Cheng - một doanh nhân Hong Kong - đã chuyển 10 triệu USD sang Singapore, còn Dennis - lãnh đạo một hãng tư vấn thì tìm mua nhà tại Anh.
Hong Kong - trung tâm tài chính châu Á đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997. Dù đến nay, Hong Kong vẫn chưa xảy ra làn sóng rút vốn, giới giàu tại đây cũng đang hối hả phòng trừ rủi ro. Họ giảm hiện diện tại Hong Kong, hoặc tìm cách để có thể rút tài sản ra bất kỳ lúc nào.
Cheng là một ví dụ. Doanh nhân tại Hong Kong này đã chuyển 10 triệu USD sang Singapore và đang bán nhà ở đây. Anh chưa có kế hoạch di cư, vẫn giữ quyền thường trú nhân tại đây, nhưng đang cân nhắc các lựa chọn khác. Anh và cả gia đình có hộ chiếu Mỹ, Canada, Australia và Pháp nữa. Cheng lo lắng về việc Trung Quốc siết kiểm soát Hong Kong và khả năng bất ổn ngày càng tăng.
Việc này đang đặt thêm thách thức cho lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam. Bà đang phải cố duy trì vị thế cho thành phố này là thỏi nam châm hút của cải châu Á. Nhà giàu vẫn đang là người chơi lớn trên thị trường chứng khoán và bất động sản Hong Kong. Họ cũng là nhà đầu tư chủ chốt với trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc phát hành tại đây.
Các ngân hàng bán lẻ cho biết khách hàng của họ đang đẩy nhanh kế hoạch khẩn cấp, sau khi Trung Quốc tháng trước thông báo sẽ áp luật an ninh quốc gia lên Hong Kong. Luật này được cho là sẽ đe dọa quyền tự chủ của Hong Kong, khiến Mỹ áp lệnh trừng phạt lên thành phố này và nhen nhóm lại làn sóng biểu tình, vốn khiến ngành du lịch và bán lẻ lao đao trước khi đại dịch xuất hiện.
"Con tàu đang dần dần trượt khỏi đường ray", Richard Harris - Giám đốc Port Shelter Investment Management nhận xét, "Những người vẫn chưa có động thái nào có thể bị thôi thúc với suy nghĩ: ‘Chắc là mình nên chuyển tài sản đi thôi’. Quá trình này có thể còn tiếp diễn".
Dù vậy, có rất ít bằng chứng cho thấy quy mô lớn đang diễn ra tại đây. Số tiền gửi tại các ngân hàng ở Hong Kong thậm chí lên kỷ lục hồi tháng 4. Đôla Hong Kong vẫn ở mức cao, cho thấy dòng vốn chảy vào ổn định.
Chính quyền Hong Kong cũng khẳng định luật này sẽ giúp Hong Kong trở thành một thành phố "an toàn và ổn định hơn", đồng thời không ảnh hưởng đến quyền tự chủ và tự do của công dân, nhà đầu tư nước ngoài tại đây. Các tỷ phú Hong Kong cũng công khai và tin tưởng vào tương lai thành phố này.
Tuy nhiên, nhiều doanh nhân và người thu nhập cao lại không lạc quan như vậy. Sam - một nhân viên ngân hàng đầu tư cấp cao tại Hong Kong - đã quyết định sẽ rời đi. Ông sẽ di cư đến Australia cùng vợ và hai con trai trong 3 tháng nữa.
Đây là lần thứ hai ông rời Hong Kong vì bất ổn chính trị. Sam lớn lên tại thành phố này, nhưng chuyển đến Brisbane năm 12 tuổi. Ông quay về Hong 20 năm trước để phát triển sự nghiệp, nhưng giờ lại phải rời đi. "Mọi thứ có vẻ ngày càng tệ", ông nói, "Chúng tôi sẽ tới Australia để lũ trẻ có môi trường lớn lên tốt hơn".
Margaret Chau - Giám đốc chương trình di cư tại hãng tư vấn Goldmax Immigration Consulting cho biết số khách tiếp cận công ty cô để xin tư vấn đã tăng gấp 5 sau thông tin về luật an ninh. Hiện tại, hầu hết khách hàng giàu có của cô quan tâm đến việc gây dựng kế hoạch rời đi hơn là cứ thế đi ngay. "Họ coi đây là kế hoạch dự phòng", Chau nói.
Kerry Goh - Giám đốc Kamet Capital thì cho biết khách hàng của ông đã chuyển từ hỏi những câu chung chung về chuyển khỏi Hong Kong sang hỏi chi tiết về mọi thứ, từ trường học, visa đến tài khoản ngân hàng. "Những gì đang diễn ra tại Hong Kong thực sự đang đẩy nhanh quá trình đến năm 2047", Goh nói, nhắc đến thời hạn Hong Kong được hưởng quyền tự trị cao theo cam kết Trung Quốc đưa ra khi tiếp nhận thành phố này từ Anh năm 1997.
Dennis - một lãnh đạo 34 tuổi tại một hãng tư vấn Hong Kong nói rằng gia đình và nhiều bạn bè của anh đã bắt đầu chuyển tiền khỏi đây. Anh cũng đang tìm mua thêm bất động sản tại Anh - nơi anh theo học gần một thập kỷ, do giá tại Hong Kong hiện quá cao.
"Tôi có thể mua một căn hộ lớn hơn nhiều ở London. Thế nên sao lại không mua nhỉ?", anh nói, "Tôi chỉ đang cố bảo vệ tiền của mình khỏi bất ổn thôi".
Hà Thu (theo Bloomberg)