Covid-19 khiến các doanh nghiệp nội khó khăn, dễ tổn thương hơn, tạo mảnh đất màu mỡ cho nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ gia tăng thâu tóm.
Thay vì mất nhiều thời gian và thủ tục đăng ký mới vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vài năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư ngoại "chuộng" cách đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp. Cách này giúp thâm nhập thị trường nhanh và dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, số liệu 4 tháng đầu năm nay ghi nhận những bất thường khi các vụ mua bán sáp nhập theo hình thức này gia tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước cạn kiệt dòng tiền và "bị tổn thương" vì đại dịch.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, số dự án FDI đăng ký mới giảm gần 10% so với cùng kỳ nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đẩy mạnh các thương vụ mua cổ phần, góp vốn. Tính đến 20/4, các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện hơn 3.210 lượt mua cổ phần, góp vốn, tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 3,3 lần so với số lượt đăng ký vốn FDI mới.
Trong đó, có tới hơn 2.600 thương vụ mua lại cổ phần mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,6 tỷ USD và hơn 580 giao dịch góp vốn làm tăng vốn 0,9 tỷ USD.
Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là ba nước tăng tới 40% số vụ mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp Việt. Về giá trị các thương vụ, Nhật Bản đứng đầu với 743 triệu USD, tiếp theo là Hàn Quốc (356 triệu USD), Singapore (333 triệu USD) và Trung Quốc là 230 triệu USD.
Trong đó, các doanh nghiệp tại TP HCM thu hút tới hơn một nửa các giao dịch mua bán. Theo số liệu của Cục thống kê TP HCM, đầu tư theo phương thức góp vốn, mua cổ phần chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư đăng ký của TP HCM và chiếm 42% tổng giá trị vốn góp của cả nước.
Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài "để mắt" nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 822 thương vụ có giá trị hơn 1 tỷ USD, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với hơn 1.000 thương vụ với giá trị hơn 500 triệu USD...
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp. Ông cho rằng hiện tượng mua bán, sáp nhập thời gian tới còn diễn ra mạnh mẽ hơn dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.
Trước vấn đề này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã có kiến nghị gửi lên Thủ tướng. Theo đó, một số công ty, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét mua lại doanh nghiệp trong ngành bất động sản, bán lẻ... trong bối cảnh doanh nghiệp nội gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản. Nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nội, Chủ tịch VCCI đề xuất phương án tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập trong giai đoạn dịch bệnh.
Chia sẻ với VnExpress, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết Cục đã cảnh báo cách đây hai tháng tình trạng này và báo cáo lên Chính phủ tham khảo các giải pháp mà nước ngoài đang áp dụng để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ nên hạn chế việc thâu tóm doanh nghiệp chủ chốt còn vẫn để hoạt động mua cổ phần, góp vốn vào các công ty bình thường một cách tự nhiên.
Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội cổ phiếu lao dốc, thị trường bất ổn để thâu tóm các doanh nghiệp chủ chốt với giá rẻ.
Đại dịch là cơ hội khiến các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng nhắm tới các doanh nghiệp đang "bị tổn thương" hơn bao giờ hết, vì thế chính phủ nhiều nước châu Âu như Italy, Đức, Tây Ban Nha và Ấn Độ... đang đẩy mạnh kiểm soát đầu tư nước ngoài, thậm chí cân nhắc mua cổ phần của các công ty chiến lược trong bối cảnh đại dịch tàn phá kinh tế.
Quỳnh Trang