Loạt dự án điện mặt trời bán cho nhà đầu tư ngoại

Nhiều dự án điện mặt trời sau khi đầu tư, vận hành được chuyển nhượng cho nhà đầu tư ngoại còn Bộ Công Thương cho đây là "hiện tượng bình thường".

Thông qua hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần với doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài đã sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió và hưởng mức giá ưu đãi khoảng 2.000 đồng một kWh trong 20 năm. 

Hai nhà máy  TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Khi đó tập đoàn Thái Lan sở hữu 49% vốn nhưng trong lần thay đổi gần nhất, Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%. Ông Prasert Thirati - Giám đốc Công ty Gulf Việt Nam cũng đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng xanh TTC, Công ty cổ phần Gulf Tây Ninh 1, Gulf Tây Ninh 2. Ngoài các dự án điện mặt trời tại Tây Ninh, tập đoàn Thái Lan còn nắm trong tay các dự án điện gió tại Bến Tre với tỷ lệ sở hữu 95%. 

Một công ty năng lượng khác của Thái Lan là Super Energy Corporation từ cách đây 2 năm đã đầu tư thông qua hình thức mua cổ phần loạt dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, An Giang... Ngoài Thái Lan, nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Philippines... cũng sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần, liên doanh. 

Một dự án điện mặt trời ở Tây Ninh đã về tay người Thái sau một thời gian vận hành. Ảnh: Bình An

Một dự án điện mặt trời ở Tây Ninh đã về tay người Thái sau một thời gian vận hành. Ảnh: Bình An.

Giải thích về hiện tượng này, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án điện mặt trời, điện gió là "bình thường theo cơ chế thị trường".

Ông Dũng nói, Luật Đầu tư hiện cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án thuộc ngành nghề có điều kiện. Tuỳ quy mô dự án, Sở hoặc Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ thụ lý việc giải quyết chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông. 

Ở các dự án năng lượng (than, khí) theo hình thức BOT, thường hồ sơ đầu tư yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án, nhưng với các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) thì hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. "Và đây chính là điểm thu hút đầu tư vào ngành điện", Cục trưởng Cục Điện lực & năng lượng tái tạo đánh giá.

Ông phân tích, các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp đi phát triển dự án để giảm rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn đầu như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của các chính quyền...

Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy. Họ thường đầu tư vào các dự án quy mô công suất lớn hoặc gom nhiều dự án quy mô công suất nhỏ, nhằm giảm chi phí vận hành chung. "Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội", ông Dũng nói thêm.

Không chỉ vậy, có hiện tượng nhà đầu tư Việt Nam chỉ "góp vốn" với tư cách mang danh xin cấp thẩm quyền dự án, rồi sau đó nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ việc nhà đầu tư yếu kém nhưng vẫn giành được những dự án quy mô lớn rồi sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời, như nghi vấn với dự án điện gió Biển Cổ Thạch của Công ty HLP Invest ở Bình Thuận.

Sự hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại với dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, theo Bộ Công Thương, còn nằm ở chính sách giá FIT đang khá hấp dẫn, dù giá so với mức 9,35 cent trước đây. 

Đến giữa tháng 5, tổng cộng 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án điện gió, với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại.

Tuy nhiên, giá FIT cho điện mặt trời, điện gió cũng bộc lộ hạn chế, khi các dự án "dồn toa" phát triển ở khu vực tiềm năng tốt khiến quá tải lưới điện tại một số khu vực, tăng cạnh tranh về đất đai.

Ngoài ra, giá FIT cũng khó phản ánh sát, kịp thời sự thay đổi giá công nghệ, dẫn tới sự phát triển "nóng" ngoài mong muốn. Khắc phục tồn tại này, ông Dũng cho biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho cơ chế FIT trong tương lai. Việc này được đánh giá sẽ có lợi hơn cho phát thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam khi chi phí công nghệ giảm mạnh, năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh với nguồn truyền thống (than, khí...). 

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)