Người dân không cần rút tiền dự phòng khi "cách ly toàn xã hội" bởi các giao dịch gửi, rút tiền, thanh toán, dịch vụ trực tuyến, ATM vẫn phục vụ bình thường.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cuối ngày 31/3 cho biết, ngành ngân hàng là loại hình dịch vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân nhiều nhu cầu thiết yếu về tiền mặt, thanh toán nên vẫn phải bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở.
Mọi giao dịch như gửi, rút tiền, thanh toán, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến, máy ATM vẫn được bố trí phục vụ bình thường trong 15 ngày "cách ly toàn xã hội".
Ngân hàng Nhà nước cũng giao cho lãnh đạo các nhà băng thông báo với chính quyền địa phương để cho phép các chi nhánh, phòng giao dịch được mở cửa hoạt động bình thường. "Vì vậy, doanh nghiệp, người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng trong thời gian cách ly toàn xã hội. Mọi người vẫn thực hiện các dịch vụ tiền mặt, thanh toán khi có nhu cầu cần thiết", ông nhấn mạnh.
ATM trong khuôn viên toà nhà Topac, đường Tôn Đản, quận 4 chiều 31/3. Ảnh: Phương Đông. |
Chiều qua, một số ngân hàng cũng có văn bản hoả tốc gửi các chi nhánh để chuẩn bị các kịch bản đảm bảo an toàn cho khách hàng, nhân viên và duy trì hoạt động thông suốt trong thời gian tới. Tại Nam A Bank, Tổng giám đốc Trần Ngọc Tâm thông tin, nhà băng đã thành lập tiểu ban ứng phó Covid-19 nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời các khuyến nghị của Chính phủ, Bộ Y tế đối với hoạt động của ngân hàng. Cán bộ nhân viên của nhà băng này cũng được chia 2 nhóm luân phiên làm việc tại nhà và ngân hàng để đảm bảo mọi hoạt động diễn ra bình thường.
Tương tự, lãnh đạo Sacombank cho biết ngân hàng thực hiện phương án 50/50. Tức cho một nửa nhân viên làm việc ở nhà và số còn lại làm ở cơ quan (ngoại trừ một số bộ phận như ngân quỹ, bảo vệ thì phải túc trực đầy đủ).
"Với vấn đề tiếp quỹ ATM, các bộ phận phải đảm bảo công việc thông suốt, riêng những máy ở vùng nguy cơ dịch bệnh cao thì ngân hàng sẽ tăng cường các biện pháp bảo hộ cho nhân viên khi đi tiếp quỹ", ông nói.
Với BIDV, việc bố trí tỷ lệ nhân viên làm việc tại nhà do giám đốc chi nhánh quyết định, miễn sao không ảnh hưởng hoạt động cũng như đảm bảo an toàn, bảo mật. Để hoạt động được liên tục tại phòng giao dịch, ngân hàng chuẩn bị nhân sự thay thế, sẵn sàng điều chuyển tới làm việc tại phòng giao dịch.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng khuyến khích khách sử dụng tiện ích trên các sản phẩm ngân hàng điện tử để giao dịch. Điều này sẽ góp phần hạn chế Covid-19 lây lan.
Chiều 31/3, một số người dân lo lắng đã đến ngân hàng rút tiền sau khi có lệnh "cách ly toàn xã hội trong 15 ngày".
Lúc 16h, tại chi nhánh ngân hàng cổ phần trên đường 3/2, TP HCM, anh Nam - kỹ sư phần mềm của một công ty nước ngoài, đang rút 50 triệu từ sổ tiết kiệm cho biết, do sợ những ngày tới cách ly sẽ khó khăn đi lại, nên muốn rút tiền mặt cho yên tâm. Vài khách khác, sau khi được nhân viên giải thích ngân hàng vẫn hoạt động bình thường trong suốt những ngày cách ly thì họ ra về.
Khách đến giao dịch ATM tại Hà Nội chiều 31/3. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Một số khác đến ATM rút tiền mặt, nhưng số lượng không đông. Lúc 17h, tại các ATM trong khuôn viên toà nhà Topac (đường Tôn Đản, quận 4), không có quá nhiều khách. ATM vẫn hoạt động bình thường và khách cũng không mất thời gian xếp hàng chờ lâu.
Tương tự, tại Hà Nội chiều 31/3, các ATM và phòng giao dịch của nhiều ngân hàng hoạt động bình thường. Nhân viên một ngân hàng quốc doanh cho biết "lượng giao dịch không có gì đột biến".
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á cho biết, chiều nay sau chỉ thị của Thủ tướng liên quan việc "cách ly toàn xã hội", nhà băng có ghi nhận hiện tượng một số khách hàng đến rút tiền. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít và không đáng kể. Mọi hoạt động ngân hàng vẫn diễn ra bình thường.
Một lãnh đạo Sacombank cũng cho hay, ngân hàng chiều 31/3 có ghi nhận một số khách (chủ yếu là khách hàng cá nhân) đến rút tiền mặt. "Có thể một số người lo lắng thái quá nên họ đến rút tiền mặt về dự phòng trong thời gian cách ly", ông nói.
Quỳnh Trang - Phương Đông.