Sau nửa năm trở về Việt Nam, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung và ông Trần Phương Bình trở thành Giám đốc Chuyển đổi số hoá và trúng cử Hội đồng quản trị PNJ.
Chia sẻ với VnExpress sau khi trúng cử vào Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng đây đơn thuần là nhận thêm một công việc và sẵn sàng đối diện nhiều áp lực, thử thách mới.
Cảm xúc của bà thế nào khi trở thành người trẻ nhất trong Hội đồng quản trị hiện tại của PNJ?
Tôi từng có vài cơ hội làm quan sát viên, đóng vai trò tư vấn trong một số phiên họp nên phần nào hiểu cách làm việc của Hội đồng quản trị. Mọi người rất hoà hợp, không phân biệt thế hệ 5x, 6x, 7x hay 8x như tôi. Nhờ đó, tôi cũng không áp lực vấn đề tuổi tác khi trúng cử mà chỉ lo rằng kinh nghiệm và hiểu biết về đặc thù ngành kinh doanh trang sức, thời trang cao cấp chưa bằng mọi người.
PNJ sở hữu lợi thế về quy mô, tiềm lực tài chính mạnh và thị phần đa số nhưng cũng vì thế sẽ có quán tính lớn làm chậm mọi sự chuyển đổi. Tôi nghĩ mình có thể mang đến tư duy mới, cách làm mới và tác phong gần giống với startup nhất để bù đắp khuyết điểm này, tạo ra sự linh hoạt cho bộ máy vận hành.
Bà nghĩ gì khi được nhà đầu tư quan tâm hơn các thành viên mới trúng cử vào Hội đồng quản trị vì là con gái của Chủ tịch?
Mọi người quan tâm cũng hợp lý thôi!
Cá nhân tôi học và làm việc ở nước ngoài nhiều năm nên luôn đề cao sự chuyên nghiệp. Tôi chỉ nghĩ mình vừa nhận thêm một công việc mới, thậm chí có phần áp lực vì nằm trong ban lãnh đạo một công ty đại chúng, giá trị vốn hoá lớn và được thị trường quan tâm nên phải quản trị theo những chuẩn mực nhất định.
Điều gì khiến bà quyết định trở về Việt Nam và gia nhập PNJ?
Thú thực với bạn, các cuộc trao đổi trong gia đình về việc tôi về Việt Nam vào thời điểm nào, làm ở đâu diễn ra từ ba năm trước.
Năm 2017, tôi chỉ lắc đầu và cười vì chưa cảm thấy có sự tương thích tốt nhất của hai bên. Hoạt động và môi trường kinh doanh của PNJ chưa đủ cuốn hút tôi và ngược lại, tôi cũng chưa nghĩ mình có thể đóng góp đáng kể gì cho việc điều hành. Sau đó một năm, tôi nói sẽ suy nghĩ. Đến giữa 2019, khi cân nhắc rất nhiều yếu tố, tôi mới chính thức trả lời với gia đình "con sẽ về Việt Nam".
Đây là quyết định quan trọng với sự nghiệp cá nhân nên tôi tính toán kỹ, nhưng khi đã chốt thì rất nhanh chóng sắp xếp cuộc sống cá nhân để trở về. Một phần quyết định này đến từ việc tôi đánh giá cơ hội bản thân có thể tạo ra tác động ở Việt Nam sẽ lớn hơn ở nước ngoài.
Trong giai đoạn cuối tại Hội sở ANZ ở Melbourne (Úc), tôi đầu tư thời gian gian tìm hiểu về chuyển đổi số. Đó là một làn sóng lớn, ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp. Việt Nam là thị trường phát triển sau nhưng quyết tâm lẫn tốc độ chuyển đổi lại rất nhanh. Tôi cho rằng PNJ với quy mô lớn, độ linh hoạt động tương đối và nhân sự trẻ nên cực kỳ thích hợp với quá trình này.
Bà có ngại nếu ai đó nghĩ rằng việc thăng tiến nhanh tại PNJ là một bước trong tiến trình "mẹ truyền con nối"?
Nếu là mẹ truyền con nối thì đáng lẽ việc tôi về PNJ phải xảy ra từ ba năm trước.
Tôi gia nhập PNJ từ tháng 11/2019 với vị trí đầu tiên là Trợ lý Tổng giám đốc cho , sau đó chuyên trách tham mưu, thực hiện và quản lý việc thực thi quá trình chuyển đổi số. Tôi vào công ty vì cho rằng đây thời điểm thích hợp, hơn nữa cũng là môi trường thích hợp cho mình thực hiện những ước mơ lớn hơn.
Bà đã chuẩn bị cho vị trí Giám đốc Chuyển đổi số hoá và từ hôm nay là Thành viên Hội đồng quản trị PNJ như thế nào?
Cả hai vị trí đều là bước tiến đáng kể trong sự nghiệp và tôi nghĩ mình có sự chuẩn bị nhất định rồi.
Tôi được đào tạo bài bản về tư duy phân tích, làm việc có hệ thống và được đánh giá có tầm nhìn xa rộng. Nhưng tính tôi cũng rất thực dụng, làm gì cũng muốn ra kết quả nhanh và cụ thể. Có lẽ anh Thông thấy khả năng kết hợp hai yếu tố "bài bản" và "thực tế" nên mới giao điều điều phối quá trình chuyển đổi số hoá cho tôi.
Việc này là một quá trình dài hạn, nhưng tôi luôn yêu cầu các bạn trong nhóm mổ xẻ để nhanh chóng giải quyết các vấn đề sát sườn, hỗ trợ trực diện cho hoạt động kinh doanh và tạo hiệu ứng ngay lập tức.
Nhận công việc nào tôi cũng làm hết mình nên áp lực là đương nhiên, bởi thế rất khó so sánh khối lượng, áp lực giữa tổ chức này với tổ chức kia. Tuy nhiên, tôi học được cách cách cân bằng và quản lý quỹ thời gian để mình lúc nào cũng giữ được tâm thế thong dong nhất.
Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, là con gái lớn của Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung và ông Trần Phương Bình. Bà Thảo tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quản lý kinh tế tại Đại học Oxford (Anh), sau đó nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của London Business School và bằng tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Harvard (Mỹ).
Thảo từng có hai năm làm giảng viên tại Đại học Kinh tế TP HCM, sau đó đảm nhiệm chức quản lý tại Ngân hàng Đông Á và ANZ Banking Group (Úc). Theo hiện là Giám đốc Chuyển đổi số hoá và nắm giữ 5,74 triệu cổ phiếu tại PNJ.
Phương Đông