'Đại gia' thời trang dồn đến Việt Nam

Thương hiệu thời trang Cotton:On vừa mở 2 cửa hàng đầu tiên, còn Uniqclo sẽ “tham chiến” trong vài ngày nữa.

Càng gần cuối năm, thị trường bán lẻ thời trang Việt Nam càng sôi động. Các thương hiệu thời trang quốc tế dồn dập chào sân cũng như tăng cường sự hiện diện. Chỉ trong tháng 11, Cotton:On, thương hiệu thời trang đến từ Australia, đã đặt chân vào thị trường với hai cửa hàng tại TP HCM và Hà Nội.

Trong khi đó, "đại gia" thời trang Nhật Bản Uniqclo sẽ đón khách đến mua sắm tại cửa hàng đầu tiên rộng 3.000 m2 vào cuối tuần sau. Cửa hàng của Uniqclo chiếm 3 tầng của một trung tâm mua sắm ở quận 1, TP HCM. Đối diện ngay bên kia đường chính là cửa hàng quy mô của Zara và H&M. Không đứng yên, H&M cũng vừa kịp đưa vào hoạt động cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng.

"Chúng tôi rất vui khi họ đến Việt Nam cũng như đứng cạnh họ trong trung tâm thương mại. Tôi nghĩ đây là trường hợp mà đôi bên cùng có lợi. Khi có nhiều thương hiệu quốc tế cùng mở cửa hàng trong cùng trung tâm thương mại thì sẽ có nhiều khách hàng đến mua sắm hơn. Điều đó có lợi cho chúng tôi nên càng thấy hào hứng", ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M Đông Nam Á chia sẻ trong bối cảnh thị trường ngày càng thu hút nhiều thương hiệu thời trang quốc tế.

Ông Fredrik Famm và bà Anne Soderberg chia sẻ khi H&M mở cửa hàng tại Đà Nẵng. Ảnh: Thảo Đỗ

Ông Fredrik Famm và bà Anne Soderberg chia sẻ khi H&M mở cửa hàng tại Đà Nẵng. Ảnh: Thảo Đỗ

Bà Anne Soderberg, Giám đốc kinh doanh H&M Việt Nam cũng cho rằng, sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế không có gì tiêu cực. Theo bà, khách hàng hoàn toàn hưởng lợi vì có nhiều lựa chọn hơn. "Đối với chúng tôi, mỗi thương hiệu có tôn chỉ thời trang và kế hoạch kinh doanh riêng. Ví dụ, khác biệt là chúng tôi muốn mang đến sản phẩm thời trang cho mọi lứa tuổi, cả gia đình. Chúng tôi tin rằng đó chính là lợi thế cạnh tranh của mình", vị này nói.

Đến nay, H&M đã có mặt tại Việt Nam được hai năm, với tám cửa hàng tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Năm 2017, thời điểm có hai cửa hàng, doanh thu của thương hiệu này đạt 63 triệu USD. Năm 2018, doanh thu nhãn hàng tăng hơn bốn lần, lên 271 triệu USD, nhờ mở rộng lên sáu cửa hàng. 

"Về mặt cạnh tranh, mỗi thương hiệu có thế mạnh riêng. Có 4 yếu tố trong thời trang bán lẻ là giá cả, chất lượng, thời trang, tính bền vững của sản phẩm. Một số thương hiệu có chất lượng rất tốt nhưng giá cao. Một số thì có tính thời trang nhưng chất lượng không tốt. Số khác thì giá rất hợp lý nhưng chất lượng không đồng đều lắm. Tôi cho rằng lợi thế của chúng tôi tại là có sự cân bằng 4 yếu tố này nên sẽ có vị thế nổi bật và cạnh tranh tốt", ông Fredrik Famm tự tin.

Tại thị trường Việt Nam, ngoài tốc độ mở cửa hàng khá nhanh so với một số đối thủ quốc tế khác, giá sản phẩm của H&M được nhiều người tiêu dùng đánh giá là khá "mềm", thậm chí so với các cửa hàng cùng thương hiệu này tại một số nước lân cận. Ông Fredrik Famm tiết lộ đây là một chiến lược để hướng đến tham vọng thành một nhãn hàng "thời trang quốc dân".

"Nếu suy nghĩ trong ngắn hạn, việc nâng giá sản phẩm có thể thu về lợi nhuận nhanh hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, để mở rộng bền vững ở Việt Nam thì cần giữ giá ở mức phải chăng, để tất cả mọi người có thể đến mua sắm. Tôi tin đây là chiến lược mang tính bền vững, có thể dùng để phát triển thị trường này", ông nói.

Triển vọng của ngành bán lẻ thời trang tại Việt Nam vẫn khá cao. Theo Báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Neilsen, chi tiêu cho quần áo mới đứng vị trí thứ 3 về ưu tiên chi tiêu tiền nhàn rỗi của người Việt, sau tiết kiệm và du lịch.

Cụ thể, tỷ lệ người được hỏi cho biết sẽ dùng tiền nhàn rỗi để mua quần áo trong quý I/2019 là 55% và trong quý II/2019 là 46%. "Thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có tiềm năng phát triển rất lớn. Đây là thị trường thú vị, có nhiều cơ hội mới", sếp H&M Đông Nam Á nói.

Ngoài doanh số tiếp tục lạc quan, vị chuyên gia cũng chỉ ra 3 xu hướng lớn của thị trường bán lẻ thời trang hiện tại, bao gồm: bán hàng đa kênh, thời trang chú trọng tính bền vững và kinh doanh thời trang ứng dụng công nghệ mới.

Thứ nhất, mô hình bán hàng đa kênh, tức vừa có cửa hàng truyền thống vừa có cửa hàng trực tuyến đang dần phổ biến đối với các thương hiệu thời trang. Trong đó, các nhãn hàng có nhiều cửa hàng truyền thống thì càng lợi thế khi lên trực tuyến, bởi khách hàng có nơi tham khảo, đối chiếu, vốn rất cần thiết trong lĩnh vực thời trang. Thậm chí, khách hàng có thể đến kênh truyền thống chọn mẫu sản phẩm nhưng nếu hết kích cỡ phù hợp thì có thể đặt mua qua kênh trực tuyến.

Thứ hai, thời trang chú trọng tính bền vững phát triển tất yếu bởi trách nhiệm xã hội ngày càng cao của các doanh nghiệp và mức độ quan tâm của nhóm khách hàng trẻ đối với sản phẩm họ mua. Khái niệm này bao gồm vật liệu sản xuất phải từ những nguồn bền vững, thân thiện môi trường, thậm chí là nguồn tái chế và ít dùng hóa chất. Quy trình sản xuất cũng đảm bảo các yếu tố về tiêu thụ năng lượng, phúc lợi lao động...

Thứ ba, ngành thời trang cũng đang tiếp cận với công nghệ Big Data và Trí tuệ nhân tạo (AI). Với những công cụ này, nhà kinh doanh có thể dự đoán những xu hướng thời trang mới nhất chính xác hơn, ước lượng hàng hóa cung ứng cho từng thị trường, từng cửa hàng hiệu quả hơn nhờ các công cụ số hóa.

Viễn Thông

Let's block ads! (Why?)