Ngành du lịch kích cầu trở lại

Các doanh nghiệp mong muốn sớm phục hồi du lịch nội địa bằng nhiều chương trình kích cầu giá thấp.

Ngày 16/5 tại Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc, đánh dấu hoạt động trở lại của các đơn vị lữ hành sau Covid-19. Hơn 150 doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham gia chương trình kích cầu lần này, trong đó có hàng không, khu nghỉ dưỡng...

Chương trình kích cầu du lịch nội địa chính thức khởi động lại trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: Nguyễn Nam.

Chương trình kích cầu du lịch nội địa chính thức khởi động lại trên phạm vi toàn quốc vào 16/5. Ảnh: Nguyễn Nam.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, đây là sự kiện đánh dấu sự trở lại hoạt động của thị trường du lịch sau thời gian "đóng băng". Đồng thời hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" do Bộ VHTTDL phát động. Để chuẩn bị cho chương trình kích cầu, đoàn khảo sát của Hiệp hội du lịch Việt Nam và doanh nghiệp, báo chí đã đến các địa phương Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang (Rạch Giá, Phú Quốc). Tại Phú Quốc vào ngày cuối của hành trình, các doanh nghiệp cùng hiệp hội sẽ chốt các con số cụ thể về giảm giá tour.

Chương trình kích cầu được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ ngày 15/5 đến 15/7 nhằm "chuyển từ trạng thái đang đứng yên của các doanh nghiệp sang hoạt động bình thường". Giai đoạn sau đến hết năm 2020 là "thời gia tăng tốc để phát triển ngành du lịch". 

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Bình Định, cho biết giai đoạn một là mùa du lịch hè. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch nên trở thành mùa thấp điểm vì học sinh vẫn tiếp tục đi học. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn tập trung kích cầu sâu cho giai đoạn này để kích thích người dân và doanh nghiệp hưởng lợi khi hoạt động du lịch.

Ở giai đoạn sau, khi tình hình du lịch đã bắt đầu trở lại với nhịp điệu bình thường. Cuộc sống sinh hoạt, công việc của người dân đã đi vào ổn định, nhiều công ty sẽ thực hiện kế hoạch du lịch trong năm. "Kết hợp nhiều yếu tố tốt hơn nên hoạt động du lịch sẽ sôi động hơn. Tuy nhiên, gói kích cầu sẽ không giảm sâu mà điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường", bà Lan nói.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mùa du lịch hè sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với mọi năm. Ảnh: Nguyễn Nam.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mùa du lịch hè dự báo không đông đúc như mọi năm. Ảnh: Nguyễn Nam.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu cam kết sẽ đảm bảo chất lượng tour dù giá giảm sâu. "Với sự phát triển của công nghệ, khách hàng có thể đi du lịch tự túc thông qua việc tự đặt dịch vụ thông qua các kênh OTAs (kênh thương mại điện tử du lịch) hoặc các đơn vị lữ hành", ông Hiệp nói. Tuy nhiên, mua qua các đơn vị lữ hành trong giai đoạn này, khách hàng sẽ nhận được nhiều tiện ích hơn.

Ngay sau cách ly xã hội được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp du lịch trong cả nước đã tung ra hàng loạt tour giảm giá tới 50 - 60%; các điểm vui chơi giải trí, điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn cũng giảm giá cho đến tháng 7 - 8.

Hồi tháng 2, Liên minh kích cầu từng được thành lập, triển khai trên cả nước để thu hút khách nội địa, khôi phục hoạt động của ngành du lịch. Thời điểm đó, chương trình được thực hiện tại 4 tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên (tour 4 ngày, đồng giá 4.490.000 đồng trọn gói, bay Vietnam Airlines và ở khách sạn 4 sao) nhận được ủng hộ của hơn 100 doanh nghiệp liên quan đến du lịch tham gia.

Tuy nhiên, sự cố "bệnh nhân 17" ở Hà Nội và sau đó xuất hiện nhiều ca nhiễm mới nên chương trình kích cầu bị tạm dừng.

Nguyễn Nam

Let's block ads! (Why?)