MỹCovid-19 đã khiến hầu hết máy bay trên thế giới phải đắp chiếu trong thời gian dài.
Hơn 40 hãng hàng không trên thế giới đã tạm ngừng hoạt động vì dịch. Nhiều hãng khác cắt giảm 80-90% chuyến bay. "Điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều phi công không được bay", Sam Sprules, giám đốc điều hành tại cơ quan tuyển dụng phi công Aero Professional, nói.
Spurles tiết lộ có rất nhiều phi hành đoàn trên thế giới đang hưởng mức lương tối thiểu, hoặc được yêu cầu nghỉ phép không lương trong vài tháng. Trong trường hợp xấu nhất, nhiều người sẽ phải thất nghiệp còn các hãng bay đang cố gắng củng cố tài chính để tồn tại.
Khi đại dịch qua đi, các chuyến bay bắt đầu quay trở lại đông như trước, và tần suất chuyến bay vì thế cũng nhiều hơn. Điều đó khiến các phi công chấm dứt thời kỳ nhàn rỗi của mình, bắt đầu sẵn sàng cho những chuyến bay mới.
Nhưng mọi thứ không đơn giản chỉ là các phi công lau lại kính râm đã lâu không sử dụng, phủi bụi đồng phục và bước lên máy bay. Nó đồng nghĩa với việc họ phải cải thiện kỹ năng trong buồng lái, đảm bảo những kỹ năng này đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về độ an toàn của ngành hàng không. Và điều đó, dường như đang dần trở thành thách thức đối với các phi công vẫn đang ở nhà.
"Phi công đòi hỏi phải được đào tạo thường xuyên mới có thể bay", Brian Strutton thuộc Hiệp hội phi công Anh (BALPA), cho biết. Điều đó có nghĩa là các phi công phải thực hiện thành công ba lần cất, hạ cánh trong vòng 90 ngày trở lại. Một trong ba lần đó phi công có sử dụng thiết bị tự hạ cánh trong buồng lái.
Để đủ điều kiện bay cả ban ngày và đêm, phi công thương mại cũng cần thực hiện thêm ba lần cất, hạ cánh vào ban đêm trong vòng 90 ngày gần nhất. Việc hạ cánh ban đêm sẽ khó hơn ban ngày vì thị giác bị hạn chế.
Ngoài ra, họ cũng phải vượt qua các cuộc kiểm tra khác như Kiểm tra trình độ giấy phép, bài thi mà các phi công buộc phải thực hiện hàng năm để giữ cho giấy phép phi công của họ hợp lệ. Không chỉ thế, mỗi hãng hàng không sẽ có các bài kiểm tra kỹ năng, trình độ vào mỗi 6 tháng.
Theo Adam Will, một phi công giàu kinh nghiệm và là CEO của PrivateFly (công ty môi giới điều lệ máy bay), hầu hết bài kiểm tra này có thể được thực hiện trên một trình giả lập, mô phỏng y hệt các chuyến bay thực. Việc bay ảo nhưng đem lại cảm giác thật này cũng giúp các phi công hoàn thiện kỹ năng của mình.
Nhưng để thực hiện được điều đó, phi công cần phải có các thiết bị mô phỏng. Ví dụ ở Anh, các cơ sở cung cấp thiết bị này đã phải đóng cửa do . Hơn nữa, ngoài việc bay ảo, phi công cũng cần có người hướng dẫn và người kiểm tra và cơ phó để tiến hành làm các bài thi.
Các phi công cũng phải tham gia vào các lớp huấn luyện khi máy bay gặp sự cố như phải đi vào một chiếc máy bay đầy khói, lửa và sơ tán hành khách. Họ phải học các khóa học sơ cứu, quản lý phi hành đoàn như đánh giá cách các thành viên trong tổ bay làm việc nhóm....
Hiện có hơn 290.000 phi công trên khắp thế giới phải ở nhà do đại dịch. Và một khi họ đồng loạt quay lại, điều này sẽ gây quá tải vì trong một thời gian ngắn ngành hàng không sẽ không có đủ nhân lực, cơ sở vật chất để giúp phi công thực hiện các bài thi, đánh giá.
Điều này cũng xảy ra với việc cấp chứng nhận y tế của phi công. Họ cần có chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để bay. Hiện tại có không ít phi công đã hết hạn chứng chỉ này và chưa được cấp lại vì đại dịch.
Không chỉ vậy. trong thời đại mọi quy trình bay đều dần được tự động hóa, các phi công luôn phải nhớ chức năng của mọi nút bấm. Nhưng nếu họ ở nhà quá lâu, họ sẽ bắt đầu quên mọi thứ, theo Karlene Petitt, một phi công chuyên lái Boeing 777 sống tại Mỹ chia sẻ. Điều đó khiến các phi công khi quay lại với công việc sẽ mất đi sự thành thạo.
Nhiều hãng bay cũng lo lắng về vấn đề sức khỏe tinh thần của các phi công khi họ phải ngồi nhà quá lâu. Họ đã hướng các phi công tới các cơ sở của hãng, nơi những người này được lắng nghe, được chia sẻ về những lo lắng mà mình đang trải qua. Phi công vốn không quen đến gặp bác sĩ tâm lý, nhưng điều này thiết thực trước khi mọi thứ quay trở về như cũ và các chuyến bay lại lấp kín bầu trời.
Anh Minh (Theo CNN)