Quán mì mở lại ở Vũ Hán

Trung Quốc Dù số lượng bán hàng không bằng như trước khi thành phố phong tỏa, hai vợ chồng chủ quán vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Zhou Guoqiong là chủ một quán mì ở Vũ Hán vừa mở cửa trở lại được 5 ngày. Cô vẫn không được phép phục vụ ăn tại chỗ, mà khách phải mua mang về. Điều này nhằm tuân thủ quy định giãn cách xã hội, ngăn ngừa sự lây lan của nCoV.

Hai vợ chồng chủ quán mỳ đang chuẩn bị đồ để khách mua về tại Vũ Hán ngày 31/3. Ảnh: Time.

Vợ chồng chủ quán mì đang chuẩn bị đồ để khách mua về tại Vũ Hán ngày 31/3. Ảnh: Time.

"Chỉ cần được mở cửa buôn bán là tôi hạnh phúc rồi", Zhou nói. Kể từ khi mở cửa trở lại, mỗi ngày cô và chồng bán vài trăm túi mì. Con số này ít hơn trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng với họ ở thời điểm hiện tại, thế là quá đủ.

Lượng khách hàng ổn định đến mua những túi mì khô, thịt khô được đóng gói cùng nước sốt đậu phộng. Người dân thực sự mong muốn được thưởng thức lại món ăn mình yêu thích, sau thời gian dài bị phong tỏa. Sự xuất hiện trở lại của món mì phục vụ bữa sáng được nhiều người đánh giá là dấu hiệu tốt, cho thấy cuộc sống đang dần trở lại bình thường tại ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới. 

Mì là món ăn nhẹ phổ biến của người dân Trung Quốc, thường được bán từ các xe đẩy hoặc các cửa tiệm nhỏ. Tại Vũ Hán, món ăn này đặc trưng giống như Rome có mì spaghetti hay Chicago có pizza đế dày.

Trước khi thành phố bị phong tỏa, nhiều khách hàng quen đã nhắn tin cho Chou phàn nàn rằng, họ không biết đến bao giờ mới lại được ăn mì của cô. Điều đó càng khiến Chou thêm lo lắng vào ngày mà thành phố bắt đầu lệnh giới nghiêm, ngày 23/1. Bệnh viện đầy ắp bệnh nhân và thành phố ghi nhận gần 2.600 ca tử vong, hơn 50.000 ca lây nhiễm. Sau đó số lượng những ca lây nhiễm giảm dần, Vũ Hán và phần còn lại của Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho việc mở cửa.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn chưa kết thúc. Việc kiểm soát các trường hợp "ngoại nhập" và ngăn chặn các ca tái nhiễm vẫn còn căng thẳng. Nhu cầu về vật tư y tế vẫn còn cao, theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói trên bản tin vắn ngày 31/3.

Người đứng đầu Ủy ban Y tế quốc gia Ma Xiaowei, cho biết hôm 31/3, giai đoạn nghiêm trọng và nguy hiểm nhất của dịch tại Trung Quốc có thể đã qua. Nhưng ông nhấn mạnh vẫn cần kiểm dịch nghiêm ngặt đối với khách du lịch; việc cho học sinh đi học lại cũng cần phải hành động từ từ và vô cùng cẩn thận.

Người dân Vũ Hán đứng lên ghế để mua đồ qua hàng rào phong tỏa ngày 1/4. Ảnh: Reuters.

Người dân Vũ Hán đứng lên ghế để mua đồ qua hàng rào phong tỏa ngày 1/4. Ảnh: Reuters.

Vũ Hán đã không ghi nhận thêm bất kỳ ca nhiễm hay nghi ngờ mới nào trong một tuần. Chính quyền địa phương cho biết phải trong liên tiếp 14 ngày không xuất hiện các ca mới thì việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại và quy định giãn cách xã hội mới có thể được tiến hành. Còn theo dự đoán của người dân, họ có thể sẽ sớm được nới lỏng lệnh cấm đi lại vào ngày 8/4. Xiao, chủ một quán thịt nhỏ rất lạc quan về tương lai. Anh hi vọng trong vài tháng tới, mỗi ngày có thể bán hết nửa con bò.

Dọc theo đường Yanzhi ở quận Wuchang, các cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm như thịt và mì, đã mở loa quảng cáo để thu hút khách hàng. Bên ngoài một chợ thực phẩm, hàng dài người dân đứng xếp hàng. Tuy nhiên, họ vẫn giữ khoảng cách với nhau, đeo khẩu trang, một số đội mũ và đi găng tay cao su. Chợ hoạt động từ 9h đến 17h, và chỉ cho phép 30 khách hàng đến mua cùng một thời điểm. Mỗi người có tối đa 20 phút ở lại. Một số người khác thì gọi giao hàng tận nhà.

Xiao Yuxia, 70 tuổi, là công chức nghỉ hưu. Trong lúc chờ đợi đến lượt mua hàng, bà cho biết dự định mua cá ăn. Đây cũng là lần ăn cá đầu tiên của bà sau hai tháng. Thử thách lớn nhất của bà trong những ngày phong tỏa là bị đau chân. Nhưng Xiao không đến bệnh viện vì cảm thấy không an toàn. Do đó, bà chịu đựng cơn đau khi đi bộ và dùng nốt số thuốc còn lại trong nhà. 

Còn Wang Haitao, một công nhân đã nghỉ hưu 75 tuổi, cho biết thấy nhiều người dân mua mọi thứ qua ứng dụng điện thoại. Nhưng việc mua hàng kiểu này vẫn còn khó hiểu đối với ông. Do đó, hai vợ chồng ông quyết định vẫn đi mua đồ trực tiếp. Những thứ được ông ưu tiên hàng đầu là thuốc và thực phẩm. Mỗi ngày, ông được rời khỏi nhà tối đa 2 tiếng vì lo lắng có thể bị lây bệnh nhưng lại mất nửa tiếng để xếp hàng mua đồ.

Anh Minh (Theo Time)

Let's block ads! (Why?)