Chủ đầu tư lắp điện mặt trời trang trại lo mất hàng tỷ đồng

Nhiều chủ đầu tư lắp điện mặt trời ở trang trại nhưng vì chính sách mà vẫn chưa thể ký hợp đồng, thanh toán với EVN.

Ông Sơn đầu tư một trang trại nông nghiệp hữu cơ ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trên 20 ha. Ngoài các hạng mục đầu tư chăn nuôi, chủ trang trại này cũng rót hơn chục tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất gần 1MW, đấu nối cấp điện áp 22 kV phục vụ sản xuất và bán điện lên lưới điện quốc gia.

Hệ thống các tấm pin quang điện đã được lắp đặt trực tiếp trên khung đỡ làm mái che cho khu vực đường giao thông nội bộ và trên khung công trình có lớp lưới che phủ khu vực canh tác. Sau khi lắp đặt, ông Sơn làm việc với Công ty Điện lực Ninh Thuận, lắp đặt công tơ 2 chiều ghi nhận sản lượng phát lên lưới. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán giữa ngành điện và chủ trang trại chưa thể thực hiện.

Để xác định được giá mua điện theo Quyết định 13/2020, các hệ thống điện mặt trời trang trại cần được phân định là hệ thống nối lưới hay mái nhà vì giá mua 2 loại này khác nhau. Với điện mặt trời mái nhà, giá hiện là 8,38 cent một kWh (tương đương 1.943 đồng một kWh), còn điện mặt trời mặt đất 7,09 cent, khoảng 1.644 đồng một kWh.

Tuy nhiên, đến nay, cả EVN lẫn nhà đầu tư đều bối rối vì vẫn thiếu tiêu chí hướng dẫn cụ thể của Bộ Công Thương, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo để phân định.

Tương tự, một doanh nghiệp khác ở Ninh Thuận cũng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên toàn bộ nhà văn phòng, xưởng sản xuất, chuồng nuôi gia súc. Do là mô hình sản xuất nông nghiệp, ông Tiến – chủ trang trại tại huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) sử dụng nhà lưới hở và lắp đặt một phần hệ thống tấm pin mặt trời trên khung nhà lưới.

Theo ông, trong ngành nông nghiệp, nhà lưới hở là nhà được tạo bởi khung nhà thép kết hợp với lưới, toàn bộ lưới mái và vách di chuyển tùy theo mùa trong năm với mục đích che nắng, mưa, chắn gió... "Việc không sử dụng tấm lợp là để phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp bên dưới, giảm sử dụng nước, giảm bớt ánh nắng cho phù hợp với cây trồng, vật nuôi bên dưới mái", ông giải thích.

Cũng vì lý do này nên đến giờ, hệ thống điện mặt trời đã được lắp đặt nhưng chủ trang trại chưa thể ký hợp đồng mua bán với ngành điện.

Việc chưa được xác định là công trình điện mặt trời mái nhà hay nối lưới, theo ông, đã gây thiệt hại không nhỏ. Chủ trang trại này lo lắng thiệt hại hàng tỷ đồng nếu chậm được ký hợp đồng mua bán, thanh toán tiền điện với ngành điện, bởi "phần nhiều trong số tiền đã bỏ ra đầu tư phải đi vay ngân hàng".

Đại diện Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết, đơn vị này đã lắp đặt công tơ 2 chiều để ghi nhận sản lượng điện từ các trang trại nêu trên, nhưng chưa thể ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống này.

Còn đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do bối rối, EVN đã đề nghị Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) hướng dẫn xử lý vướng mắc.

Thông tư 18/2020 mới ban hành của Bộ Công Thương về phát triển dự án, hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện mặt trời cũng chưa có hướng dẫn cụ thể với loại hình điện mặt trời hỗn hợp này.

Đại diện EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương giao Sở Công Thương các địa phương kiểm tra, xác định tính phù hợp tiêu chí để các đơn vị điện lực ký hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)