Kéo chiếc vali của mình bằng một tay, tay còn lại Mona Minkara cầm cây gậy dài màu trắng tự tin dò đường, cô ra khỏi sân bay Changi (Singapore).
Vậy là chuyến du lịch Đông Á của Minkara bắt đầu. Một camera theo dõi cô trong từng bước đi. Cô tìm hỏi nhân viên hướng tới trạm trung chuyển bằng xe buýt, sang ga tàu điện ngầm khá vắng vẻ.
"Nhìn vào đó đi, cây gậy dẫn đường", Minkara nói về bảo bối của mình. "Khi có một đoạn cua nào đó, cây gậy sẽ thiết lập chỉ dẫn và tôi biết nên chọn hướng cua nào phù hợp".
Cây gậy dò đường bỗng chạm vào đống gạch đá trên vỉa hè. Minkara dừng lại, cẩn trọng lần chạm đầu gậy trên những vết lồi lõm trên nền. Cảm biến dẫn đường đưa Minkara đến một thang máy có chữ nổi để xuống sân ga.
Trong series trên YouTube có tựa "Máy bay, tàu hỏa và gậy dẫn đường", Minkara đưa người xem đến năm thành phố thuộc ba châu lục, để họ hiểu một người khiếm thị du lịch độc hành bằng cách nào khi chủ yếu phụ thuộc vào các phương tiện công cộng.
"Một thành phố có hệ thống giao thông công cộng tốt sẽ cho tôi cảm giác rất thoải mái. Điều đó rất tuyệt, giúp tôi di chuyển thuận tiện, thậm chí dễ dàng hơn bạn tự lái xe", cô nói.
Minkara, 32 tuổi, tạm dừng quay video vào cuối năm ngoái trước khi đại dịch bùng phát khiến ngành du lịch toàn cầu tê liệt. Hiện cô ở nhà cùng với gia đình tại Massachusetts (Mỹ) và giảng dạy các khóa học trực tuyến tại Đại học Đông Bắc Boston với vai trò là giáo sư kỹ thuật sinh học.
Những điểm đến nổi bật trong series của Minkara còn có London, Johannesburg, Istanbul, Tokyo. Blogger này đánh giá cao hệ thống giao thông Singapore về cách bố trí làn đường cho người khiếm thị, tuy nhiên hơi thất vọng vì xe buýt không phát nhiều thông báo trên loa phát thanh. Điều đó khiến cô bỏ lỡ điểm dừng của mình, và thay vì lên một chuyến khác, cô quyết định đi bộ ngược lại.
Cô dành lời khen ngợi nhiều nhất cho mạng lưới tàu điện ở Tokyo. Vì chưa từng đến Nhật Bản trước đó, Minkara cho rằng mình dễ dàng đi lại, nhờ các ứng dụng chỉ dẫn tương thích, chẳng hạn như thông báo bằng loa tại đường dành cho người đi bộ qua đường, tín hiệu cho gậy chỉ đường ở trong và ngoài ga tàu, âm thanh chỉ đường đến nhà vệ sinh gần nhất...
"Hệ thống này biến những khu vực rộng lớn - nơi người khiếm thị có thể thấy nản lòng - trở nên dễ dàng tiếp cận", cô nói. Minkara đánh giá khác xa với hệ thống tàu điện ngầm ở Boston.
Một trải nghiệm khác khiến cô bất ngờ là tàu chạy gần như không ồn ào, cô có thể nghe được các âm thanh xung quanh. "Mỗi chuyến tàu đều phát các giai điệu khác nhau, làm tôi thấy như mình đang trong một trò chơi video khi cánh cửa tàu mở ra", cô nói.
Minkara được chẩn đoán mắc căn bệnh thoái hóa mắt khi còn nhỏ. Cô giải thích mình có khoảng 2% thị lực trong mắt trái và chỉ có một chút cảm giác nhìn nhận ở mắt phải.
Series phim của cô được hỗ trợ bởi Tổ chức San Francisco Lighthouse cho Giải thưởng người khiếm thị Holman. Giải thưởng được trao cho những người mù trên khắp thế giới có kế hoạch đi du lịch.
Minkara không hoàn toàn đơn độc. Bạn của cô và cũng là người quay phim, Natalie Guse, đi theo cô. "Phải đáng tin lắm mới để một người khiếm thị dẫn đường", Guse nói.
Hai người có một thỏa thuận: Minkara sẽ không yêu cầu giúp đỡ và Guse cũng không đưa ra đề nghị. Thỏa thuận chỉ một lần bị phá vỡ ở Johannesburg, bởi Minkara suýt bị xe tông khi băng qua ngã tư. "Tôi nhảy ra giữa đường, đưa tay lên và đã hét to. Tôi tin tưởng cô ấy nhưng không thể tin những tài xế", Guse nói.
Minkara đánh giá Tokyo có phương tiện giao thông công cộng hoàn hảo nhưng các hàng quán lại khác, thiếu quan tâm đến người khiếm thị. "Có quá nhiều nơi được tự động hóa, tôi không biết làm thế nào một người mù có thể mua hàng ở đó", cô nói.
Cô cho biết ở một số nước kém phát triển hơn như Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người lạ thường xuyên đề nghị giúp đỡ cô, nhưng tại các quốc gia giàu có hơn, cô hay bị từ chối khi cần giúp đỡ. Khó khăn nhất mà cô trải qua là ở London, nơi một cảnh sát giao thông nói với Minkara rằng cô sẽ không được phép lên tàu điện ngầm nếu không có người đi cùng: "Ông ta nói rằng đó không phải là lựa chọn của tôi, và tôi phải cố gắng hiểu rằng tại sao không phải là lựa chọn từ chối sự giúp đỡ".
"Tôi nghĩ mọi người sợ những người bị mù như chúng tôi". Minkara đứng ở ga tàu và cuối cùng cũng được phép lên tàu mà không cần chỉ dẫn. Cô nói rằng, nỗi sợ bị lạc hoặc không thể tìm thấy sự giúp đỡ ngăn cản nhiều người khiếm thị đi du lịch. Đó cũng là điều cô phải cố gắng vượt qua.
"Tôi cảm thấy bình thường nếu bị lạc hoặc có thể không điều chỉnh hướng đi hiệu quả như người khác", Minkara nói. Đó là trạng thái tâm trí cho phép cô hoàn toàn tự do.
Vi Nguyễn(Theo SCMP)