Lao động châu Âu và Mỹ được hỗ trợ thế nào trong Covid-19

Trong đại dịch, Mỹ dựa vào trợ cấp thất nghiệp mở rộng, còn các chính phủ châu Âu lại trợ cấp tiền lương để tránh sa thải.

Ở đông nam Ireland, công ty tổ chức sự kiện của Brian Byrne đã đối mặt với thách thức từ giữa tháng ba, khi Covid-19 bùng phát và chính phủ cấm các cuộc tụ tập như lễ hội âm nhạc. Khi doanh thu không còn, anh đã cân nhắc sa thải 4 nhân viên.

Nhưng một chương trình của chính phủ đã nhanh chóng đẩy lùi viễn cảnh đó. Ireland trợ cấp 70-85% lương cho lao động của Byrne để anh không sa thải họ. "Tôi có thể duy trì đội ngũ và giữ động lực cho họ. Về cơ bản, chúng tôi đang làm mọi thứ để sẵn sàng hoạt động lại khi lệnh phong tỏa được nới lỏng", Byrne nói.

Brian Byrnem chủ một công ty tổ chức sự kiện ở đông nam Ireland. Ảnh: NYT

Brian Byrnem là chủ một công ty tổ chức sự kiện ở đông nam Ireland. Ảnh: NYT

Tại Tây Ban Nha, sự lây lan khủng khiếp của virus khiến chính phủ phải ra lệnh dừng các dịch vụ không thiết yếu từ giữa tháng 3. Điều đó đe dọa sinh kế của Ana Ascaso, một bà mẹ ba con làm phục vụ bàn tại một quán bar nổi tiếng ở trung tâm thành phố Zaragoza. Chồng cô đã nghỉ việc hơn một năm.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi công bố tình trạng báo động, chính phủ Tây Ban Nha phê duyệt một đạo luật về chương trình trợ cấp lương. Cô Ascaso và 8 nhân viên khác tại quán bar đã thất nghiệp trên lý thuyết, nhưng chính phủ giúp chủ quán tiếp tục trả 70% lương cho họ.

Ở bên kia Đại Tây Dương, đại dịch khiến Salvador Martinsuez mất việc tại công ty kinh doanh bất động sản ở New York. Tuy nhiên, anh đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp mà không phải chờ đợi 72 ngày. Anh vay mượn bạn bè và người thân để trả tiền thuê nhà và tìm thực phẩm trong thùng rác của một cửa hàng tạp hóa cao cấp.

"Tôi phải diễn tả thế nào đây?", Martinsuez (39 tuổi) cho biết, "Đây là thời điểm rất khó khăn. Nhưng không chỉ mình tôi. Rất nhiều người cũng đang như vậy".

Đại dịch đã tàn phá cả châu Âu lẫn nước Mỹ, nhưng cách hai nền kinh tế này trợ cấp cho lao động khá khác biệt. Mỹ dựa trên việc mở rộng đáng kể chương trình trợ cấp thất nghiệp với giả định rằng lao động sẽ có việc nhanh chóng khi dịch qua đi. Trong khi đó, các nước châu Âu như Đan Mạch, Ireland, Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Áo thì chọn ngăn chặn tình trạng thất nghiệp bằng cách trợ cấp tiền lương để công việc không bị gián đoạn.

Khi dịch bệnh vẫn gia tăng ở mức báo động ở hầu hết các bang tại Mỹ, nhiều người lao động nước này phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thất nghiệp. Họ phụ thuộc phần lớn vào hệ thống trợ cấp thất nghiệp, mà việc tiếp tục bơm tiền vào đây còn tùy vào quyết định của Washington. Còn châu Âu dường như sẵn sàng hồi sinh từ thảm họa nhanh hơn. Bất cứ khi nào thương mại hoạt động trở lại, các công ty tại đây không mất nhiều công tuyển lại người.

"Bạn chỉ cần gửi một email, rằng đã sẵn sàng đi làm", ông Jonathan Rothwell, kinh tế trưởng tại Gallup nói, "Không cần tuyển dụng hay đàm phán".

Một số người lập luận rằng hai phương pháp này khác nhau nhưng tương đương về chức năng. Cụ thể, lao động châu Âu nhận trợ cấp qua công ty họ làm việc, còn lao động Mỹ nhận qua hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. "Tôi nghĩ rằng đó là một câu hỏi mở thực sự", Jason Furman, cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết khi được hỏi cách tiếp cận nào tốt hơn về dài hạn, "Chúng có thể giống nhau hơn mọi người nghĩ".

Xếp hàng đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tại Frankfort, Kentucky, Mỹ hôm 18/6. Ảnh: Reuters

Người dân xếp hàng đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tại Kentucky, Mỹ hôm 18/6. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, phản ánh của những người nhận cứu trợ ở châu Âu và Mỹ cho thấy sự khác biệt đáng kể. Ở nhiều nước châu Âu, trợ cấp tiền lương cho phép lao động vẫn duy trì thu nhập mà không gặp trở ngại. Trong khi đó, người Mỹ thất nghiệp đối mặt với một mớ hỗn độn. Hàng chục triệu người nộp đơn làm quá tải hệ thống xử lý hồ sơ, sập các website và "cháy máy" tổng đài. Tại các văn phòng nhận hồ sơ, người dân đứng trong bãi đỗ xe hàng giờ để chờ đến lượt.

Những gì diễn ra ở Mỹ không phải là sự cố. Nó phản ảnh giá trị của chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ. Trong đó, mạng lưới an sinh xã hội là tối thiểu, khiến mọi người phải vật lộn với cứu trợ ít ỏi. Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel cho biết, đại dịch đã tiết lộ sự thật là nước Mỹ có vấn đề về hệ thống. "Một hệ thống có 50% dân số ở ngoài rìa xã hội không phải là một hệ thống vững chãi", ông nói.

Mỹ cũng có một chương trình bảo vệ tiền lương với những điểm tương đồng với các chương trình trợ cấp lương của châu Âu. Chương trình này có 520 tỷ USD cho vay thông qua các ngân hàng tư nhân, dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Nếu họ không sa thải lao động thì phần lớn khoản vay được miễn trả. Đến nay, 5 triệu doanh nghiệp Mỹ đã nhận tiền theo diện này. Tuy nhiên, các nguyên tắc rối rắm và trục trặc kỹ thuật đã hạn chế sự mở rộng số doanh nghiệp tiếp cận.

Washington cũng tăng trợ cấp thất nghiệp tiêu chuẩn lên 600 USD một tuần, thường mang lại cho người nhận nhiều hơn số tiền họ kiếm được trong công việc. Nhưng việc yêu cầu người lao động chuyển nhận tiền từ lương công ty sang hệ thống thất nghiệp đang khiến nhiều người mất rất nhiều thời gian.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng gần 8 điểm phần trăm kể từ tháng 2/2020, lên mức 11,1% vào tháng 6 vừa qua. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp, Đức, Ireland và Hà Lan đều tăng dưới một điểm phần trăm.

"Nói chung, mô hình xã hội châu Âu tỏ ra khá lão luyện và mạnh mẽ đối với loại khủng hoảng này", Jacob F. Kirkegaard, thành viên cao cấp tại Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, cho biết.

Trước mắt, cuộc sống của người lao động trong dịch ở châu Âu và Mỹ cũng có thể khác nhau, do cách tiếp cận trợ cấp của chính quyền. Quán bar nơi Ana Ascaso làm việc đã mở cửa trở lại vào cuối tháng trước. Cô đeo khẩu trang khi phục vụ đồ uống và tapas. "Đối với tôi, trợ cấp tiền lương là một món quà", cô nói.

Ana Ascaso đeo khẩu trang quay lại làm việc tại quán vào cuối tháng trước. Ảnh: NYT

Ana Ascaso đeo khẩu trang quay lại làm việc tại quán vào cuối tháng trước. Ảnh: NYT

Ở Ireland, Byrne đang hướng tới một kỷ nguyên mới, với các buổi biểu diễn âm nhạc và chương trình hài kịch quy mô nhỏ. Một trong những nhân viên của anh đang chuẩn bị mua nhà. "Nếu cô ấy thất nghiệp, cô ấy sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vay thế chấp", Byrne nói.

Còn tại New York, Salvador Martinsuez ban đầu nhận được 1.200 USD trợ cấp từ chính phủ liên bang khi thất nghiệp. Anh vay thêm từ những người khác để trả tiền thuê căn hộ một phòng ngủ với chi phí 2.800 USD một tháng.

Giờ đây, anh đang chờ được nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đợt đầu, gồm 170 USD từ bang và 600 USD từ liên bang. Với số tiền này, anh phải cân nhắc chi tiêu thật hiệu quả. Đó là trả nợ cho những người anh đã vay để đóng tiền thuê nhà.

Song, điểm chung ở cả hai cách tiếp cận này là chẳng ai đảm bảo được tương lai. Ở nhiều nước, gồm cả Mỹ, các chương trình hỗ trợ đại dịch sẽ hết hạn trong những tháng tới. Khi đại dịch có thể còn tiếp diễn, việc dừng cứu trợ đột ngột sẽ gây nguy hiểm.

Tại Anh, 9 triệu công nhân đã chính thức bị sa thải trong khi chương trình trợ cấp lương vẫn đang duy trì. Có đến một phần tư lao động có nguy cơ bị sa thải tiếp khi chương trình giảm mức trợ cấp vào tháng 9 tới, theo Bloomberg. Tại Mỹ, khoản trợ cấp thất nghiệp tăng thêm do đại dịch sẽ hết hạn cuối tháng này. Nhiều người lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu, tác động thêm đến doanh nghiệp và tạo ra đợt sa thải mới.

Đối với người Mỹ, rủi ro tăng cao do quốc gia thiếu hệ thống y tế quốc gia - loại phúc lợi xã hội mà châu Âu cung cấp tốt hơn. Điều đó có nghĩa hầu hết mọi người phải phụ thuộc vào việc làm để được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Phiên An (theo NYT)

Let's block ads! (Why?)