Đề xuất lập Ban chỉ đạo chống suy thoái kinh tế

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái để sớm khôi phục lại nền kinh tế, do Thủ tướng làm trưởng ban.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, dù Việt Nam vẫn nằm trong số ít quốc gia có tăng trưởng nhưng mức tăng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Song, GDP quý II chỉ đạt 0,36% cũng là điều đáng quan tâm. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư do bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian cho hoạt động kinh tế đóng góp cho tăng trưởng không nhiều. Nhiều hoạt động bị ngừng trệ, tháng 5 mới bắt đầu làm quen dần với tình trạng bình thường mới.

"Nếu diễn biến dịch bệnh trên thế giới không có tín hiệu tích cực, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các quý cuối năm là rất khó khăn", ông Dũng cho biết.

Đề xuất lập Ban chỉ đạo chống suy thoái kinh tế

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư dự báo 6 tháng cuối năm sẽ rất thách thức, sức ép lạm phát lớn, thị trường đầu ra cho công nghiệp chế biến, dệt may, da giày... nhiều khó khăn. "Lúc này chúng ta cần có hành động nhanh hơn, mạnh hơn để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh kinh tế trong từng ngành, lĩnh vực", ông nói.

Một trong những giải pháp được lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu là đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là trưởng ban, và thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị, để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.

Cùng đó, đẩy mạnh kích cầu, củng cố nền tảng thị trường nội địa thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước. Ông Dũng cũng đề nghị ngành giáo dục có kế hoạch khai giảng phù hợp để học sinh có thời gian nghỉ hè thoả đáng, gia đình có thêm thời gian du lịch, kích thích tăng trưởng ngành dịch vụ.

Nửa đầu năm 2020, sản xuất công nghiệp, chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ, đạt gần 5%. Ở nửa cuối năm, Bộ trưởng Dũng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần chủ động tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới và xử lý hàng tồn kho.

Ông cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt xử lý triệt để 12 dự án yếu kém của ngành công thương, nhanh chóng đưa các dự án có khả năng phục hồi vào vận hành, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Đầu tư công được nhìn nhận là giải pháp trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Ông Dũng cho rằng, phải xác định đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020, người đứng đầu các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng nếu đẩy chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm, khi đạt 33,1% so với cùng kỳ. Nhưng so với số vốn 700.000 tỷ đồng giải ngân năm nay thì mới đạt gần 29%. Ông yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng như địa phương kiến nghị giải pháp, chế tài để giải ngân hết số vốn này.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; trong đó 17 bộ, cơ quan Trung ương đạt dưới 10%, thậm chí còn 10 bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân dưới 5%.

Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng dự tính tháng 9 mới điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ Kế hoạch & Đầu tư là muộn.

"Cần điều chỉnh ngay từ tháng 7, nếu để tháng 9 mới điều chỉnh, thực hiện thủ tục giải ngân thì nhanh lắm đến cuối năm chỉ có thể tạm ứng theo hợp đồng. Mà tạm ứng thì không có GDP vì chưa có khối lượng. Nên phải đẩy nhanh tiến độ và điều chỉnh kế hoach vốn đầu tư để có thời gian triển khai theo quy định", ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)