Căng thẳng Mỹ - Iran đe dọa kinh tế toàn cầu

Kinh tế toàn cầu đáng ra chạm đáy đầu năm 2020 rồi bật tăng nhưng xung đột Mỹ - Iran sẽ khiến đà phục hồi này đóng băng.

Đó là nhận định của Jason Tuvey - kinh tế trưởng các thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết trong một báo cáo cuối tuần trước, sau khi tướng Qassem Soleimani - nhân vật quyền lực thứ nhì tại Iran bị hạ sát theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei đã tuyên bố sẽ báo thù với những người có liên quan đến cái chết của Soleimani.

"Rõ ràng, mối lo lớn nhất với kinh tế toàn cầu là các sự kiện này vượt khỏi tầm kiểm soát và Mỹ tấn công quân sự toàn diện vào Iran", Tuvey nhận định, "Kinh tế Iran sụp đổ có thể khiến GDP toàn cầu mất 0,3% - tương tự tác động chúng tôi dự báo từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc". Kinh tế Iran vốn đã bị bóp nghẹt nhiều năm qua vì các lệnh trừng phạt của Mỹ lên chương trình hạt nhân.

Người đổi tiền trên đường phố Tehran (Iran). Ảnh: Reuters

Người đổi tiền trên đường phố Tehran (Iran). Ảnh: Reuters

Căng thẳng Mỹ - Iran cũng làm chao đảo các thị trường toàn cầu. Các công cụ trú ẩn tăng giá mạnh vài ngày qua. Trên Business Insider, Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao cho rằng dù USD, yen cũng có thể làm tài sản trú ẩn, "vàng vẫn là vua". Ông dự báo vàng có thể dễ dàng vượt đỉnh năm 2019 và chạm mốc 1.600 USD một ounce cuối tháng này. Sáng nay (6/1), giá vàng thế giới lên cao nhất 6 năm, tiến sát 1.590 USD.

Ngược lại, chứng khoán Mỹ lại đi xuống phiên cuối tuần trước. Cả ba chỉ số chủ chốt của Wall Street giảm gần 1% - mạnh nhất kể từ đầu tháng 12. Hiện tại, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ vẫn đang đi xuống. Tuy vậy, đây lại là cơ hội mua vào nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ, Dan Ives - nhà phân tích tại Wedbush cho biết. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương sáng nay giảm 0,6%.

Tác động quan trọng nhất của căng thẳng Mỹ - Iran với kinh tế toàn cầu là giá dầu tăng vọt. Giá dầu thô Brent tăng 4% ngay sau thông tin về vụ không kích. "Chúng tôi cho rằng khả năng Mỹ và Iran xảy ra chiến tranh toàn diện là khó. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng dầu mỏ có thể là mục tiêu trả đũa", Ian Shepherdson - kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics cho biết.

Một cách trả đũa khả thi là Iran đóng cửa Eo biển Hormuz - cửa ngõ quan trọng với hơn 20% lượng dầu mỏ được tiêu thụ trên toàn cầu. Đây cũng là khu vực được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gọi là "nút cổ chai quan trọng nhất thế giới". Iran từng đe dọa gây gián đoạn trung chuyển dầu mỏ tại đây, nhằm đáp trả việc Mỹ trừng phạt nền kinh tế này.

Nếu kịch bản này xảy ra, Tuvey dự báo giá dầu Brent có thể lên 150 USD một thùng, khiến lạm phát tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tăng thêm 3,5-4%. Shepherdson cho rằng giá dầu tăng "không khác nào tăng thuế lên người tiêu thụ dầu mỏ và là cú giáng vào các nhà sản xuất".

"Tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu vào khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày. Vì thế, giá cứ tăng mỗi 5 USD lại tương đương đánh thuế 183 tỷ USD một năm, tức khoảng 0,1% GDP toàn cầu", Shepherdson tính toán. Giá dầu sáng nay tăng thêm 2%, kéo Brent vượt 70 USD một thùng.  

Tuy nhiên, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phản ứng lại lạm phát tăng bằng cách tăng lãi suất là khó, ông nhận định. "Họ hiểu rõ tác động của giá dầu tăng, tỷ lệ thất nghiệp thấp và khả năng lạm phát lõi đi lên do thuế nhập khẩu. Mối quan tâm hiện tại là liệu biến động tại Trung Đông sẽ châm ngòi cho xu hướng bán tháo cổ phiếu, làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đến mức nào mà thôi", Shepherdson kết luận.

Hà Thu (theo Yahoo Finance, BI)

Let's block ads! (Why?)