Nhu cầu dầu có thể hồi phục hoàn toàn vào 2022

Goldman Sachs dự kiến ​​nhu cầu phục hồi nhờ đi lại tăng, phương tiện cá nhân phổ biến hơn và chi tiêu cơ sở hạ tầng đẩy mạnh.

Trong nghiên cứu được công bố hôm thứ năm (2/7), các nhà phân tích tại Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 8% vào năm 2020, tăng trở lại 6% vào năm 2021 và hồi phục hoàn toàn về mức độ trước đại dịch vào năm 2022.

Xăng được cho là sẽ phục hồi nhu cầu nhanh nhất trong số các sản phẩm dầu do hoạt động đi lại gia tăng. Người dân sẽ chuyển từ giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân. Cùng với đó, thay vì du lịch bằng hàng không, họ dùng ôtô nhiều hơn để du lịch nội địa, đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Một nhân viên trạm xăng đeo khẩu trang chuẩn bị bơm xăng cho khách tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 2/2020. Ảnh: Reuters

Một nhân viên trạm xăng đeo khẩu trang chuẩn bị bơm xăng cho khách tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 2/2020. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, nhu cầu dầu diesel sẽ phục hồi được mức như năm 2019 vào năm sau, được thúc đẩy bởi chi tiêu của các chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, Goldman Sachs cảnh báo nhu cầu nhiên liệu máy bay là ảm đạm nhất. Điều này là do niềm tin của người tiêu dùng vào hàng không còn ở mức thấp trong trường hợp không có vaccine. Đồng thời, sau thời gian đại dịch, hành vi người tiêu dùng cũng có khả năng thay đổi trong thời gian dài. Vì vậy, ngân hàng này không hy vọng nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ quay trở lại mức trước Covid-19, ít nhất là trước năm 2023.

Dự báo của Goldman Sachs được đưa ra sau khi giá dầu tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ trong ba tháng tính đến tháng 6, ghi nhận quý có hiệu suất tốt nhất trong 30 năm. Giá dầu Brent giao dịch ở mức 42,75 USD mỗi thùng vào chiều thứ năm (2/7) tăng khoảng 1,7%. Trong khi đó, giá dầu WTI hợp đồng tương lai đạt mức 40,43 USD, tăng khoảng 1,5%.

Giá dầu Brent và WTI hợp đồng tương lai đã tăng vọt lần lượt hơn 80% và 91%, trong quý II/2020. Tuy nhiên, cả hai vẫn nằm trong vùng giá giảm, với mức giảm hơn một phần ba so với đầu năm.

Giá dầu thô hợp đồng tương lai giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4/2020, với giá dầu WTI lần đầu tiên rơi xuống mức âm khi các biện pháp cách ly, phong tỏa do Covid-19 đạt đến đỉnh điểm. Các biện pháp này đã làm đóng băng phần lớn hoạt động di chuyển toàn cầu, tạo ra cú sốc chưa từng có cho thị trường năng lượng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết hồi tháng trước rằng họ dự kiến mức giảm nhu cầu dầu trong năm nay sẽ là lớn nhất trong lịch sử. Riêng trong quý II, nhu cầu thị trường giảm gần 18 triệu thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bản đánh giá mới nhất về thị trường dầu mỏ, cơ quan này cho biết họ có lý do để tin rằng nhu cầu dầu sẽ đạt được mức tăng ổn định hơn nữa trong những tháng tới. Cùng với đó, năm sau được dự báo là năm gia tăng nhu cầu dầu lớn nhất trong lịch sử.

Về lâu dài, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết họ hiện tin rằng nhu cầu dầu sẽ không đạt đỉnh trước năm 2030. Họ dự báo nhu cầu sẽ đạt đỉnh khi được thúc đẩy bởi các yếu tố tăng trưởng kinh tế vững chắc, nhân khẩu học ở thị trường mới nổi và giá dầu tương đối thấp.

"Chúng tôi tin rằng các quốc gia không thuộc OECD và ngành hóa dầu nói riêng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong thập kỷ tới", Goldman Sachs đánh giá.

Phiên An (theo CNBC)

Let's block ads! (Why?)