Hiệu may của Ashfaqur Rahman ở Tsim Sha Tsui từng được nhiều du khách ghé qua xem vải và may trang phục, nhưng giờ lại chẳng còn ai.
Kể từ khi cuộc biểu tình ở Hong Kong nổ ra vào đầu tháng 6, việc kinh doanh ngày càng ảm đạm. Rahman cho biết doanh thu tháng này giảm tới 80% so với trung bình 200.000 đôla Hong Kong (25.500 USD) vào thời kỳ phát đạt.
Cửa hàng của anh nằm gần đường Nathan Road, tại quận Tsim Sha Tsui, nơi có rất nhiều khách sạn, cửa hàng thời trang và trang sức xa xỉ. Nhưng các cuối tuần gần đây, khu vực này đã trở thành địa điểm biểu tình với hàng loạt vụ xung đột với cảnh sát.
"Đây là tình cảnh tệ nhất chúng tôi từng thấy", Rahman cho biết. Anh là người nhập cư từ Bangladesh, mở cửa hàng này cách đây 14 năm.
Hiện tại, doanh thu của Rahman còn chẳng đủ trả tiền thuê nhà. Anh và người chủ còn lại đang phải dùng tiền túi trả lương cho 5 nhân viên. Rahman không chắc có thể tiếp tục nếu không chính quyền không có giải pháp cho tình trạng biểu tình.
Nhân viên tại một cửa hàng mỹ phẩm ở Hong Kong. Ảnh: AP |
Hôm qua, chính quyền Hong Kong thông báo GDP thành phố này giảm 3,2% trong quý III so với quý trước. Đây là quý thứ 2 liên tiếp Hong Kong tăng trưởng âm và chính thức rơi vào suy thoái. Các số liệu cho thấy cả tiêu dùng và xuất khẩu của Hong Kong đều lao dốc.
"Phần lớn sức ép hiện tại đến từ bất ổn chính trị. Bản thân chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ khiến Hong Kong tăng trưởng chậm lại, còn bất ổn chính trị mới đẩy họ vào suy thoái", Tommy Wu - nhà kinh tế học tại Oxford Economics nhận xét.
Các nhà kinh tế dự báo năm nay, Hong Kong sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 0 - 1% và tình trạng hiện tại có thể duy trì sang năm sau. Wu dự báo GDP Hong Kong sẽ giảm 0,1% năm 2019 và "chỉ tăng khoảng 0,6% năm 2020".
Chính quyền Hong Kong cũng cảnh báo GDP cả năm 2019 sẽ đi xuống, "do không có dấu hiệu cải thiện trong ngắn hạn". Trưởng đặc khu Carrie Lam cảnh báo Hong Kong sẽ còn phải nhận nhiều tin xấu hơn nữa. "Cuộc biểu tình từ tháng 6 đã làm tổn hại kinh tế Hong Kong", bà nói. Cả bán lẻ, khách sạn, giao thông và các ngành liên quan đến du lịch đều chịu tác động.
Bên trong một trung tâm thương mại vắng vẻ tại Hong Kong. Ảnh: AP |
Một số người biểu tình còn nhắm vào các cửa hiệu, nhà hàng và ngân hàng mà họ cho là không đồng tình với mình. Họ đập phá cửa sổ, phun sơn lên mặt tiền và thậm chí châm lửa đốt một số nơi.
Số khách du lịch đến Hong Kong giảm 50% trong nửa đầu tháng 10 - thời điểm lẽ ra rất đông đúc do trùng với kỳ nghỉ quốc khánh dài ngày của Trung Quốc. Các khách sạn chỉ được lấp đầy khoảng hai phần ba. Doanh số bán lẻ tháng 8 cũng giảm kỷ lục tới một phần tư.
Các cuộc biểu tình khiến sân bay, tàu điện ngầm, các tuyến đường bộ chính nhiều lần phải ngừng hoạt động. MTR - hãng điều hành hệ thống tàu điện ngầm tại Hong Kong cũng phải ngừng chạy buổi tối sớm hơn bình thường, khiến tiêu dùng càng giảm.
Bên ngoài các cửa hàng xa xỉ tại Hong Kong, hàng dài người Trung Quốc chờ mua hàng đã biến mất. Tại một showroom khổng lồ của hãng trang sức Tiffany, ít nhất 10 nhân viên bán hàng đang đứng quầy. Còn khách thì chẳng có một ai.
Các nhân viên tại một hiệu thuốc ở Nathan Road cho biết doanh số bán mỹ phẩm, thuốc và sữa công thức - các mặt hàng vốn được người Trung Quốc ưa chuộng - giảm tới 90%. Thu nhập của họ còn bị giảm vì số giờ làm bị cắt ngắn.
"Có ai tới đây mua đâu", Ah Chiu - quản lý một cửa hàng đồng hồ cho biết. Doanh số bán hàng tại đây đã giảm nửa trong 2 tháng qua.
Trước đây, khách Trung Quốc thường tới đây dịp cuối tuần để mua đồng hồ hiệu Bulova, Seiko hay Movado. Nhưng giờ, có ngày Chiu chỉ bán được một cái đồng hồ giá vài trăm đôla Hong Kong. Chuyện này đã trở thành bình thường.
Cửa hàng của anh và hàng loạt cửa hàng khác tại Tsim Sha Tsui từng mở cửa cả trong thời gian diễn ra biểu tình. Nhưng giờ, họ đóng cửa và rời đi ngay khi thấy dấu hiệu. Việc này càng khiến doanh thu đi xuống.
"Xin hỗ trợ chẳng có tác dụng gì đâu. Không ai giúp anh được cả. Chúng tôi chẳng thấy đâu là điểm kết thúc và đang phải lấy tiền túi ra tiêu đây", Chiu nói.
Tuần trước, chính quyền Hong Kong đã phải tung thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do biểu tình. Trong đó có giảm giá thuê một nửa với các bất động sản do chính quyền sở hữu, trợ cấp xăng xe cho tài xế taxi và hỗ trợ phí cho các bến phà. Trước đó, họ đã tung 2 tỷ đôla Hong Kong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và 19 tỷ đôla Hong Kong hỗ trợ việc làm và những người chịu gánh nặng tài chính.
Dù vậy, ít nhất kinh tế Hong Kong cũng có một điểm sáng, đó là là ngành dịch vụ tài chính không chịu nhiều ảnh hưởng từ biểu tình. Chỉ số Hang Seng vẫn tăng 4% năm nay. Nhiều thương vụ IPO lớn vẫn diễn ra và nhà đầu tư vẫn coi Hong Kong là cửa ngõ quan trọng vào châu Á. Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong, dòng vốn rời đi không lớn, và đồng đôla Hong Kong vẫn ổn định.
Hà Thu (theo AP, CNN, Bloomberg)