kín những ngôi nhà hoang phế. Những chiếc xe hơi còn mới nằm im lìm trong đổ nát. Đèn giao thông vẫn hoạt động mà không một bóng người. Có những ngôi nhà, quán ăn khi bước vào vẫn còn nguyên chén tách trên bàn. Chiếc máy đo phóng xạ trong tay mình cứ thỉnh thoảng báo hiệu sự thay đổi nồng độ phóng xạ trong không khí. Hiện nay mức ô nhiễm đã ở rất thấp, dưới mức chuẩn an toàn cho con người.

Chính phủ đã nỗ lực xử lý sự cố và phục hồi cuộc sống nơi đây dù không dễ dàng. Đến nay có khoảng 1.000 người dân quay lại và bắt đầu dựng mọi thứ từ đổ nát.

Qua anh phiên dịch để trò chuyện, tôi được biết người dân hiểu rõ khó khăn nhưng vẫn chọn quay về, chấp nhận hi sinh để những thế hệ sau sẽ tiếp nối, biến Namie trở lại sầm uất, nhộn nhịp như xưa.

Ông Masami Yoshizawa xúc động kể lại thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân năm đó. Hàng trăm con bò trong đàn của ông đều chết.

Ông Masami Yoshizawa xúc động kể lại thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân năm đó. Hàng trăm con bò trong đàn đã chết.

Trong tất cả những người có duyên gặp gỡ, tôi xúc động nhất là cuộc trò chuyện với ông Masami Yoshizawa, 65 tuổi, chủ trang trại bò Hy Vọng. Ngày đó khi thảm họa xảy ra, đàn bò hơn 300 con của ông bị nhiễm phóng xạ chết phần lớn, từ người khá giả phút chốc phá sản. Ông đi khắp nơi để kêu gọi cứu những con bò còn sống khỏi bị chết đói do bỏ rơi. Sau này, ông cũng là một trong những người đầu tiên quay lại nơi đây để quyết tâm hồi sinh vùng đất, với nông trại đến nay đã có hơn 260 con bò. Câu chuyện về ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người dân Nhật Bản về ý chí vượt qua nghịch cảnh. Nhiều tờ báo trên thế giới đã phỏng vấn trực tiếp và viết bài về ông như New York Times, Washington Post, ABC, BBC...

Ở một góc khác, Namie đang sống lại từng ngày, những chuyến tàu đã mở lại. Siêu thị Aeon khá lớn đang hoạt động, để cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân. Trạm cứu hỏa bệnh viện, cơ quan nhà nước, trạm tàu điện, xe bus... cũng đã hoạt động. Trường Namie Sosei đã mở lớp dù chỉ có hơn chục em học sinh.

Thưởng thức buổi trưa nhẹ nhàng tại một nhà hàng ở thị trấn với món hamburger và khoai tây chiên, trong tiếng nhạc du dương êm dịu. Bầu không khí hiện đại khiến tôi quên rằng mình đang ngồi trong một nhà hàng ở nơi từng xảy ra thảm họa tàn khốc đến vậy.

Sau đó, tôi di chuyển đến bờ biển Tohoku – nơi diễn ra trận sóng thần nghiệt ngã. Hiện tại, bờ biển chỉ là những bãi đất hoang vắng nhưng chính phủ đã cho xây dựng con đê khổng lồ, để ngăn chặn những cơn sóng thần và đảm bảo an toàn cho người dân. Sẽ mất rất nhiều thời gian để Fukushima có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng ấn tượng của tôi về nơi này là yên bình và dần hồi sinh.

Hôm sau, tôi tiếp tục hành trình đến thăm thị trấn Naraha, nơi này gần như không còn dấu vết nào của sự đổ nát. Chính phủ đất nước mặt trời mọc đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân: siêu thị được xây dựng, những ngôi nhà cũng dần xuất hiện trở lại. Tuy số lượng hộ dân chưa nhiều nhưng cơ sở vật chất hiện đại và đầy đủ.

Trò chuyện với người dân, hầu hết họ đều mỉm cười và chia sẻ rằng: "Những gì đã diễn ra ở quá khứ thì hãy để nó ngủ yên, chúng tôi cần làm gương cho thế hệ mai sau. Chúng tôi muốn vùng đất này sẽ phát triển và hồi sinh, có thể rất lâu nhưng chúng tôi là thế hệ tiên phong để làm việc đó".

Khu vực nhà ga Hirona từng là bình địa nay đã được xây dựng hiện đại.

Khu vực nhà ga Hirona từng là bình địa nay đã được xây dựng hiện đại.

Nhưng không phải tất cả mọi nơi ở Fukushima đều u buồn. Hành trình tiếp theo chúng tôi tham quan nhiều điểm đến thú vị như: nông trại hạnh phúc, bảo tàng Iwakikairo rồi sau đó tiếp tục về Matsushima, khám phá đền cổ Godaido, đền cổ Tenrinin, đảo nhỏ Fukuura, cùng nhiều điểm thú vị khác.

Khi màn đêm buông xuống, tôi đi dạo dọc bờ biển và cảm giác được sự yên bình thực sự. Có lẽ phải mất 10 năm, 20 năm nhưng với sự mạnh mẽ và kiên trì, Fukushima sẽ phồn vinh và phát triển mạnh mẽ.

Xem thêm hình ảnh về Fukushima .

Bài và ảnh: Hải An

Let's block ads! (Why?)