HSBC: Việt Nam vẫn có lợi ích ròng từ thương chiến

Tăng trưởng GDP có thể giảm tốc theo Mỹ, Trung Quốc nhưng nhìn tổng thể, chuyên gia HSBC cho rằng, Việt Nam vẫn đạt lợi ích ròng từ chiến tranh thương mại.

Nhận định trên được ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia Kinh tế ASEAN cấp cao của HSBC đưa ra tại hội thảo về triển vọng kinh tế vĩ mô của HSBC gần đây. Ông cho biết, kinh tế toàn cầu đang trên đà lao đốc một cách toàn bộ, nền kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam gặp rủi ro về suy giảm.

Ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia Kinh tế ASEAN cấp cao của HSBC trình bày tại sự kiện gần đây. Ảnh: HSBC. 

Ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia Kinh tế ASEAN cấp cao của HSBC. Ảnh: HSBC. 

Chuyên gia dự báo tăng trưởng của các quốc gia hàng đầu chi phối nền kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, khu vực châu Âu giảm trong thời gian tới. Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2020 của Mỹ được dự báo ở dưới mức 2%. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm từ mức 6,6% trong năm 2018 xuống 6,2% năm 2019 và về 5,8% trong năm 2020.

Đồng thời, đây cũng là rào cản đối với các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam. Theo HSBC, kinh tế của Trung Quốc và Mỹ giảm tốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của các quốc gia.

Cụ thể, nếu kinh tế Trung Quốc giảm tốc 1%, tốc độ tăng GDP của Việt Nam sẽ giảm 0,5%, thể hiện sự kết nối mạnh mẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thông thường, nếu dự báo kinh tế Trung Quốc thấp đi thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng sẽ giảm trong một vài năm tới, chuyên gia của HSBC nhận định.

Ước tính tác động của tăng trưởng GDP Mỹ và Trung Quốc giảm tốc 1% đến các nước khác. 

Ước tính tác động của tăng trưởng GDP Mỹ và Trung Quốc giảm 1% đến các nước khác. 

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội (NCIF - Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng từng đưa ra ước tính, chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất sẽ làm GDP Việt Nam giảm 0,09% vào 2019 và đạt đỉnh điểm sụt 0,12% vào 2020-2021. Tuy nhiên, ước tính này đưa ra giữa năm 2018, với kịch bản Mỹ áp thuế 25% cho 34 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc, trong khi quy mô cuộc chiến thương mại hiện nay đã tăng lên rất nhiều.

Bên cạnh các yếu tố thiếu tích cực, HSBC cũng tính toán thương chiến Mỹ - Trung cũng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, cụ thể là Việt Nam có thể xuất khẩu mặt hàng tương tự như Trung Quốc (điện tử, dệt may) sang Mỹ. Theo đó, Việt Nam sẽ giành được một phần miếng bánh thị phần từ tay Trung Quốc khi các dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển hướng mạnh mẽ.

Tổng hòa cả hai yếu tố tác động tiêu cực và tích cực, chuyên gia của HSBC nhận định, Việt Nam cũng như các nền kinh tế ASEAN sẽ đạt được lợi ích ròng từ cuộc chiến thương mại.

Trong khi đó, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, thương chiến sẽ tác động tương đối tích cực đối với xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu chiến tranh thương mại chuyển từ phạm vi thương mại sang sản xuất thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tương đối lớn tới kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam được HSBC dự báo giảm từ 7,08% năm 2018 xuống 6,7% trong năm 2019 và về 6,5% trong năm 2020. Mức này thấp hơn dự báo của ADB công bố mới đây, tăng trưởng 2019 là 6,8%, và giảm nhẹ về 6,7% trong năm sau. 

Trong khi đó, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á của Standard Chartered Việt Nam, ông Edward Lee dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% và tốc độ này được kỳ vọng duy trì đến năm 2021.

Trong báo cáo mới đây, ADB cũng nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu chấm dứt và kinh tế toàn cầu đi xuống có thể kéo tụt thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong nước.

Quỳnh Trang

Let's block ads! (Why?)