Trung Quốc phát triển 'lợn khổng lồ'

Tại một trang trại nằm sâu trong khu vực phía nam Trung Quốc, có những con lợn to như một con gấu Bắc cực.

Con vật nặng 500 kg là một phần trong đàn lợn "khổng lồ" đang được nhân giống. Khi xuất chuồng, một số con có thể bán được hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.399 USD), cao hơn ba lần thu nhập trung bình tháng tại Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, nơi Pang Cong, chủ trang trại lợn, đang sống.

Một du khách cưỡi lên con lợn nặng 750kg tại trang trại thuộc thành phố Trịnh Châu. Ảnh: AFP

Một du khách cưỡi lên con lợn nặng 750 kg tại trang trại thuộc thành phố Trịnh Châu. Ảnh: AFP

Những con lợn của Pang có thể là một ví dụ điển hình về cách giải quyết bài toán thiếu thịt lợn tại Trung Quốc, nơi mà suy nghĩ "lớn hơn là tốt hơn" đã ăn sâu.

Giá thịt lợn tăng cao tại tỉnh Cát Lâm phía đông bắc cũng khiến những người nông dân ở đây cố gắng nuôi lợn đạt trọng lượng trung bình từ 175 kg đến 200 kg, cao hơn mức bình thường là 125 kg. "Họ muốn nuôi chúng lớn nhất có thể", Zhao Hailin, một nông dân nuôi lợn trong khu vực, nói.

Xu hướng này cũng không giới hạn ở các trang trại nhỏ. Các nhà sản xuất thịt với quy mô lớn ở Trung Quốc, bao gồm Wens Foodstuffs Group, Cofco Meat Holdings hay Beijing Dabeinong Technology cho biết họ đang cố gắng tăng trọng lượng trung bình của lợn. Lin Guofa, nhà phân tích cao cấp tại Bric Agriculture cho biết, các trang trại đang tập trung tăng trọng lượng lên ít nhất 14%.

"Trọng lượng trung bình của lợn khi giết mổ tại một số trang trại quy mô lớn đã tăng lên 140 kg, so với mức thông thường khoảng 110 kg", Lin nói. "Điều đó có thể tăng lợi nhuận hơn 30%".

Xu hướng nuôi "lợn khổng lồ" được xem là một trong những giải pháp giải tỏa căng thẳng về nguồn cung thịt lợn cho người dân Trung Quốc. Ước tính, dịch bệnh đã làm suy giảm hơn 50% đàn lợn, khiến giá cả leo thang kỷ lục. Giới chức nước này cũng cảnh báo nguồn cung thịt sẽ còn đối mặt với sức ép rất lớn cho đến nửa đầu năm sau. Ước tính Trung Quốc sẽ cần thêm 10 triệu tấn thịt, khả năng sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung trong nước khi con số này còn lớn hơn quy mô thương mại toàn cầu về thịt lợn.

Tuy nhiên, vẫn có những trở ngại cho người dân Trung Quốc bởi nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, giá lợn con và lợn nái sinh sản cũng tăng mạnh, khiến chi phí chăn nuôi đắt đỏ hơn. Ưu tiên tăng kích cỡ cho đàn lợn hiện tại được xem là giải pháp tình thế tích cực nhất.

Minh Sơn (theo Bloomberg)

Let's block ads! (Why?)