Ông Mai Tiến Dũng nói sẽ siết lại việc ban hành thông tư bởi xuất hiện tình trạng, văn bản của một lãnh đạo cấp cục nhưng có thể bỏ quy định trong thông tư.
Ngày 2/1, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp về kế hoạch cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 2020 – 2025. Theo dự thảo kế hoạch, mục tiêu đặt ra là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ; giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm (từ năm 2020 đến năm 2025).
Trong đó, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tới đây phải kiểm soát việc ban hành thông tư vì "rào cản rất lớn đều nằm ở đây".
"Thực tế có những bộ tuyên bố cắt giảm nhưng không thực chất, có bộ chần chừ cải cách, vấn muốn giữ thủ tục để xuống kiểm tra trực tiếp", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ông Dũng cũng dẫn chứng thực tế còn tình trạng một nghị định nhưng bộ ban hành đến 5-7 thông tư. Ví dụ ở Bộ Y tế, một văn bản của Cục An toàn thực phẩm ban hành nhưng cả nước phải theo. Ông đề nghị làm rõ thẩm quyền ban hành.
"Thông tư đang thực hiện mà ra văn bản cấp Cục bỏ một điều trong Thông tư, toàn 'rế cao hơn nồi', lộm nhộm như thế là không được", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Ông đề nghị xem xét, bắt quả tang và đưa lên báo chí những trường hợp tương tự, không để các bộ làm tự do.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ảnh: H.Thu |
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thống kê của VCCI tại nhiều phụ lục, biểu mẫu đi kèm thông tư của các bộ, ngành cũng "đính" điều kiện kinh doanh, chưa kể thực tế phối hợp liên ngành còn vấn đề. Vì thế, xu hướng hạn chế, bỏ Thông tư là tích cực. Thông tư không nên chứa quy phạm, mà chỉ nên điều chỉnh quy trình kỹ thuật. Điều này tương tự với cách làm khi ban hành Nghị định hướng dẫn luật.
Năm 2020 dự kiến sẽ ban hành Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... thay vì ban hành hai nghị định hướng dẫn 2 luật, có thể nghiên cứu ban hành 1 nghị định phức hợp, hướng dẫn thủ tục liên ngành, để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Mai Tiến Dũng quán triệt tinh thần phải cải cách theo hướng, một thông tư mới bỏ hai thông tư cũ. Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp lại bỏ ra băn khoăn việc "một đổi một văn bản" như đề xuất dự thảo kế hoạch thực hiện. "Ý tưởng đổi mới là tốt nhưng khi đưa ra phải có tính khả thi. Phải đồng thuận và quyết tâm chính trị thì mới làm được", vị này nói.
Tiếp lời sau đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, khó thì vẫn phải làm, ai kêu khó thì có thể đứng sang một bên. Ông đề nghị Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) rà soát, đưa ra dự thảo Nghị quyết chuyên đề cải cách môi trường kinh doanh, trình Thủ tướng phê duyệt. Theo kế hoạch, Nghị quyết này sẽ ban hành vào tháng 2 năm nay.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói, việc bãi bỏ thủ tục hành chính không phải là cắt bỏ cơ học mà "phải thay đổi tư duy quản lý mới tốt hơn cho doanh nghiệp" và cắt bỏ các quy định, chứ không phải là "sửa một chữ cũng là cắt giảm".
Về mục tiêu cắt giảm 20% chi phí cho doanh nghiệp, Phó viện trưởng CIEM đề nghị cố định con số này để làm cơ sở theo dõi, so sánh giữa các Bộ, ngành. "Chúng ta sửa gì thì sửa nhưng phải giảm được chi phí cho doanh nghiệp, đây mới là cái tốt, phải dứt khoát làm", ông Hiếu nói.
Về mục tiêu là cắt giảm số lượng văn bản, ông Nguyễn Đình Trường - Phó chánh Văn phòng (Bộ Tài chính) nêu băn khoăn, giảm văn bản nhưng chưa chắc đã cắt được điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. "Đánh đồng tỷ lệ cắt giảm tại các Bộ, ngành thì tính khả thi sẽ không cao, vì hiện các bộ đã cắt khá nhiều điều kiện kinh doanh", ông Trường nói. Thay vào đó, ông đề nghị vẫn làm theo cách lâu nay, là Bộ, ngành đề xuất cắt giảm thủ tục, sau đó trình Tổ công tác ban hành.
Anh Minh