Thần dược của thổ dân Andes

Ẩn sâu trong rừng dưới chân dãy Andes có những cây canh-ki-na từng là thần dược trị sốt rét, nay lại được quảng cáo có thể chữa khỏi Covid-19.

Trải ra như một tấm thảm xanh khổng lồ nơi dãy Andes giao với lòng chảo Amazon tại tây nam Peru, vườn quốc gia Manú là một trong những nơi có hệ sinh thái đa dạng nhất hành tinh. Cây cối mọc khắp khu bảo tồn thiên nhiên của UNESCO rộng khoảng 1,5 triệu hecta ẩn trong sương mờ, dưới những đám dây leo và phần lớn không chịu bất kỳ tác động nào từ con người. Trong đó còn sót lại những cây cinchona (tên tiếng Việt là canh-ki-na), một loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Thân cây mảnh dẻ cao khoảng 15 m, dễ lẫn trong đám cây rậm rạp.

"Đó có thể không phải là một loài phổ biến. Nhưng chiết xuất từ loài cây này đã cứu sống hàng triệu sinh mạng trong lịch sử loài người", Nataly Canales, người lớn lên ở vùng Amazon Madre de Dios của Peru, cho hay. Hiện Canales là nhà sinh học tại Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch, đang lần theo bản đồ gene của canh-ki-na. 

Cây canh-ki-na là quốc thụ của Peru và Ecuador. Ảnh: Talking Trees.

Cây canh-ki-na là quốc thụ của Peru và Ecuador. Ảnh: Talking Trees.

Hàng thế kỷ qua, bệnh sốt rét đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người trên thế giới. Nó tàn phá đế quốc La Mã; giết chết 150 đến 300 triệu người trong thế kỷ 20, theo WHO và gần nửa dân số thế giới vẫn sống trong những khu vực căn bệnh truyền nhiễm này tồn tại. Thời Trung Cổ, phần lớn các phương pháp chữa bệnh sốt rét "mal aria" (nghĩa là khí xấu trong tiếng Italy) đều gây đau đớn, từ rút máu đến cắt cụt chi, đục một lỗ trên hộp sọ. Ít ai biết rằng phương thuốc đầu tiên của bệnh sốt rét được tìm thấy tại sâu trong rừng, dưới chân dãy Andes.

Trong khi cả thế giới từng chào đón phát hiện về quinine từ hàng trăm năm trước với cả niềm vui lẫn nỗi ngờ vực, thì vài tuần gần đây, những dẫn xuất của canh-ki-na lại trở thành vấn đề gây tranh cãi kịch liệt. Những phiên bản tổng hợp của quinine - như chloroquine and hydroxychloroquine lại được chào bán với cái mác là , đặc biệt một số người còn quảng cáo trà canh-ki-na phòng Covid-19 tại Brazil.

Theo truyền thuyết, quinine được phát hiện là thuốc chữa sốt rét vào năm 1631 khi nữ bá tước Cinchona, một nữ quý tộc Tây Ban Nha kết hôn người cai trị thuộc địa Peru, bị sốt cao và toàn thân ớn lạnh - triệu chứng điển hình của bệnh sốt rét. Muốn chữa bệnh cho vợ, ông cho bà uống một thức uống do các linh mục Dòng Tên pha chế từ vỏ cây mọc dưới chân dãy Andes, trộn với siro cây đinh hương, siro hoa hồng và các loại thảo mộc khô khác.

Bá tước sớm hồi phục và loài cây chữa khỏi bệnh cho bà được đặt theo tên bà. Dù truyền thuyết này còn nhiều điều gây tranh cãi, thực tế quinine có thể giết chết ký sinh trùng gây bệnh sốt rét - nhưng các linh mục Tây Ban Nha không phải những người đầu tiên phát hiện ra nó.

"Quinine vốn không xa lạ với thổ dân Quechua, Cañari và Chimú của Peru, Bolivia và Ecuador ngày nay. Họ chính là những người giới thiệu vỏ cây canh-ki-na sẫm màu như quế cho các linh mục - những người nghiền chúng thành một loại bộ đặc và đắng để dễ tiêu hóa. Cái tên dân dã của nó là Jesuits Powder (tạm dịch là bột Dòng Tên). Từ đó, người dân khắp châu Âu bắt đầu viết về một thần dược trị sốt rét được phát hiện trong rừng rậm của Tân Thế Giới.

Đến những năm 1640, các tu sĩ Dòng Tên đã thiết lập một con đường vận chuyển vỏ vây canh-ki-na khắp châu Âu. Để đáp ứng cơn sốt canh-ki-na, người châu Âu thuê người bản địa tìm thần dược trong rừng rậm, cạo lấy vỏ bằng dao rựa và đem ra tàu chở hàng đợi tại vô số hải cảng khắp Peru. Khi thị trường ngày càng nóng, người Tây Ban Nha còn tuyên bố vùng Andes là "nhà thuốc của thế giới", và canh-ki-na sớm trở thành thảo dược quý.

Giá trị của canh-ki-na tăng vọt trong thế kỷ 19, khi sốt rét trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với binh sĩ châu Âu đóng quân khắp các thuộc địa hải ngoại. "Những thuốc men như quinine giúp quân đội sống sót ở các vùng thuộc địa nhiệt đới và thắng trận", Tiến sĩ Rohan Deb Roy, tác giả cuốn sách về sốt rét Malarial Subjects, nhận định.

Tiến sĩ Deb Roy đánh giá, vào thời đó, việc sở hữu nguồn cung cấp quinine dồi dào dần trở thành lợi thế chiến lược trong cuộc đua giành quyền thống trị toàn cầu, và vỏ cây canh-ki-na trở thành một trong những mặt hàng nóng nhất thế giới. Ông lý giải, từ người Hà Lan ở Indonesia, người Anh ở Ấn Độ, Jamaica và khắp Đông Nam Á, Tây Phi... đều dùng canh-ki-na.

Thực tế, từ năm 1848 cho đến 1861, chính phủ Anh đã chi khoảng 6,4 triệu bảng mỗi năm để nhập khẩu vỏ cây canh-ki-na dự trữ cho quân đội ở thuộc địa. Đó là lý do các nhà sử học thường ví quinine như một trong những "công cụ của chủ nghĩa đế quốc" - tạo nên sức mạnh của đế quốc Anh.

Vỏ cây canh-ki-na từng là mặt hàng nóng nhất thế giới. Ảnh: The Conversation UK.

Vỏ cây canh- ki-na từng là mặt hàng nóng nhất thế giới. Ảnh: The Conversation UK.

Cũng như các nước ngày nay chạy đua để tìm ra vaccine Covid-19 để giành lợi thế, các đế quốc thời đó cũng ráo riết tích trữ quinine, Patricia Schlagenhauf, Giáo sư y tế du lịch tại Đại học Zurich chuyên về bệnh sốt rét, giải thích.

Không chỉ vỏ cây mà hạt của canh-ki-na cũng có giá trị, và được săn tìm. Tiến sĩ Deb Roy cho hay, cả Anh và Hà Lan đều muốn tự trồng canh-ki-na ở các thuộc địa của mình để không cần phụ thuộc vào Nam Mỹ. Nhưng lựa chọn đúng hạt giống cũng không dễ dàng, bởi có đến 23 giống canh-ki-na, mỗi loại chứa hàm lượng quinine khác nhau. Phải nhờ đến người địa phương với kiến thức về thực vật bản địa, người châu Âu mới có thể lấy hạt giống của những loại canh-ki-na giàu quinine đem xuất khẩu.

Đến giữa những năm 1850, Anh thiết lập thành công những đồn điền "cây chữa sốt" đầu tiên tại miền nam Ấn Độ, nơi dịch sốt rét hoành hành. Không lâu sau, chính quyền Anh bắt đầu phân phối quinine sản xuất tại địa phương cho binh lính và công chức.

Ảnh: W.H. Hodge/Britannica.

Hoa và lá của cây canh-ki-na. Ảnh: W.H. Hodge/Britannica.

Quinine cuối cùng bị "thất sủng" vào những năm 1970 khi artemisinin, một loại thuốc chữa sốt rét có nguồn gốc từ cây ngải. Tuy nhiên, những di sản của quinine còn tồn tại khắp thế giới. Một trong số đó là vùng Bandung, nơi được mệnh danh là "Paris của Java" (Indonesia). Người Hà Lan đã biến miền biển êm đềm một thời này thành thương cảng quinine lớn nhất thế giới, tràn ngập các tòa nhà, sàn khiêu vũ và khách sạn.

Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ, Hong Kong, Sierra Leone, Kenya và ven biển Sri Lanka; và tiếng Pháp phổ biến ở Morocco, Tunisia và Algeria ngày nay một phần vì quinine. Và trong tiếng Tây Ban Nha, vẫn còn một cách nói "ser ser más malo que la quina" - tạm dịch là, còn tệ hơn quinine, để nhắc tới vị đắng của vỏ cây canh-ki-na.

Vào thời kỳ đỉnh cao của cuộc săn tìm quinine vào những năm 1850, Peru và Bolivia là thị trường độc quyền xuất khẩu vỏ cây canh-ki-na, đến mức mặt hàng này chiếm 15% tổng thu nhập chịu thuế của Bolivia.

Tuy nhiên, những đồn điền canh-ki-na quý giá một thời cũng để lại vết sẹo cho chính môi trường sống bản địa của nó. Năm 1805, ước tính có 25.000 cây canh-ki-na ở vùng Andes của Ecuador, nơi hiện thuộc về vườn quốc gia Podocarpus - nay chỉ còn 29 cây.

Canales giải thích rằng, việc loại bỏ những giống giàu quinine khỏi vùng Andes đã thay đổi cấu trúc di truyền của cây canh-ki-na, giảm khả năng tiến hóa và thay đổi của chúng. Một phần trong công việc của Canales, hợp tác với Vườn thực vật Hoàng gia Kew ở vùng ngoại ô London (Anh), là xem xét các mẫu vỏ cây canh-ki-na cổ được bảo quản trong các bảo tàng để nghiên cứu tác động của hành vi của con người với loài này. 

Gần đây, WHO đã cho dừng các nghiên cứu về hydroxychloroquine, hóa chất tổng hợp nhân tạo từ quinine, như một loại thuốc có khả năng chữa nCoV vì mối quan ngại về an toàn. Dù thuốc được phát triển trong phòng thí nghiệm chứ không được chiết xuất từ cây trong rừng, Canales nói rằng việc bảo tồn canh-ki-na và môi trường sống của loài này, vẫn vô cùng quan trọng cho những phát hiện mới của ngành y tế trong tương lai.

An An (Theo BBC)

Những nơi du khách có thể nhìn ngắm cây canh-ki-na

Vườn quốc gia Manú, Peru: Thiên đường đa dạng sinh học, với hơn 5.000 loài thực vật sinh sôi.

Vườn quốc gia Cutervo, Peru: Vùng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Peru này có 88 loài hoa lan, và là khu rừng mây duy nhất còn lại của những cao nguyên Peru.

Vườn thực vật Semilla Bendia, Peru: Khu vườn này do các nhà môi trường học địa phương quản lý, là nhà của hơn 1.300 loài bản địa, gồm cả lan và canh-ki-na.

Vườn quốc gia Podocarpus, Ecuador: Một trong những nơi cuối cùng còn quốc thụ của Ecuador. Khi đi bộ xuyên những cung đường mòn mờ sương, bạn có thể bắt gặp gấu, một trong những loài động vật thiêng của vùng Andes.

Xem thêm

Let's block ads! (Why?)