Hong Kong có nhiều cách để duy trì neo tỷ giá, từ viện dẫn các điều luật, dùng dự trữ ngoại hối đến kêu gọi trợ giúp của Trung Quốc.
Hôm qua (14/7), Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tước ưu đãi thương mại của Hong Kong và thông qua đạo luật cho phép trừng phạt các ngân hàng tại đặc khu. Từ cuối tháng 5, ông đã chỉ đạo chính quyền bắt đầu quá trình của Hong Kong, do Trung Quốc xúc tiến áp luật an ninh mới cho đặc khu.
Tuần trước, Bloomberg trích lời nguồn tin thân cận cho biết một số cố vấn hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hạn chế khả năng các nhà băng Hong Kong mua đôla Mỹ. Họ nhằm vào việc Hong Kong lâu nay vẫn neo nội tệ vào USD, để trừng phạt Trung Quốc sau các động thái gần đây với thành phố này.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc này không dễ dàng. Các chiến lược gia tại ngân hàng DBS (Singapore) nói rằng một mình Mỹ không thể tác động đến hệ thống neo tỷ giá của Hong Kong.
Đồng đôla Hong Kong đã được neo vào đôla Mỹ từ năm 1983, chỉ được giao dịch trong biên độ 7,75 - 7,85 đôla Hồng Kông mỗi đôla Mỹ. Khi tỷ giá có khả năng ra khỏi vùng này, Cơ quan tiền tệ Hong Kong (HKMA) - đóng vai trò là ngân hàng trung ương của đặc khu - sẽ can thiệp bằng cách bán hoặc mua tiền tệ.
"Một điều đáng chú ý là Hong Kong có quyền thiết kế chế độ tiền tệ của mình, bao gồm chính sách tỷ giá hối đoái", các nhà phân tích của công ty quản lý tài sản Amundi cho biết trong một báo cáo tháng trước.
DBS cho biết hệ thống tỷ giá hối đoái được Hong Kong thiết lập để giao dịch và vận hành thị trường tiền tệ ngày nay đã có từ năm 1983. Điều này có nghĩa hệ thống này đã được áp dụng trước cả "Đạo luật Chính sách Mỹ-Hong Kong" năm 1992, khi Washington trao cho đặc khu quyền hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt.
Ngoài ra, Raymond Yeung - nhà phân tích tại ANZ Research cho biết Đạo luật năm 1992 còn có một điều khoản quy định rằng Mỹ sẽ tiếp tục cho phép đồng đôla Mỹ được "tự do trao đổi" với đồng đôla Hong Kong.
Ngoài các quy định này, Hong Kong vẫn có cách khác để bảo vệ đồng tiền của mình ngay cả khi Washington tìm cách hạn chế khả năng họ mua đôla. Các nhà phân tích của Amundi cho biết đặc khu có 440 tỷ USD dự trữ ngoại hối, tương đương hơn gấp đôi tổng số tiền đang lưu thông tại thành phố này.
Bên cạnh đó, trong trường hợp cần thiết, HKMA cũng có thể kêu gọi Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho đổi đôla Mỹ, một quan chức tài chính của đặc khu chia sẻ với Reuters. Trung Quốc đang có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, với khoảng 3.000 tỷ USD.
Nhận định về khả năng Mỹ tấn công vào hệ thống neo tỷ giá của Hong Kong, Raymond Yeung cho biết: "Hong Kong và chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này. Lãnh đạo tài chính Hong Kong Paul Chan đã tuyên bố ngay cả khi Mỹ thực hiện các biện pháp làm khó giao dịch bằng đôla Hong Kong, chính quyền vẫn có kế hoạch dự phòng".
Trong khi đó, lợi ích riêng của Washington cũng bị đe dọa. Các nhà phân tích chỉ ra rằng việc cấm Hong Kong mua đôla Mỹ là một lựa chọn mang tính "vũ khí hạt nhân", sẽ gây sốc với thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả Mỹ.
"Lựa chọn này rất tốn kém", các chuyên gia tại Amundi cho biết. Nó sẽ có tác động hạn chế nếu trừng phạt lên các tổ chức đơn lẻ, nhưng sẽ gây thiệt hại nặng nề nếu dùng đến các cách cực đoan hơn.
"Cô lập Hong Kong khỏi Phố Wall và hệ sinh thái đôla Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc neo tỷ giá của đôla Hong Kong và vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của đặc khu, khiến dòng vốn rút ra ồ ạt", theo Amundi.
Theo các nhà phân tích của DBS, Hong Kong là trung tâm ngoại hối lớn thứ ba thế giới. Vị thế này gắn chặt với hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu nên Mỹ khó lòng từ chối Hong Kong tiếp cận vào hệ sinh thái USD.
Nhu cầu đối với đôla Hong Kong đã tăng mạnh trong năm nay, bất chấp lo ngại đồng tiền này có thể bị đe dọa bởi căng thẳng Mỹ-Trung. Theo CNBC, HKMA đã can thiệp vào giá đôla Hong Kong ít nhất 23 lần kể từ ngày 5/6.
Đôla Hong Kong tăng giá do dòng vốn chảy mạnh vào đặc khu trong năm nay. Hai công ty NetEase và JD.com, đã huy động lần lượt 21 tỷ đôla Hong Kong (2,7 tỷ USD) và 30 tỷ đôla Hong Kong (3,87 tỷ đô la) tại thị trường này.
"Từ tháng 4/2020, giới chức đã nhiều lần can thiệp để giá đôla Hong Kong không vượt khỏi vùng giới hạn. Điều này liên quan mật thiết đến hàng loạt thương vụ IPO tại đây, cho thấy sức hút của Hong Kong trong vai trò trung tâm tài chính quốc tế và cửa ngõ vào Trung Quốc", Philip Wee, chiến lược gia ngoại hối tại DBS nhận xét.
Phiên An (theo CNBC)