Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, chưa bao giờ yêu cầu Tổng cục Thống kê phải sửa số liệu về kinh tế - xã hội đất nước.
Thông tin trên được người đứng đầu Chính phủ nêu tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác và tập huấn phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của ngành thống kê ngày 6/1. Ảnh: VGP |
Thủ tướng khẳng định những con số thống kê đưa ra đều khách quan, chặt chẽ, đúng pháp luật, "Chưa bao giờ hay bất cứ đồng chí lãnh đạo nào yêu cầu Tổng cục Thống kê phải sửa số liệu này, số liệu khác trong quá trình thống kê kinh tế - xã hội đất nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trước đó, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cũng nhiều lần khẳng định hoạt động của cơ quan này là "hoàn toàn độc lập", Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư và Chính phủ không can thiệp vào công việc của ngành và ngay cả Thủ tướng cũng không thể biết trước số liệu thống kê.
"Chúng tôi làm việc theo Luật Thống kê và theo chuyên môn nghiệp vụ, không chịu sự tác động", ông Lâm nói tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019.
Kết thúc năm 2019, Chính phủ hoàn thành 12/12 chỉ tiêu do Quốc hội giao, năm thứ hai liên tiếp hoàn thành toàn bộ kế hoạch. Trong đó, hai chỉ tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát đều đạt vượt kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%, cao hơn mục tiêu 6,8%, trong khi CPI tăng thấp nhất ba năm, dưới mục tiêu 4%.
Việc đánh giá lại quy mô nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, "không phải vì bệnh thành tích". Việc tính lại để có căn cứ hoạch định chiến lược 10 năm, kế hoạch phát triển 5 năm tới.
Sau khi đánh giá lại, GDP của Việt Nam giai đoạn 2011-2017 tăng bình quân 25,4% mỗi năm. Năm 2017, quy mô GDP sau đánh giá lại đạt gần 6,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,3 triệu tỷ so với số liệu đã công bố. Quy mô nền kinh tế thay đổi, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng có sự điều chỉnh. Trong đó, GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 66,8 triệu đồng, tương đương 2.985 USD. Một số chỉ tiêu vĩ mô quan trọng như tỷ lệ nợ công so với GDP đến cuối năm 2017 giảm xuống còn 48,8%; tỷ lệ bội chi ngân sách còn 2,8%; tỷ lệ chi ngân sách so với GDP còn 21,5%...
Cũng có ý kiến cho rằng việc đánh giá lại GDP có thể "làm đẹp" số liệu vĩ mô nhưng Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm phủ nhận mục tiêu này. "Chuyện nợ công tăng hay không là chính sách của Chính phủ, Bộ ngành, các nhà kinh tế, còn thống kê chỉ chịu trách nhiệm cung cấp bức tranh thực của nền kinh tế", ông nói.
Minh Sơn