Những điều dang dở của thị trường chứng khoán sau 20 năm

Sau hai thập kỷ, chứng khoán Việt Nam vẫn bị "chê" kém minh bạch, thiếu hàng hóa cho nhà đầu tư, quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ chưa được bảo vệ...

28/7/2000, hai cổ phiếu đầu tiên được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Sau 20 năm, thị trường trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, kênh đầu tư tích cực không thua kém những phương thức khác. Tuy nhiên, nhà đầu tư của 20 năm sau vẫn còn những kỳ vọng cao hơn.

Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán ngày 27/4/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán ngày 27/4/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Minh bạch thị trường

20 năm phát triển, một trong những thành công lớn nhất của chứng khoán là xây dựng được "định nghĩa" với nhà đầu tư. Đến tháng 6/2020, thị trường đã có 2,5 triệu tài khoản được mở, gấp gần 1.000 lần những ngày ban đầu. Nhưng, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, không chỉ người dân mà cả những nhà đầu tư lâu năm cũng vẫn hoài nghi về mức độ minh bạch của thị trường.

Chính ông Tuấn cũng thường nhận được câu hỏi "anh có tin chứng khoán Việt Nam minh bạch không" từ lãnh đạo các doanh nghiệp sắp niêm yết.

Tâm lý "chơi, đánh chứng khoán" hay thậm chí là "đánh bạc" vẫn tồn tại trong một bộ phận nhà đầu tư. Việc thay đổi tư duy sang "đầu tư chứng khoán", theo chuyên gia này, nên là một trong tiêu chí cần được ưu tiên hàng đầu hiện nay.

"Dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn, bởi hiện chưa đến 3% dân số có tài khoản. Nếu chứng khoán chứng minh được đây là một trong những lớp tài sản tích luỹ hiệu quả, thanh khoản thị trường ắt sẽ cải thiện", ông Tuấn nhận xét.

Thay đổi về quy mô thị trường chứng khoán sau 20 năm thành lập. Đồ họa: Tạ Lư.

Thay đổi về quy mô thị trường chứng khoán sau 20 năm thành lập. Đồ họa: Tạ Lư.

Song hành với câu chuyện minh bạch còn một bài toán khác là bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ông Lê Hoàng Lân (Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận xét, nhiều công ty đại chúng hiện nay vẫn chưa chủ động trong việc công khai tình hình hoạt động, sử dụng vốn hay quản trị công ty. Điều này dẫn đến tính minh bạch, công khai trên thị trường còn tồn tại rất nhiều vấn đề.

Khi chứng khoán chạm đáy cuối tháng 3 năm nay do tác động từ Covid-19, động lực phục hồi của thị trường gần như do dòng tiền mới của nhà đầu tư cá nhân. Trong số đó, những "nhà đầu tư số không" (không am hiểu thị trường, không kinh nghiệm, không người dẫn dắt) chiếm một tỷ trọng không nhỏ. Tuy nhiên, việc giữ chân lớp nhà đầu tư mới này sẽ là thách thức nếu không có những cơ chế phù hợp để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Nâng hạng thị trường

"Chứng khoán Việt Nam khi nào được nâng hạng?" - câu hỏi được đặt ra liên tục trong báo cáo phân tích hai năm gần nhất của các công ty chứng khoán.

Yêu cầu này cũng vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (ngày 20/7). Đầu năm nay, "nâng hạng" cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm được lãnh đạo Bộ Tài chính giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán.

Việc nâng hạng, nếu được thực hiện, sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn ngoại với kỳ vọng hàng trăm triệu USD được rót vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, thông tin nâng hạng thị trường Việt Nam vẫn chỉ nằm ở kỳ vọng của những nhà đầu tư trong nước.

Trong đợt đánh giá giữa năm ngoái, Morgan Stanley Capital International (MSCI) chưa thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, dù đáp ứng tất cả tiêu chí định lượng như quy mô, vốn hoá, số lượng doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD... Đợt đánh giá năm nay bị lùi đến tháng 11 nhưng khả năng nâng hạng vẫn gần như không thể.

VN-Index trong 20 năm. Đồ họa: Tạ Lư.

VN-Index trong 20 năm. Đồ họa: Tạ Lư.

FTSE cũng không nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá năm ngoái vì chưa đáp ứng một số tiêu chí định tính như thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán, quy trình đăng ký giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài còn phức tạp...

Trả lời VnExpress đầu năm nay, Phó chủ tịch Uỷ ban chứng khoán nhà nước (SSC) Phạm Hồng Sơn đánh giá một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện này là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, nhà đầu tư muốn mua cổ phần Vinamilk hoặc một số ngân hàng thương mại nhưng trần sở hữu không cho phép. Vấn đề này mỗi SSC không thể giải quyết vì từng bộ, ngành quản lý một lĩnh vực riêng và quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện riêng.

Nhưng lãnh đạo Ủy ban chứng khoán cũng nhìn nhận, không phải cứ có điểm nghẽn là phải tháo gỡ bằng mọi giá bởi một số nguyên tắc đang nhằm đảm bảo an toàn nhất cho thị trường. "Chúng ta không cố được nâng hạng bằng mọi giá, không có gì chắc chắn năm nay Việt Nam được nâng hạng nhưng năm sau còn giữ được. Nâng hạng rồi lại không thể giữ thì còn gay go hơn", ông Sơn nhận xét.

Nhà đầu tư vẫn thiếu 'hàng'

Lãnh đạo một công ty chứng khoán nằm trong top 10 thị phần môi giới tại HoSE nói rằng, rổ hàng hiện nay đa dạng hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu sơ khai. Thị trường có gần 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, mở rộng kênh trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm... nhưng thực tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhà đầu tư.

"Chúng ta tự hào tăng trưởng nhanh, hồi phục mạnh sau những bất ổn của yếu tố địa chính trị hay dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu so sánh với những thị trường trong khu vực Đông Nam Á, thật khó để nói chứng khoán Việt Nam ngang hàng", vị này nói.

Ông phân tích, không thể phủ nhận là chứng khoán Thái Lan có xuất phát điểm trước Việt Nam, thậm chí chuyên gia của họ cũng là người hỗ trợ xây dựng hệ thống cho Việt Nam trong những ngày đầu. Xét về tốc độ phát triển, Việt Nam đang dần bị người láng giềng bỏ xa. Thanh khoản bình quân mỗi phiên của HoSE mới khoảng 5.000 tỷ đồng, trong khi con số của Thái Lan gấp 6 lần.

Để giải quyết bài toán giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, chứng khoán nước này đã triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cách đây 20 năm. Còn chứng khoán Việt Nam mới bàn nhiều hơn về câu chuyện này trong những năm gần đây và hầu hết đều dừng ở mức "kỳ vọng sớm nhất có thể".

Ông Lê Hoàng Lân đánh giá, nếu vấn đề "hàng hóa" của thị trường được giải quyết, không chỉ thu hút được nhà đầu tư tham gia thị trường mà mục đích đầu tư cũng sẽ thay đổi tích cực hơn, "dài hạn và hạn chế tình trạng tham gia thị trường để đầu cơ kiếm lời ngắn hạn".

Để hiện thực hóa được những "mong ước" này, yếu tố cần nhất trong ngắn hạn là các nghị định hướng dẫn việc thực hiện Luật mới.

Luật Chứng khoán mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho biết kỳ vọng lớn nhất là cơ quan quản lý sớm ban hành những Nghị định, Thông tư hướng dẫn. "Đây là điều quan trọng nhất, còn những việc khác thì việc gì tới sẽ tới", ông Dominic nhận xét.

Minh Sơn - Phương Đông

Let's block ads! (Why?)