Khi đồng hồ chỉ 1h tại Iran, 2h ở Ấn Độ và 3h tại Myanmar, Nepal lúc đó là 2h15.
Thế giới có 24 múi giờ, mỗi múi giờ cách nhau một tiếng. Tuy nhiên, có những múi giờ hiện bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về chính trị, địa lý và xã hội, hay do quy ước mới. Dù vậy, các nước thường chỉ chênh nhau một hoặc nửa giờ. Trong khi đó, Nepal không tuân theo quy tắc quốc tế nào, thời gian theo múi giờ GMT+5:45 - chênh 45 phút so với giờ chuẩn Greenwich. Thực tế, quốc gia trên dãy Himalaya này có một múi giờ riêng là giờ chuẩn Nepal (Nepali Standard Time).
Năm tháng trôi qua, múi giờ của thế giới đã phức tạp hơn nhiều. Ảnh: AFP. |
Giờ chuẩn Nepal ra đời từ năm 1956, khi các nhà hoạch định chính sách quyết định rằng kinh tuyến xác định thời gian cho quốc gia phải lấy tại Gauri Sankar, một đỉnh núi thiêng nằm về phía đông thủ đô Kathmandu. Vào thời điểm đó, Ấn Độ đang đặt kinh tuyến tại Calcutta, vì vậy giờ Nepal nhanh hơn mười phút.
Ngày nay, giờ Ấn Độ chậm hơn giờ Nepal 15 phút, khi đất nước tỷ dân này chọn kinh tuyến cho múi giờ tại Hyderabad. Khác biệt về giờ giấc giữa hai quốc gia láng giềng cho ra đời câu chuyện đùa rằng người Nepal luôn đi muộn 15 phút, hoặc người Ấn Độ thường đến sớm 15 phút.
Trước năm 1956, người Nepal xem giờ kém chính xác hơn nhiều, chủ yếu dựa vào những thiết bị như đồng hồ mặt trời "dhup ghadi". Dưới thời Malla (1201-1779), cách duy nhất để người Nepal xem giờ là đến một cái ao gần cung điện hoàng gia ở kinh đô Kathmandu, nơi một quan chức sẽ quan sát một thiết bị tên là "động cơ Ghati", thực chất là những viên đá có lỗ nhỏ chìm xuống nước. Mỗi viên đá mất đúng 24 phút để chìm. Vì vậy bằng cách đếm số lượng đá đã chìm từng ngày, người quản lý thời gian của cả vương quốc có thể cho dân chúng biết giờ giấc.
Đỉnh Gaurishankar (7.134 m) là một phần của dãy Himalaya. Ngọn núi này được đặt theo tên của nữ thần Gauri trong đạo Hindu. Ảnh: NTNC. |
Người Nepal gọi múi giờ bất thường của nước mình là Thời gian Nepal kéo dài (Nepali Stretched Time), bởi họ coi 15 phút chênh lệch đó như thời gian ân hạn nếu trễ hẹn. Đó cũng là điểm tự hào của người Nepal khi đi trước Ấn Độ, nước láng giềng lớn mạnh hơn, dù chỉ vài phút. Nhưng so với phương Tây, người Nepal còn tiến xa hơn, bởi họ vẫn sử dụng một cuốn lịch cổ đi trước lịch Gregorian 56 năm 6 tháng - giờ đã là năm 2076 tại Kathmandu.
Nepal là quốc gia duy nhất trên thế giới đi trước nước láng giềng 15 phút, nhưng có một vùng đất khác cũng tạo ra múi giờ lẻ tương tự. Đó là Chatham, một quần đảo nhỏ của New Zealand có múi giờ GMT+13h45. Người dân đảo Chatham đặt đồng hồ của họ trước 45 phút so với người dân trên đảo Nam (South Island), không vì lý do chính đáng nào.
Phạm Huyền (Theo BBC)