‘Doanh nghiệp không thân hữu không tiếp cận được nguồn lực nhà nước’

Bà Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam chưa thể là nền kinh tế thị trường nếu doanh nghiệp tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử.

Nghiên cứu của Viện Faser Institure (Canada) cho thấy chỉ số tự do kinh tế tổng thể (đánh giá mức độ tự do thị trường) của Việt Nam đang ở mức trung bình khi ngang với Trung Quốc và thấp hơn một số nước ASEAN.

Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam ngày 29/7, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng mức độ tự do thị trường ở Việt Nam trên thực tế thấp hơn mức trung bình như số liệu Faser đưa ra.

Theo bà, các chỉ số thống kê của tổ chức thế giới thường dựa vào hệ thống luật pháp, chính sách, văn bản mới được ban hành để đánh giá mức độ thay đổi và cởi mở của môi trường kinh doanh. "Số lượng văn bản mới được ban hành nhiều nhưng khoảng cách từ miệng đến tay còn xa vời", bà Lan nói.

Bà chia sẻ, Nghị quyết 19 từ năm 2014 và gần đây chuyển thành Nghị quyết 02 được ban hành hằng năm đều nói về cải thiện môi trường kinh doanh với tinh thần ưu tiên hàng đầu là tháo gỡ rào cản môi trường kinh doanh. "Năm nào cũng đề cập tháo gỡ, đến giờ vẫn không xong", bà nói.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế thị trường Việt Nam còn nhiều vấn đề thể hiện rõ nhất qua khoảng cách và sự phân biệt đối xử với các loại hình doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên đặc biệt, sau đó là đầu tư nước ngoài và cuối cùng doanh nghiệp tư nhân, bà nói.

Một số doanh nghiệp tư nhân lớn làm được nhờ vào mối quan hệ thân hữu. "Không thì không có cách nào tiếp cận được với nguồn lực của nhà nước", bà Lan phát biểu.

Bên cạnh đó, theo bà, khu vực tư nhân chính thức chưa bao giờ đạt được 10% GDP thì chưa thể gọi là kinh tế thị trường thực sự.

Bà Phạm Chi Lan phát biểu tại sự kiện sáng 29/7. Ảnh: Đại học kinh tế quốc dân.

Bà Phạm Chi Lan phát biểu tại sự kiện sáng 29/7. Ảnh: Đại học kinh tế quốc dân.

Cùng quan điểm, ông Trần Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói rằng ở cấp độ kinh tế thị trường, vai trò nhà nước và vai trò thị trường không thể tách rời và đối nghịch mà phải bổ sung cho nhau. Nếu mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và hiệu lực chính phủ đều tốt thì đó mới có thể coi là là nền kinh tế thị trường tốt.

Tuy nhiên ông đánh giá cả hai chỉ số này của Việt Nam đều chưa tốt. "Kinh tế thị trường của chúng ta méo mó. Cả vai trò Nhà nước và vai trò thị trường đều rất kém", ông nói.

Để phát triển kinh tế thị trường, ông nói rằng Việt Nam cần cải cách sở hữu và cải cách vai trò của Nhà nước. Tư duy nhà nước điều hành phát triển kinh tế xã hội cần thay đổi, chỉ nên điều hành ở những lĩnh vực cần thiết. Bên cạnh đó khi chuyển sở hữu sang kinh tế thị trường, cần cải cách để có thiết chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp và người dân, ông nói.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu. Ảnh: Đại học kinh tế quốc dân.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu. Ảnh: Đại học kinh tế quốc dân.

Trên thực tế đây là câu chuyện không hề mới và được nhắc đi nhắc lại trong hàng chục năm qua. Ông Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR nói rằng, việc cải cách toàn bộ vướng mắc quá nhiều nên có thể tập trung vào việc cải cách sở hữu trí tuệ thay vì sở hữu nói chung.

Như việc thay đổi sở hữu trong lĩnh vực đất đai rất khó thực hiện nên ông đề nghị các giải pháp đơn giản hơn như đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực phi vật chất như nghệ thuật, giáo dục, công nghệ. Với sáng tạo, nếu không đảm bảo được sở hữu trí tuệ rõ ràng, không phát triển được kinh tế, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Đáng (Học viện chính trị quốc gia TP HCM) cho biết việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam gặp các rào cản về truyền thống, ý chí của công quyền. Bên cạnh đó, kinh tế tự do tuyệt đối như ở Mỹ cũng thể hiện nhiều mặt trái về bất bình đẳng xã hội hay các chi phí lĩnh vực y tế trở nên đắt đỏ với nhiều người dân.

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng khủng hoảng 2008 hay Covid-19 là minh chứng cho thấy mô hình tự do tuyệt đối kiểu Mỹ cũng không phải là mô hình thành công.

Rất nhiều lãnh đạo trên thế giới phê phán sự tự do quá đáng trong một nền kinh tế. Vì vậy, Việt Nam không thể trông chờ vào một mô hình chuẩn mực nào mà cần một mô hình kết hợp của hai bàn tay là thị trường và nhà nước, ông Phong nói. Ở đó, mô hình thành công phải chú ý đến tính đồng bộ về mặt chính sách, hài hoà các lợi ích kinh tế, chính trị, mội trường và lợi ích quốc gia là ưu tiên hàng đầu.

Quỳnh Trang

Let's block ads! (Why?)