Nhiều quốc gia châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa các mối quan ngại về an toàn và mở cửa lại các điểm tham quan.
Khủng hoảng khiến ngành du lịch châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn, biên giới đóng cửa, máy bay nằm bãi, người yêu thích du lịch phải ở nhà. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là các hãng du lịch có nguy cơ phá sản và nhiều nền kinh tế phụ thuộc du lịch bị tàn phá.
Tương lai mù mịt
Từ Algarve ở Bồ Đào Nha đến các đảo Hy Lạp, từ các khu nghỉ dưỡng sang trọng ở bờ biển Amalfi của Italy đến quán bar, club của Tây Ban Nha, không ai biết được liệu khách du lịch có đến trong năm nay hay làm thế nào để sống sót nếu du khách không tìm tới.
Những tổn thất vô cùng kịch tính. Ủy ban châu Âu ước tính các khách sạn và nhà hàng trong khu vực mất một nửa doanh thu trong năm nay. Doanh thu du lịch Italy giảm 95% và 77% ở Tây Ban Nha vào tháng 3, theo ngân hàng UBS.
Trên khắp miền Nam châu Âu, nơi từng hồi phục du lịch từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, du lịch đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế. Chẳng hạn, du lịch chiếm 20% GDP của Hy Lạp, 18% của Bồ Đào Nha, 15% của Tây Ban Nha, 13% của Italy, theo Ngân hàng Thế giới.
Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội bộ của EU, kêu gọi thực hiện "kế hoạch Marshall" (kế hoạch tái thiết) dùng nguồn quỹ từ các gói kích thích kinh tế của châu Âu để phục hồi các khách sạn, nhà hàng và hãng lữ hành hoạt động trở lại sau suy sụp; các quan chức châu Âu cam kết sẽ hướng dẫn khởi động du lịch trở lại.
Còn chủ doanh nghiệp du lịch ngày càng tuyệt vọng và đòi hỏi hành động nhưng các quốc gia không mấy tích cực phản hồi. Người Đức chưa sẵn sàng với các kỳ nghỉ ở châu Âu, thủ tướng Angela Merkel thẳng thừng trả lời hồi tuần trước. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho rằng, "không hợp lý khi tưởng tượng sẽ đi du lịch nước ngoài sớm" vào thời điểm này. Còn Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya nói sẽ mở của trở lại du lịch, nhưng cho đến khi "chúng tôi trong tình trạng đảm bảo an toàn cho du khách".
Biên giới nội địa của EU vẫn đóng cửa du lịch, không có dấu hiệu nào mở cửa trở lại hoặc sắp mở ít nhất vào cuối tháng năm. Đức đầu tuần trước tiếp tục nới rộng cảnh báo đóng cửa du lịch nước ngoài cho đến giữa tháng sáu. Cho đến khi có thông báo mới, tất vả những người không có có quốc tịch đến Pháp, bao gồm từ các quốc gia EU, phải có lý do chuyên môn hoặc lý do gia đình thiết yếu đối với hành trình của họ nếu không sẽ phải quay trở lại.
Ngay cả du lịch trong nước vẫn bị hạn chế ở một số quốc gia. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết người dân nước này nên đi nghỉ nội địa, nhưng sẽ không được phép đi lại giữa các khu vực khi hạn chế bắt đầu nới lỏng vào ngày 4/5. Công dân Pháp cũng vậy, bị giới hạn trong bán kính 100 km từ nhà của họ kể từ 11/5.
Tồn tại bằng cách nào?
Lộ trình vận chuyển và du lịch được đề xuất cho thấy các hạn chế đi lại được nới lỏng trong các khu vực có ca nhiễm thấp, như Czech, Slovakia và Croatia , mở rộng tới các nước bờ biển Adriatic. Du khách có thể phải cần tới "hộ chiếu Covid-19", một loại chứng nhận sức khỏe cho hành khách trước khi đi du lịch, hoặc kiểm tra sức khỏe khi khách đến khu nghỉ dưỡng.
Đức đã từ chối các giải pháp song phương. Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas cho biết "cuộc đua để xem nơi nào cho phép du khách đến đầu tiên trong EU" sẽ đặt ra những rủi ro không thể chấp nhận. Đức cũng từ chối lời đề nghị từ Áo cho người Đức nghỉ dưỡng ở nước này và chỉ ra vai trò của khu nghỉ mát trượt tuyết Áo Ischgl trong scandal lây lan đại dịch ở châu Âu. Nơi này từng bị cho là phát tán Covid-19 vào cuối tháng ba khi vẫn mở cửa đón du khách.
Đối với những quốc gia bị ảnh hưởng du lịch nặng nề nhất, chắc chắn du khách sẽ không thể quay lại vào mùa hè này và cả sau đó. Tại Bồ Đào Nha, đến nay có số người chết dưới 1.000, các voucher du lịch bị buộc phải hủy bỏ và người dân chỉ được sắp xếp các chuyến đi cho tới cuối 2021. Một số khách sạn đang tính đến việc sẽ mở cửa trở lại nhưng người đứng đầu hiệp hội du lịch Algarve Eliderico Viegas cho biết nhiều nơi không thể làm vậy. Du khách nước ngoài không có khả năng quay lại cho tới tháng tư năm sau.
Covid-19 ở Tây Ban Nha bùng phát tồi tệ hàng đầu thế giới, hơn 24.500 người đã chết nhưng một số điểm đến ở nước này đã hoạt động trở lại, khiến người ta kỳ vọng vào một kỳ nghỉ mùa hè. Các quan chức đang thận trọng để khách du lịch quốc tế có thể được phép đến Mallorca và Ibiza từ cuối tháng bảy. "Balearics xếp hạng an toàn nhất trong châu Âu với khả năng nhiễm bệnh thấp", Iago Negueruela, quan chức kinh tế và du lịch của quần đảo, phát biểu. Quần đảo Balearics nằm ngoài khơi Địa Trung Hải, gồm bốn đảo lớn nhất là Majorca, Minorca, Ibiza và Formentera.
Tây Ban Nha là nơi đón nhiều du khách thứ hai thế giới năm 2019 với 84 triệu khách du lịch. Kinh tế phụ thuộc quá lớn vào du lịch khiến chính quyền phải vật lộn tìm cách bảo vệ du khách trong mùa hè này. Ông Negueruela cho rằng "Chúng tôi muốn chuẩn bị mọi thứ để khách du lịch đến sớm nhất có thể". Thách thức nằm ở việc tạo ra cân bằng giữa các điểm tham quan như vũ trường ở Ibiza và những yêu cầu mới phòng chống dịch bệnh. "Một vài lĩnh vực cần phải có sự thích nghi đang kể", ông nói.
Hy Lạp, và cả Síp, đang thúc đẩy EU đồng ý một tiến tình chung. Đối với cả hai, câu hỏi là tồn tại như thế nào. Hơn một phần năm lực lượng lao động của họ làm việc trong lĩnh vực du lịch, gần gấp đôi mức trung bình ở châu Âu và du lịch có mức đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế hai quốc gia này.
Hy Lạp cho biết họ dự đoán mùa du lịch bắt đầu vào tháng bảy, với tỉ lệ người chết và nhiễm bệnh thấp có thể khiến đất nước này lạc quan và muốn trở thành điểm đến an toàn. "Tất cả đặt cược vào hai tháng tới", Grigoris Tasios, chủ tịch Liên đoàn khách sạn Panhellenic, nói.
Các khu nghỉ dưỡng ở miền Bắc Hy Lạp đang tìm kiếm nguồn khách từ các quốc gia Balkan đang xử lý tốt đại dịch. "Romania, Bulgaria, Serbia và Bắc Macedonia có tổng dân số 40 triệu và bất kỳ ai trong số đó cũng có thể đến với chúng tôi bằng ô tô", ông nói.
Cơ quan du lịch quốc gia Italy dự báo giảm 20 tỉ euro doanh thu du lịch so với 2019. Bộ trưởng du lịch Italy Dario Franceschini, cho biết nước này đang nỗ lực để đạt được sự cân bằng giữa các mối quan ngại về an toàn và mở cửa lại các điểm du lịch. "Điều đó là không dễ dàng nhưng chúng tôi đang chờ xem", ông nói.
Các doanh nghiệp du lịch châu Âu đang thử nghiệm các rào chắn bằng kính bốn mét trên bãi biển và nhà hàng giữa các bàn ăn, nhưng tất cả đều biết tác động đến du lịch sẽ đến vào năm tới. Doanh nghiệp biết họ sẽ không thể quay lại mức trước Covid-19 cho đến 2023.
100 triệu người mất việc
Du lịch thế giới đối mặt với khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử, với số khách quốc tế suy giảm từ 58 – 80% trong năm nay, theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO). Con số 58% dựa vào mức suy giảm khi các nước bắt đầu mở cửa biên giới trở lại và nới lỏng các hạn chế đi lại vào đầu tháng 7, còn 80% là tính từ đầu tháng 12.
Trên toàn cầu, suy thoái du lịch ảnh hưởng sinh kế của 120 triệu người sống dựa trực tiếp vào du lịch và hàng triệu người gián tiếp, mất mát từ doanh thu xuất khẩu nhờ du lịch từ 736 tỉ đến 971 tỉ bảng. UNWTO dự báo khoảng 100 triệu người mất việc làm trong lĩnh vực du lịch và ¾ trong số này thuộc các nền kinh tế G20.
"Đây là tác động đáng kinh ngạc trong một thời gian ngắn như vậy", Jac Guevara, CEO của Ủy ban du lịch thế giới (WTTC), nói." Chỉ trong tháng tư, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, 25 triệu việc làm bị mất trong lĩnh vực du lịch. Du lịch là xương sống của nền kinh tế toàn cầu. Không có nó, kinh tế toàn cầu sẽ vật lộn để phục hồi và hàng trăm triệu người sẽ chịu thiệt hại tài chính và tinh thần trong nhiều năm tới", ông nói.
Châu Á và Thái Bình Dương phục hồi du lịch đầu tiên, một số khu vực phục hồi cuối 2020 và đầu 2021, trong khi du lịch nội địa phục hồi nhanh hơn nhu cầu du lịch quốc tế. Tại Anh, Visit Britain dự báo du lịch inbound giảm 54% trong 2020, tương đương giảm 22 triệu lượt khách đến và mất 15,1 tỉ bảng doanh thu du lịch. Kịch bản nếu du lịch Anh mở cửa vào tháng 6, khoản tiền mất đi là 22,1 tỉ bảng.
Vi Nguyễn (theo Guardian)