Doanh thu không có, hàng tháng các công ty vẫn phải chi hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng bảo trì du thuyền, thuê bến, trả lương hoặc nợ ngân hàng.
Theo kế hoạch, ông Phạm Hà, Tổng giám đốc Lux Group, sẽ vận hành tuyến du lịch đường biển Bắc – Nam vào 17/9 tới. Hành trình đưa 60 du khách trên du thuyền Heritage Bình Chuẩn từ Hải Phòng vào Đà Nẵng, Nha Trang và cập cảng Nhà Rồng. Chuyến đi dài 10 ngày, mỗi tháng 2 chuyến khứ hồi. Nhưng Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ.
Lẽ ra, các phương án tiếp thị, quảng bá cho chương trình đã hoàn tất và tung ra ngay từ những tháng đầu năm để tiếp cận thị trường khách Mỹ, châu Âu. Nhưng dịch bệnh khiến kế hoạch chậm lại, ông Hà phải chờ xem tình hình thế nào sẽ tính tiếp.
Bởi thế, ba du thuyền của công ty đang "bất động" ở các bến tại Hạ Long, Hải Phòng và Nha Trang. Hai du thuyền ở Nha Trang và Hải Phòng có sức chứa 60 người mỗi chiếc, còn chiếc ở Hạ Long chở được 30 người. Doanh thu không có, nhưng mỗi tháng công ty phải chi 2 tỷ đồng để bảo trì du thuyền, thuê bến, trả lương cho nhân viên hoặc trả nợ vay ngân hàng.
Du thuyền Heritage Bình Chuẩn của ông Hà dự kiến chở 60 du khách cho hành trình Bắc - Nam vào 17/9. Hiện con tàu neo đậu ở Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: P.H. |
Theo ông Hà, dự án đóng tàu rất đặc thù, có rủi ro cao. Nhưng vì mong muốn phát triển du lịch biển, nên công ty đầu tư lớn vào du thuyền. Tuy nhiên, khủng hoảng do Covid-19 gây ra khiến những công ty du thuyền như của ông điêu đứng.
"Trước dịch, công ty có khoảng 170 người nhưng hiện nay nhân sự giảm còn 50%. Những nhân viên còn lại thay phiên nhau làm việc và thực hiện các hoạt động đào tạo", ông Hà nói.
Vịnh Hạ Long được xem là "thủ phủ" của tàu du lịch với hơn 500 chiếc chuyên đưa đón khách tham quan. Với việc cấm tàu cho khách ngủ đêm trên vịnh trước đây và vắng bóng hoàn toàn du khách hiện nay, các chủ tàu rơi vào cảnh khó khăn, nguy cơ phá sản rõ ràng.
Chủ một doanh nghiệp ở Hạ Long cho biết, ông đóng 4 tàu gỗ và 2 tàu sắt với số tiền 30 tỷ đồng. Nhưng hiện tất cả đều "đắp chiếu", tính chung các chi phí ông phải trả lên đến 160 triệu đồng một tháng, bao gồm trả vay ngân hàng cả vốn lẫn lãi.
Ở miền Tây, quy mô của đội tàu thuyền du lịch cũng rất lớn, chủ yếu ở các tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long. "Gần tháng nay, toàn bộ 32 tàu du lịch của công ty đã phải ‘lên bờ’. Hiện tại, chúng tôi phải chi cố định khoảng 100 triệu đồng một tháng các khoản liên quan đến bảo trì tàu", bà Phạm Thị Ngọc Trinh, Giám đốc công ty du lịch Mekong Travel có trụ sở tại Vĩnh Long, nói.
Mặc dù đã "đóng cửa hoàn toàn", công ty vẫn phải duy trì khoảng 10 nhân sự chủ chốt là những thợ máy, điều hành, thợ mộc để sửa chữa tàu... với hưởng 50% mức lương thông thường. Ngoài ra, công ty phải chi khoảng 30 triệu tiền trợ cấp cho 15 nhân sự khác để giữ chân.
"May mắn chúng tôi không vướng các khoản liên quan tới nợ ngân hàng. Thế nhưng, công ty cũng chỉ có thể duy trì được đến khoảng tháng 6. Nếu lâu hơn nữa không thể giữ nổi những nhân viên chủ chốt", bà Trinh cho biết.
Những chuyến tàu ra sông lớn như của Viet Princess chưa biết khi nào trở lại. Hiện 4 con tàu của công ty đều dừng hoạt động. Ảnh: H.K.B. |
Tại TP HCM, công ty cổ phần du thuyền Viet Princess có 4 du thuyền. Trong đó, 3 chiếc phục vụ du khách nghỉ đêm trên tuyến Việt Nam – Campuchia và một du thuyền phục vụ ẩm thực trên sông Sài Gòn. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. Các du thuyền có giá trị từ 2 - 4 triệu USD mỗi chiếc, tùy thuộc vào kích thước và loại hình dịch vụ.
Ông Huỳnh Kim Bảo, trưởng phòng tiếp thị của công ty, cho biết: "Trước diễn biến phức tạp của dịch, để đảm bảo an toàn cho nhân viên và cả du khách, toàn bộ du thuyền tạm thời ngừng hoạt động đến hết ngày 30/6. Điều này gây thiệt hại không nhỏ trong kế hoạch phát triển của công ty năm 2020", ông Bảo nói. Ngoài ra, công ty phải lo chi phí lớn cho các du thuyền neo đậu, bảo trì, bảo dưỡng - những khoản không tùy thuộc vào loại du thuyền và số lượt ra vào bến bãi.
Đại diện một công ty chuyên phân phối và bảo dưỡng, quản lý - khai thác du thuyền tại quận 2, TP HCM, nói: "Hiện các chủ du thuyền đang ký gửi để công ty bán. Trung bình giá từ 400.000 đến một triệu USD một chiếc". Một trong những lý do khiến chủ du thuyền phải chấp nhận bán lỗ vì họ đang gặp khó khăn về tài chính, cần xoay vốn thời điểm này.
Thuyền du lịch phục vụ khách tuyến ngắn cũng "lên bờ" do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV. Trong ảnh là các con thuyền của Mekong Travel ngày 29/3. Ảnh: P.T.N.T. |
Với những khó khăn thời dịch bệnh, đại diện các công ty du thuyền mong muốn Nhà nước có thể gia hạn thời gian đóng thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2019 đến sau tháng 6/2020. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có thể cân nhắc hoãn hạn đóng các khoản bảo hiểm xã hội cho người lao động đến cuối năm 2020; hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để bổ sung vào nguồn vốn lưu động, nhằm phục vụ các hoạt động kinh doanh, duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hà nhận định, ngành du thuyền đang cần trợ giúp bằng các phương án giãn nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng và cung cấp các gói vay ngắn hạn để doanh nghiệp trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động trong lúc không có nguồn thu. Doanh nghiệp cần được "tiếp sức" để có thể sống sót qua giai đoạn khó khăn này, đến khi hết dịch nhanh chóng quay trở lại hoạt động kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.
Trong lúc vắng khách, ông Hà cho rằng các cơ quan quản lý có thể rà soát lại quy định, để có chính sách thông thoáng hơn cho doanh nghiệp phát triển hậu khủng hoảng, chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục tàu cập cảng. Những cầu cảng cần sửa sang lại cho đẹp hơn, như cảng Cầu Đá (Nha Trang), Tiên Sa (Đà Nẵng), vốn là cảng cá được tận dụng để đón khách.
Nguyễn Nam