Mỹ đã tạo thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6, chủ yếu thuộc ngành giải trí và khách sạn.
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy số việc làm phi nông nghiệp được tạo ra trong tháng 6/2020 là 4,8 triệu - cao nhất kể từ năm 1939 và cao hơn dự báo trong khảo sát của Reuters. Trước đó, Mỹ tạo thêm gần 2,7 triệu việc làm trong tháng 5 và mất kỷ lục 20,7 triệu việc làm tháng 4.
Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo sẽ có 3 triệu việc làm được phục hồi trong tháng 6. Tuy nhiên, Bộ Lao động Mỹ cho biết, tổng số việc làm phi nông nghiệp hiện vẫn thấp hơn 14,7 triệu so với thời điểm tháng 2/2020. Các công việc được phục hồi chủ yếu dành cho những người tạm thời thất nghiệp.
Hoạt động tuyển dụng tháng trước được thúc đẩy bởi ngành giải trí và khách sạn, mang lại 2,1 triệu việc làm. Nhưng với mức lương thấp, sự trở lại của nhóm lao động này lại đẩy lương trung bình giảm 1,2%. Các công ty cũng đang cắt giảm lương và tiền làm ngoài giờ. Tuần làm việc trung bình của lao động giảm xuống còn 34,5 giờ so với 34,7 giờ trong tháng 5/2020.
Dù vậy, việc đo lường tỷ lệ thất nghiệp có thể không chính xác, do mọi người tự phân loại sai tình trạng việc làm của bản thân, khi họ được tuyển dụng nhưng vẫn không đi làm vào tháng trước. Đến tháng 6/2020, con số tỷ lệ thất nghiệp chính thức là11,1%, giảm từ 13,3% trong tháng 5.
Reuters cho biết, nếu không có sự phân loại sai, tỷ lệ thất nghiệp sẽ là 12,3%. So với hồi tháng 2/2020, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 7,6 điểm phần trăm. Số người mất việc vĩnh viễn tăng 588.000, lên mức 2,9 triệu.
Với các số liệu kỷ lục, Tổng thống Donald Trump ngay lập tức ca ngợi việc làm tăng lên là minh chứng nền kinh tế Mỹ đang phục hồi. Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell tuần này cho biết triển vọng kinh tế là "cực kỳ không chắc chắn" và sẽ phụ thuộc vào việc ngăn chặn dịch bệnh thành công đến mức nào.
Mỹ đang ghi nhận số ca dương tính tăng đột biến ở các vùng rộng lớn của đất nước, như Arizona và các bang đông dân như California, Florida và Texas. Tình hình buộc một số khu vực phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm dừng mở cửa trở lại.
"Có thể đó là sự yên bình trước cơn bão", Chris Rupkey - kinh tế trưởng tại MUFG ở New York nhận xét về tín hiệu tích cực của thị trường lao động tháng qua. "Chúng tôi không chắc chắn đà phục hồi sẽ còn tiếp tục với tốc độ đủ để giúp tất cả những người thất nghiệp có việc làm trở lại", ông nói.
Việc tuyển dụng tháng qua đã được thúc đẩy bởi Chương trình bảo vệ tiền lương của chính phủ. Chương trình này cung cấp cho các doanh nghiệp các khoản vay có thể miễn trả một phần nếu được dùng để trả lương lao động thay vì sa thải họ. Tuy nhiên, khoản tiền trợ cấp này đang cạn kiệt. Nhiều công ty, bao gồm những công ty ban đầu không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cách ly xã hội, cũng đang vật lộn với nhu cầu yếu, nên buộc phải sa thải người.
Điều này đã gây ra một làn sóng sa thải thứ hai, khiến số người đi nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn cao. Trong báo cáo hôm qua (2/7), Bộ Lao động Mỹ cho biết các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã giảm 55.000 đơn, xuống còn 1,427 triệu đơn trong tuần kết thúc vào ngày 27/6.
Đến giữa tháng 6/2020, có 31,5 triệu người nhận được trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 917.000 so với tuần đầu tháng. Với khoảng một phần năm lực lượng lao động đang thất nghiệp, các nhà kinh tế cho rằng chính phủ nên gia hạn thêm chương trình trợ cấp 600 USD mỗi tuần cho người thất nghiệp sau khi hết hạn vào ngày 31/7.
"Hành động thất bại sẽ làm giảm đáng kể cơ hội phục hồi nhanh", James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế tại ING kết luận.
Phiên An (theo Reuters)